Về trang chủ Chưa được phân loại Dịch tả lợn châu Phi: Tấn công 6 tỉnh phía Bắc, cả nước căng mình chống dịch

Dịch tả lợn châu Phi: Tấn công 6 tỉnh phía Bắc, cả nước căng mình chống dịch

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 1/3/2019, Thứ trưởng bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Tính đến ngày 26/2 đã có hơn 20 quốc gia trên thế giới nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Dịch bệnh di chuyển cấp châu lục
Trong đó, Trung Quốc và Nga bị nặng nhất với hàng triệu con lợn bị tiêu hủy, thiệt hại hàng tỷ USD. Theo báo cáo của OIE (từ ngày 1-14/2/2019), có 8 nước châu Âu là Bỉ, Hungary, Bulgaria, Latvia, Moldova, Ba Lan, Romania và Ukraine nhiễm dịch, 2 nước ở châu Á là Trung Quốc và Mông Cổ, ở châu Phi có Zimbabwe.

Như vậy có thể thấy DTLCP đã và đang chuyển dịch từ châu Phi sang châu Âu và châu Á. Tại Trung Quốc, tính đến ngày 22/2/2019 đã có 108 ổ DTLCP được phát hiện tại 27 tỉnh, thành phố và khu tự trị với hơn 950.000 lợn bị tiêu hủy.

Từ tháng 10/2018, việc lây lan DTLCP từ Trung Quốc vào Việt Nam đã được cảnh báo là rất cao. Hệ thống đường biên giới Việt nam-Trung Quốc rất dài, khó khăn kiểm soát lợn nhập lậu, hoạt động thương mại dịp Tết Nguyên đán tăng cao khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn.

Phun hóa chất phòng dịch tả lợn châu Phi.

Tính đến ngày 27/2, cả nước đã xảy ra DTLCP tại 6 tỉnh/thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam), tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 2.400 con, gây ra hậu quả nghiêm trọng với ngành chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương.

Hậu quả đầu tiên là giá lợn sụt giảm nghiêm trọng do người tiêu dùng giảm lượng tiêu thụ. Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Trung đạt khoảng 46.500 đồng/kg, tại miền Nam trung bình vẫn trên 53.000 đồng/kg, trong khi đó tại khu vực phía Bắc lao dốc, chỉ đạt 45.000-46.000 đồng/kg.

Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp bách khống chế DTLCP, một số địa phương cũng đã ban hành công điện khẩn cấp chỉ đạo các cấp ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt việc phòng chống dịch bệnh.

Tại tỉnh Đồng Nai -thủ phủ ngành chăn nuôi với tổng đàn lợn hiện đứng đầu cả nước (khoảng 2,4 triệu đầu con), nhiều người chăn nuôi và ngành chức năng được ghi nhận là đang căng mình tìm phương án để phòng chống DTLCP một cách phù hợp nhất.

Tổng lực kiểm soát dịch bệnh
Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy, để kiểm soát DTLCP đã phải đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh. Đồng thời, thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3km và vùng bảo vệ là 10km. Song song đó, nước này còn tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ khoảng 115USD/con (không phân biệt lợn to hay nhỏ).

Tại Việt Nam, mức đền bù hiện nay là 38.000 đồng/kg, tuy nhiên nhiều địa phương lại đền bù ở mức thấp hơn, sai với quy định. Đồng thời, thủ tục hành chính phức tạp, khiến cho các hộ gia đình bán chui. Ông Mai Tiến Dũng -Bộ trưởng-Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, ngày 1/3 cho biết:

Về giá đền bù, Bộ NN&PTNT đã trình với Chính phủ theo hướng sửa Nghị định 02 với giá là 70% so với thị trường. Giá làm sao để cho người dân tự giác báo và tiêu hủy, nếu rẻ quá thì không đáp ứng được cho dân. Chính phủ đang bàn, và làm các quy trình thủ tục.

Một số công bố khoa học gần đây trên thế giới cho thấy thời gian ủ bệnh DTLCP trên đàn lợn có thể kéo dài từ 4-19 ngày. Trong thời gian ủ bệnh thì virus sẽ nhân lên và thải ra ngoài môi trường thông qua phân, nước tiểu, mặc dù giai đoạn này lợn vẫn khỏe và ăn uống bình thường. Vì vậy rất cần có những nghiên cứu điều tra giám sát chủ động trên các đàn lợn, phát hiện động vật nhiễm virus DTLCP và áp dụng phương pháp tiêu hủy sớm, tránh lây lan ra cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương. Lãnh đạo Bộ cũng đã nhiều lần đến địa phương để chỉ đạo thực hiện khẩn cấp tiêu hủy toàn bộ số lợn dương tính với bệnh. Đồng thời thực hiện đồng loạt các giải pháp:

Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; Thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; Tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn; Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch và có kết quả âm tính; Chỉ đạo công bố dịch bệnh và triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn

Cá ngừ đại dương: Lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng trở lại

Vụ thầy cúng truy sát gia đình thầy bói ở Nam Định: Thư trong túi áo

Cụ 98 tuổi chợt nhớ khoản nợ từ 50 năm trước, quyết tìm chủ nợ để trả

Phó bí thư Thành ủy: Lộ hình ảnh công khai dan díu vợ người ?

Có thể bạn quan tâm