Về trang chủ Khỏe-Đẹp Dị tật sinh dục – tiết niệu, bệnh lý trẻ em thường gặp nhưng dễ bị trì hoãn điều trị

Dị tật sinh dục – tiết niệu, bệnh lý trẻ em thường gặp nhưng dễ bị trì hoãn điều trị

Theo chuyên gia nhi khoa, dị tật sinh dục – tiết niệu là bệnh lý thường gặp khi trẻ mới sinh, tuy nhiên lại thường bị trì hoãn điều trị.

PGS.TS Nguyễn Việt Hoa – Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ở trẻ em có rất nhiều bệnh lý thường gặp, trong đó, dị tật sinh dục – tiết niệu thường xuất hiện khi trẻ mới sinh ra.

Bệnh này làm thay đổi hình dạng hoặc chức năng của một hoặc nhiều bộ phận trong hệ cơ quan sinh dục- tiết niệu. Đặc điểm nổi bật của dị tật tiết niệu và sinh dục ở trẻ em là diễn biến nhanh, càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng, nếu can thiệp sớm, khả năng phục hồi sau mổ sẽ tốt hơn ở người lớn.

PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Việt Đức đang thăm khám và tư vấn cho một bệnh nhi. Ảnh BVCC

Đáng tiếc, nhiều trẻ em lại được đi thăm khám và điều trị rất muộn vì cha mẹ không làm ảnh hưởng đến trẻ.

“Trước đây, ngay cả nhân viên làm y tế cũng cho rằng những dị tật này không làm ảnh hưởng gì đến trẻ khi trẻ con nhỏ, nên phẫu thuật khi trẻ lớn.

Tôi nghĩ rằng cần thay đổi quan niệm đó vì những dị tật này là bẩm sinh, chúng ta cần chữa cho trẻ khi trẻ còn nhỏ vì trẻ đỡ bị ảnh hưởng về tâm lý tự ti.

Một số dị tật về tiết niệu thì chúng tôi thấy các cháu cần được phẫu thuật sớm để không ảnh hưởng đến chức năng cơ quan bộ phận đó.

Tuổi trung bình phẫu thuật các dị tật sinh dục như lỗ tiểu thấp là khoảng từ 1 tuổi. Các dị tật tiết niệu tùy vào mức độ của bệnh, chúng tôi tiến hành từ rất sớm, có những trường hợp chúng tôi phẫu thuật từ giai đoạn sau sinh hoặc ngay sau giai đoạn sơ sinh khi trẻ 1, 2 tháng tuổi”, PGS Hoa phân tích.

Những dị tật sinh dục – tiết niệu thường gặp

Theo PGS Hoa, các dị tật tiết niệu có thể chẩn đoán được bằng cách siêu âm chẩn đoán trước sinh. Bằng phương pháp siêu âm sẽ phát hiện ra các dị tật tiết niệu như: các dị tật tắc nghẽn đường bài xuất tiết niệu, có thể thấy hình ảnh thận ứ nước trên siêu âm trước sinh và các loạn sản thận, hoặc các thận có ứ nước (phình to niệu quản, bàng quang to…).

Khi trẻ lớn lên, bệnh nhân có các triệu chứng về dị tật tiết niệu hoặc các rối loạn về tiểu tiện như đái buốt, đái rắc, tiểu tiện nhiều lần hoặc tiểu rắt về đêm.

Còn các dị tật sinh dục thường khó nhận biết trước sinh. Các dị tật về sinh dục thì người ta có thể nhìn thấy các bất thường về hình thái ví dụ như sau khi đẻ ra hai bên bìu của con thì một bên sờ thấy tinh hoàn, một bên không sờ thấy tinh hoàn hoặc một bên bìu to, một bên nhỏ hơn.

Ở các bé gái có thể thấy một bên môi lớn phồng to hơn bên thì nhỏ hơn. Đó là những hình thái bất thường từ bên ngoài mà cha mẹ hoặc các nhân viên y tế có thể thấy và khi phát hiện ra.

Tuy nhiên, cũng có những dị tật diễn biến khá âm thầm và thường không phát hiện được. Đến khi phát hiện ra thì nó đã ảnh hưởng đến chức năng bộ phận và cơ quan.

Nguyên nhân gây dị tật sinh dục- tiết niệu

Theo PGS Hoa, khoa học chưa tìm được ra nguyên nhân chính xác gây ra dị tật sinh dục – tiết niệu của trẻ. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng, các dị tật sinh dục – tiết niệu ở trẻ có thể do đột biến về gen, các bất thường về nhiễm sắc thể hoặc là do những trường hợp kết hôn cận huyết thống thì có thể gây nên những dị tật tiết niệu, sinh dục.

PGS Hoa cũng cho biết, phương pháp phẫu thuật để xử lý các dị tật sinh dục – tiết niệu ở trẻ không phức tạp. chỉ cần phẫu thuật vi phẫu, tiểu phẫu.

Các dị tật tiết niệu phần lớn phẫu thuật bằng các kỹ thuật nội soi: nội soi sau phúc mạc, nội soi ổ bụng để tạo hình bể thận niệu quản cho các cháu.

Sau phẫu thuật gần như trẻ không đau, có thể chạy nhảy ngay sau mổ.

“Cha mẹ khi thấy cơ thể con có những bất thường, đặc biệt là ở các bộ phận sinh dục- tiết niệu đừng e ngại mà hãy đưa con đi khám các chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm. Các phẫu thuật gần như không đau, trẻ phục hồi nhanh.

Nếu để trẻ lớn có thể gây khó khăn cho sinh hoạt của trẻ, khiến trẻ tự ti, mặc cảm về tâm lý”, PGS Hoa khuyến cáo.

Theo Diệu Linh/Dân Việt  

Có thể bạn quan tâm