Mô hình “Chợ 4.0” được triển khai thành công ở khắp các chợ trên địa bàn TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, khi đi chợ thanh toán không tiền mặt mà vẫn thoải mái mua bán.
Mua mớ rau, con cá cũng quét QR Code
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước vào chợ Minh Cầu (P.Phan Đình Phùng, TP.Thái Nguyên) là tấm biển nhận diện chợ này đạt chuẩn “Chợ 4.0”. Người dân thoải mái quét mã QR Code để thanh toán không tiền mặt.
Đi sâu vào bên trong chợ, quan sát từ sạp bán rau cho đến khu bán thịt cá, thực phẩm tươi sống, các quầy bán hàng khô, tạp hóa…, đâu đâu cũng đều có bảng mã QR Code in, ép vuông vắn đặt ngay tại quầy. Không chỉ có 1, mỗi sạp hàng có đến 2 – 5 mã QR Code với nhiều số tài khoản của các ngân hàng khác nhau để khách thoải mái lựa chọn giao dịch phù hợp khi thực hiện chuyển khoản.
Chủ quầy hàng bán hải sản tươi sống, bà Đào Thị Huyền, cho biết tiểu thương tại chợ Minh Cầu bắt đầu làm quen với hình thức thanh toán không tiền mặt từ đầu năm 2022. “Ban đầu, chúng tôi khá bỡ ngỡ, rất ngại thao tác trên điện thoại di động, nhưng sau khi được tình nguyện viên kiên trì hướng dẫn để sử dụng thành thạo thì thấy vô cùng tiện lợi, thoải mái. Bây giờ thanh toán không tiền mặt là công cụ không thể thiếu trong công việc kinh doanh hàng ngày”, bà Huyền kể lại.
Cũng theo bà Huyền, đặc thù của hàng hải sản tươi sống có nhiều loại phải sơ chế tại chỗ cho khách hàng. Bàn tay vừa chặt cá, bóc tôm xong lại thu đếm tiền, trả lại khách hàng mất rất nhiều thời gian. Tiền dễ bị ẩm ướt, mất vệ sinh. “Còn bây giờ có mã QR Code đặt tại quầy, khách mua bán xong đều chuyển khoản thanh toán, điện thoại mình cứ “ting ting” là tiền về tài khoản rồi. Không riêng khách đi chợ, chúng tôi nhập hàng ra vào hàng ngày đều thực hiện thanh toán không tiền mặt, chuyển khoản hết nên không còn lo lắng khư khư ôm giữ tiền mặt như trước đây nữa, rất an toàn và tiện lợi”, bà Huyền hào hứng nói.
Còn tại quầy bán rau của chị Tống Thị Ngọc Huệ, mã QR Code được dán ngay trên tường. Chị Huệ cho biết, gần như toàn bộ khách mua bán hàng ngày đều quét mã chuyển tiền, rất ít người còn sử dụng tiền mặt đến mua rau. Để chứng minh lời vừa nói, chị Huệ chìa cho chúng tôi xem mớ tiền lẻ chưa đến 300.000 đồng đang có tại quầy.
“Khách mua rau ít thường khoảng 10.000 đồng, nhiều thì gần 100.000 đồng. Trước đây dùng tiền mặt, họ đưa tiền mệnh giá lớn, mình rất ngại, có khi không có tiền lẻ để trả lại, khó cho cả người bán lẫn người mua. Nhưng bây giờ, khách mua mớ rau, túi dưa cà cũng thích chuyển khoản hơn là trả tiền mặt; mình thì không phải lo tích tiền lẻ hay đôn đáo đổi tiền để trả lại nữa”, chị Huệ nói.
Kích cầu mua sắm, thúc đẩy kinh tế số
Có quy mô lớn nhất TP.Thái Nguyên với gần 500 hộ đăng ký kinh doanh, chợ Thái nằm trên địa bàn P.Trưng Vương có 100% tiểu thương hưởng ứng chuyển đổi thành “Chợ 4.0”. Các giao dịch tại chợ hiện nay phần lớn thông qua các ứng dụng ngân hàng hoặc ứng dụng do doanh nghiệp viễn thông cung cấp miễn phí.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch P.Trưng Vương, cho biết để triển khai mô hình “Chợ 4.0” thành công ở chợ Thái, các tổ công nghệ số cộng đồng với nòng cốt là thanh niên xuống từng sạp hàng, hộ kinh doanh để hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng thanh toán trực tuyến, sử dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch.
Triển khai “Chợ 4.0”, UBND P.Trưng Vương đã đồng loạt tổ chức 2 đợt ra quân hướng dẫn, tuyên truyền đến các khu dân cư quanh chợ. “Chợ 4.0 thu hút rất nhiều ngân hàng tham gia, họ cử nhân viên xuống chợ, đến các khu dân cư để mở các tài khoản ngân hàng, hướng dẫn người dân sử dụng. Bởi vậy, cả người mua và người bán đều tiếp cận rất nhanh với các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt”, bà Thảo nói.
The ông Trần Thanh Hải, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin (UBND TP.Thái Nguyên), sau hơn 1 năm triển khai, mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng thành công tại 24/30 chợ tại TP.Thái Nguyên. Ngoài các ứng dụng của ngân hàng, “Chợ 4.0” có các nền tảng ứng dụng của các đơn vị viễn thông như Viettel, VNPT cung cấp, giúp người dân dễ dàng thực hiện các giao dịch có giá trị nhỏ lẻ đến từng đồng.
“Không cần dùng tiền mặt, chỉ quét mã QR Code giúp việc đi chợ trở nên dễ dàng, thoải mái hơn, có tác dụng kích cầu mua sắm. Đây cũng là hình thức thanh toán giúp các tiểu thương ở chợ tránh được những rủi ro tiền rách, tiền giả hoặc mất nhiều thời gian đổi tiền lẻ trả lại cho khách hàng”, ông Hải nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên, cho biết mô hình “Chợ 4.0” là nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng tới năm 2030.
Mô hình hướng tới hình thành thói quen của người dân từ thành thị đến nông thôn hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch mua bán hàng hóa hàng ngày; bất kể giá trị nhỏ hay lớn đều có thể thanh toán dễ dàng trên các nền tảng điện tử, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại Thái Nguyên.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Hòa, để hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, Thái Nguyên đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng có tình nguyện viên hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng công nghệ, trong đó có nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.
Báo cáo của Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên cho thấy, cập nhật đến tháng 6, toàn tỉnh triển khai được 107 mô hình “Chợ 4.0” thanh toán không dùng tiền mặt và đang tiếp tục nhân rộng đến tất cả các chợ trong toàn tỉnh.
Theo Báo Thanh Niên