Về trang chủ Xu hướng Đề xuất thuê nhà tối thiểu từ 8-15 m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú: Không phù hợp với điều kiện của công nhân nhập cư

Đề xuất thuê nhà tối thiểu từ 8-15 m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú: Không phù hợp với điều kiện của công nhân nhập cư

UBND TP Hà Nội đề xuất khi thuê nhà, diện tích tối thiểu để người dân đủ điều kiện đăng ký thường trú là 8 m2 sàn/người ở ngoại thành và 15 m2 sàn/người ở nội thành. Theo ghi nhận của PV, công nhân mong muốn giảm diện tích sàn/người để được đăng ký thường trú. Bởi rất nhiều công nhân lao động nhập cư đang phải thuê trọ trong những căn phòng chật chội, chỉ từ 3 – 4 m2/người.

Anh Lê Văn Hoà cho hay, với đồng lương công nhân, rất khó để thuê phòng trọ giá cao. Ảnh: Phương Hạnh

Khó thuê phòng trọ vì giá cao

Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) có khoảng trên 16.000 công nhân nhập cư tạm trú trên địa bàn xã. Đa số phòng trọ xung quanh Khu công nghiệp Thăng Long với diện tích từ 8-15 m2, có từ 2 – 4 người ở, giá thuê từ 500.000 đồng – 800.000 đồng/tháng (chưa bao gồm điện, nước). Số còn lại nằm ở những phòng có diện tích khoảng 20 m2 – 30 m2, giá thuê từ 1,2 – 1,8 triệu đồng/tháng.

Trong căn phòng trọ rộng khoảng 20 m2, anh Lê Văn Hòa (sinh năm 1996, quê Thanh Hóa) – công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI – cho biết, đây là phòng trọ đầu tiên vợ chồng anh thuê từ ngày rời quê ra thành phố làm công nhân với giá 1,2 triệu đồng/tháng.

Dãy trọ của anh Hòa nằm ở thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) gồm 8 phòng trọ với diện tích khoảng 25 m2/phòng, có giá thuê trung bình là 1,2 triệu đồng/phòng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Với đề xuất trên, anh Hoà cho hay, gia đình công nhân nào có mong muốn được đăng ký thường trú để con dễ xin vào trường công lập sẽ phải xác định chịu thuê nhà với giá cao hơn. Như vậy, ở khu công nghiệp này không có nhiều, ngoài ra giá thuê cũng phải từ 1,3 triệu – 1,8 triệu đồng/tháng.

“Với đồng lương công nhân, rất khó để thuê phòng trọ giá cao để đạt tiêu chuẩn được đăng ký thường trú” – anh Hoà khẳng định.

Cần giảm điều kiện về diện tích sàn/người 

Theo số liệu mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê thì hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 – 4 m2 /người. Như vậy, việc đề xuất diện tích tối thiểu để người dân đăng ký thường trú là 8 m2 sàn/người ở ngoại thành không phù hợp với thực tế của công nhân thuê trọ hiện nay.

Chị Hà Thị Trang có 6 năm làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long. Gia đình 5 người gồm 2 vợ chồng, 2 con, mẹ ruột sống chen chúc trong căn phòng trọ chỉ 15 m2. “Hiện tại, tôi thuê phòng này với giá 900.000 đồng/tháng chưa bao gồm điện nước. Nếu muốn phòng rộng rãi hơn, tôi phải bỏ ra số tiền gấp đôi. Khi cả 2 vợ chồng tôi đều giảm thu nhập do không được tăng ca, chúng tôi chỉ còn cách thắt lưng buộc bụng” – nữ công nhân này nói.

Với đề xuất trên, chị Trang cho rằng, nên giảm diện tích sàn/người với người thuê trọ để đưa vào điều kiện đăng ký thường trú. Bởi lẽ rất nhiều gia đình công nhân từ 2-3 người trở lên đang thuê trọ diện tích dưới 15 m2. Mặt khác, 2 con đang độ tuổi ăn học, chị Trang rất mong muốn cánh cửa trường công lập rộng đường hơn, giảm được áp lực tài chính với gia đình công nhân.

Theo báo Lao Động

Có thể bạn quan tâm