Về trang chủ Kinh doanh Đề xuất cho lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ 55

Đề xuất cho lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ 55

Các hiệp hội cho rằng lao động Việt Nam chủ yếu là lao động chân tay, khi đến năm 55-60 tuổi thì sức khỏe giảm sút, không đảm bảo được yêu cầu công việc, nguy cơ mất việc. Do đó, 8 hiệp hội đề xuất người lao động nam nghỉ hưu ở 60 tuổi, nữ 55 tuổi khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề xuất được 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM gửi đến Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

MỨC HƯỞNG LƯƠNG HƯU THEO TỶ LỆ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Về điều kiện hưởng chế độ lương hưu cho người lao động, 8 hiệp hội đề xuất người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng với nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Lý do được các hiệp hội đưa ra là trên thực tế, lao động Việt Nam chủ yếu là lao động chân tay, có rất nhiều trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội từ rất sớm, có thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Như vậy, khi người lao động đến năm 55-60 tuổi thì sức khỏe cũng đã giảm sút, không đảm bảo được yêu cầu công việc, có nguy cơ mất việc.

Nếu người lao động phải chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống. Ngoài ra việc cho phép người lao động được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Người lao động cũng giảm số năm bị trừ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Về chế độ bảo hiểm xã hội một lần, 8 hiêp hội thống nhất lựa chọn Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu đề người lao động hưởng chế độ bào hiêm xã hội khi đủ tuổi nghi hưu.

Tuy nhiên, với phương án này, các hiệp hội đề xuất sửa là: Người lao động được giải quyết dựa trên nguyện vọng và được bảo lưu thời gian còn lại với mức hưởng được ghi rõ tại thời điểm rút bảo hiểm xã hội. Theo lý giải của các hiệp hội, đối với những người lao động lớn tuổi rất khó xin việc khi bị mất việc. Vì vậy họ mới cân nhắc đến việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần theo tỷ lệ mong muốn mà vẫn đảm bảo đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già, đảm bảo cuộc sống khi không còn khả năng lao động.

KHẮC PHỤC BẤT CẬP VỀ NỀN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Về tỷ lệ đóng và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, dự thảo Luật quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động và người sử dụng lao động có hợp đồng lao động vẫn giữ như Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Nghĩa là người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 17% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Các hiệp hội cho rằng, đây là tỷ lệ đóng cao so với khu vực và thế giới, cụ thể Malaysisa đóng 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%, Myanmar 2%…

Về nền đóng, dự thảo đưa ra 2 phương án về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Phương án 1: Tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2: Tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Đánh giá về hai phương án, các hiệp hội cho rằng phương án 1 tuy có giảm bớt áp lực cho người lao động và người sử dụng lao động từ tỷ lệ đóng cao, nhưng do nền đóng phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động của từng doanh nghiệp nên lại làm mất đi tính đồng bộ của chính sách, làm mất cân đối giữa các doanh nghiệp, khoảng cách thu nhập của người lao động khi đi làm và về hưu ở nhiều doanh nghiệp rất khác biệt.

Phương án 2 cơ bản đóng trên lương thực tế trừ 1 số khoản theo quy định của pháp luật thì với tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay và trong dự thảo thì doanh nghiệp không chịu đựng được, giảm khả năng cạnh tranh và người lao động sẽ giảm thu nhập.

Với những lập luận trên, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh cả hai phương án. Trong đó, phương án 1 điều chỉnh theo hướng: Đưa tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng của năm 2009, tức là người lao động đóng 5% và người sử dụng lao động đóng 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25% hiện nay (người sử dụng lao động đóng 17% và người lao động đóng 8%).

Tuy nhiên, nền đóng sẽ không căn cứ vào mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay, mà đóng trên 70% thu nhập thực tế của người lao động.

Phương án 2: giảm tiếp 20% tỷ lệ đóng so với phương án 1. Nghĩa là người lao động đóng 4% và người sử dụng lao động đóng 12%, tổng cộng 16% nhưng nền đóng sẽ dựa trên thu nhập thực tế, trừ một số khoản không có tính chất lương. Như vậy, nền đóng đã chiếm tới khoảng 90% tiền lương thực tế của người lao động.

Các hiệp hội cho rằng, lựa chọn 1 trong 2 Phương án trên sẽ khắc phục được bất cập của tỷ lệ đóng và nền đóng, nguồn thu bảo hiểm xã hội sẽ không giảm, thu nhập khi đi làm và lương hưu của người lao động không chênh lệch quá lớn, không còn yếu tố chủ quan (thỏa thuận) nên sẽ cân đối giữa các doanh nghiệp hơn.

Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa có thể nghiên cứu quy định thấp hơn mức 75% (như quy định của nhiều nước trên thế giới) nhưng lương hưu thực lĩnh của người lao động sẽ cao hơn.

Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2023, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.
Theo vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm