Về trang chủ Xã hội Giáo dục Để dạy thêm không còn nhức nhối

Để dạy thêm không còn nhức nhối

Cuối năm 2023, Bộ GD-ĐT thống kê trong hàng chục ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước liên quan đến lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT nhận được thì chiếm phần lớn về dạy thêm, học thêm.

Thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu thực tế mặc dù điều 4 Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT đã quy định rất cụ thể về các trường hợp không được dạy thêm, “song trên thực tế việc dạy thêm, học thêm (DTHT) đã bị biến tướng, gây ra những hệ lụy đáng lo ngại, bào mòn niềm tin của cử tri và nhân dân về chất lượng bài học, hiệu quả giáo dục, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh các nhà giáo”.

Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi các quy định liên quan để quản lý dạy thêm học thêm hiệu quả

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Khi học sinh (HS) muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi HS giỏi… thì các lớp dạy thêm của thầy cô giáo uy tín là địa chỉ tin cậy. Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án”. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là việc HS tự nguyện đến trung tâm, nhà riêng GV sau giờ học để bổ trợ kiến thức, nâng cao năng lực thì câu chuyện DTHT đã không nhức nhối như vậy. Vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện DTHT như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo?

Ông Nguyễn Văn Huy đề nghị việc sửa đổi các quy định liên quan để quản lý DTHT hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của HS, phụ huynh và GV là cần thiết nhưng ngành GD-ĐT cần quan tâm siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử, giảm bớt áp lực học hành đang đè nặng tâm trí cũng như cảm xúc của phụ huynh và HS một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động DTHT để hoạt động này vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay.

Cuối năm 2023, Bộ GD-ĐT thống kê trong hàng chục ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước liên quan đến lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT nhận được thì chiếm phần lớn về DTHT. Ngoài các câu hỏi chuyển qua Ban Dân nguyện của Quốc hội và các kênh chính thống, Bộ GD-ĐT cũng nhận được nhiều ý kiến của người dân và cử tri về vấn đề này. Thậm chí, có người dân gửi ý kiến chất vấn: “Bộ trưởng cho biết đến ngày nào thì có thể quét sạch được việc DTHT?”. Bộ trưởng GD-ĐT thời điểm đó đã chia sẻ DTHT là việc rất lớn, dù bộ đã có phân tích, trả lời về việc này nhưng chắc chắn vẫn những băn khoăn và cho biết Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để thay đổi quy định về DTHT.

Theo Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm