Kể từ 1.1.2025, toàn bộ chứng minh nhân dân sẽ hết giá trị sử dụng, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.
Công an tỉnh Nam Định mới đây kêu gọi người dân đang còn sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) thì khẩn trương làm thủ tục cấp đổi sang thẻ căn cước (TCC) để được đảm bảo quyền lợi khi tham gia các giao dịch và thực hiện thủ tục hành chính.
VÌ SAO CHỌN MỐC 31.12.2024?
Thông báo của Công an tỉnh Nam Định dựa trên căn cứ tại luật Căn cước. Theo đó, toàn bộ CMND, kể cả loại 9 số và 12 số, sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Điều này đồng nghĩa, từ 1.1.2025, người dân bắt buộc phải đổi sang TCC.
Từ 1.1.2025, CMND hết giá trị sử dụng, thay bằng thẻ căn cước. ẢNH: TUYẾN PHAN
Theo quy định trước đây, CMND có thời hạn sử dụng là 15 năm. Năm 2014, Quốc hội ban hành luật Căn cước công dân (CCCD), quy định thẻ CCCD thay cho CMND, nhưng vẫn ghi nhận CMND đã cấp sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn 15 năm. Đến năm 2023, Quốc hội ban hành luật Căn cước, quy định TCC thay cho CCCD, đồng thời rút ngắn thời hạn sử dụng của toàn bộ CMND như đã nêu.
Quá trình xây dựng luật Căn cước, có ý kiến đề nghị cho phép tiếp tục sử dụng CMND song song với TCC đến khi hết thời hạn theo quy định (15 năm kể từ ngày cấp), nhằm thuận tiện cho người dân trong một số giao dịch dân sự.
Giải trình về nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại thời điểm chuẩn bị thông qua luật Căn cước, Bộ Công an đã cấp hơn 80 triệu thẻ CCCD. Cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương. Việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu này đã phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vì vậy, quy định CMND hết giá trị sử dụng sau ngày 31.12.2024 về cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân. Điều này còn thúc đẩy người dân thay đổi thói quen sử dụng CMND sang TCC gắn chip và căn cước điện tử (bảo mật và tiện ích hơn), từ đó tạo thuận tiện trong công tác quản lý, thúc đẩy tiến trình xây dựng VN sớm trở thành quốc gia số trong tương lai.
GIẤY TỜ ĐÃ CẤP CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ SỬ DỤNG
Vẫn theo quy định tại luật Căn cước, dù không còn giá trị sử dụng nhưng thông tin về số CMND 9 số sẽ được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mã hóa trong QR Code (in trên mặt sau của TCC) giúp dễ dàng trích xuất thông tin khi cần thiết. Còn với CMND 12 số, sau khi hết giá trị sử dụng và người dân làm thủ tục cấp TCC, số CMND 12 số (dãy gồm 12 chữ số) sẽ tiếp tục được sử dụng làm số định danh cá nhân trên TCC.
Để tránh lãng phí và phiền hà cho người dân, luật quy định rõ: các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND trong giấy tờ đã cấp. Đồng thời, quy định về việc sử dụng CMND trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày 1.7.2024 sẽ được áp dụng như đối với TCC cho đến khi văn bản đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Bộ Công an cho biết, khi luật CCCD năm 2014 chuyển đổi từ cấp, sử dụng CMND sang thẻ CCCD, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu. Điển hình như lĩnh vực TN-MT, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng… Tình trạng này gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho công dân.
Để không xảy ra câu chuyện tương tự, luật Căn cước đã quy định rất rõ trong điều khoản chuyển tiếp như đã nêu, nhằm giúp công dân thuận lợi hơn khi chuyển từ CMND sang TCC, hạn chế phát sinh các thủ tục khác.
KHÔNG ĐỔI SANG THẺ CĂN CƯỚC SẼ BỊ PHẠT
Với việc CMND hết giá trị sử dụng, kể từ 1.1.2025 sẽ có 3 loại giấy tờ tùy thân còn được lưu hành, gồm CCCD mã vạch, CCCD gắn chip và căn cước. Thực tế này cũng đồng nghĩa, nếu vẫn cố tình sử dụng CMND mà không làm thủ tục đổi sang TCC, người dân có thể bị xử phạt.
Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, dẫn quy định tại khoản 1 điều 10 Nghị định 144/2021, hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD hoặc không xuất trình thẻ CCCD khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng.
Hiện Bộ Công an chủ trì xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 144/2021. Theo dự thảo được công bố gần đây, cơ quan này đề xuất giữ nguyên mức xử phạt đối với nhóm hành vi nêu trên, đồng thời thay cụm từ “CCCD” bằng “căn cước”.
Luật sư Tâm khuyến cáo những ai đang sử dụng CMND cần chủ động làm thủ tục cấp TCC trong thời gian sớm nhất. Việc này trước tiên là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chính người dân, vì tới đây TCC sẽ như một chiếc “chìa khóa vạn năng” để thực hiện các thủ tục, giao dịch thiết yếu trong cuộc sống. Lợi ích tiếp theo là giúp công tác quản lý dân cư hiệu quả hơn, khi dữ liệu thông tin của công dân được cập nhật chính xác, đầy đủ thông qua thủ tục cấp TCC.
Bộ Công an cũng khẳng định, TCC gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm. Khi thẻ đã tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân chỉ cần dùng TCC mà không phải mang nhiều loại giấy tờ như bấy lâu nay.
Tới đâu để làm thẻ căn cước?
Để làm thủ tục cấp TCC, người dân có 2 lựa chọn, một là thực hiện online trên cổng dịch vụ công, hai là trực tiếp đến nơi làm thủ tục cấp TCC (công an cấp huyện, công an cấp tỉnh).
Với người từ đủ 14 tuổi trở lên, khi người dân đến làm thủ tục, cán bộ công an có thẩm quyền sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu điện tử (nếu chưa có thì cập nhật, điều chỉnh), sau đó thu nhận thông tin nhân dạng, thông tin sinh trắc học (ảnh, vân tay và mống mắt). Người dân kiểm tra thông tin trên phiếu in và ký xác nhận, cán bộ công an cấp giấy hẹn trả thẻ.
Với công dân từ đủ 6 tuổi – dưới 14 tuổi, người đại diện hợp pháp sẽ đưa công dân đến cơ quan quản lý căn cước, thủ tục thực hiện tương tự như với người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Riêng với công dân dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp TCC thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Công an không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với nhóm này. Người dưới 6 tuổi còn được cấp TCC theo mẫu riêng.