Về trang chủ Chưa được phân loại Dầu mỏ: Giá chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2019

Dầu mỏ: Giá chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2019

Trong phiên giao dịch ngày 2/4/2019, giá dầu thế giới bật tăng, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2019, giữa lúc Mỹ xem xét tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Iran và nguồn cung dầu thô tại Venezuela tiếp tục gián đoạn, qua đó càng hỗ trợ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 99 xu Mỹ (1,61%), lên 62,58 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 7/11/2018 là 62,74 USD/thùng vào giữa phiên.

Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 36 xu Mỹ (0,52%), lên 69,37 USD/thùng, rút khỏi mức “đỉnh” xác lập trong phiên là 69,52 USD/thùng- cao nhất kể từ ngày 13/11/2018.

Một cơ sở lọc dầu ở Đảo Khark, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo các nguồn thạo tin mới đây, Chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Iran- nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư OPEC. Trong khi đó, ba trong số tám quốc gia và vùng lãnh thổ được Washington miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt để nhập khẩu dầu của Tehran hiện cũng đã giảm lượng nhập khẩu dầu của họ từ quốc gia Hồi giáo này về mức 0.

Còn tại Venezuela, cũng chịu tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, cảng xuất khẩu dầu thô Jose của nước này cũng đang phải tạm ngừng hoạt động do thiếu điện trầm trọng. Điều này khiến nguồn cung dầu toàn cầu càng trở nên eo hẹp, qua đó đẩy giá dầu đi lên.

Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ này đã bình ổn được hoạt động xuất khẩu dầu thô trong tháng Ba vừa qua, sau khi lượng dầu xuất khẩu giảm 40% trong tháng Hai và tháng Một. Nguồn cung dầu thắt chặt tại Iran và Venezuela khiến nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC theo thỏa thuận đạt được hồi cuối năm ngoái càng trở nên hiệu quả.

Nguồn cung dầu của OPEC đã chạm mức thấp nhất bốn năm trong tháng 3/2019, chủ yếu nhờ mức cắt giảm vượt cam kết của Saudi Arabia- quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC. Tuy nhiên, Nga- nhà sản xuất dầu lớn nhất tham gia thỏa thuận trên mà không thuộc OPEC – lại chưa hoàn thành mục tiêu cắt giảm sản lượng.

Sản lượng dầu của Nga đã giảm xuống 11,3 triệu thùng/ngày vào tháng Ba vừa qua, nâng tổng mức giảm sản lượng từ tháng 10/2018 tới nay lên 112.000 thùng/ngày, song mức cam kết thực tế mà Nga đưa ra là giảm 228.000 thùng/ngày so với mức của tháng 10/2018.
Theo Vietnamplus

Thái Lan: Nông dân phải cầu cứu vì khô hạn

IAEA: Sẵn sàng giám sát tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên

IAEA: Sẵn sàng giám sát tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên

Thái Lan: Nông dân phải cầu cứu vì khô hạn

Có thể bạn quan tâm