Một đứa trẻ sinh ra không có tên cha trong giấy khai sinh thì có quyền được nhận cha hoặc chia tài sản thừa kế hay không, là nội dung cuộc tranh luận trong chương trình Chuyện Cuối Tuần.
Với chủ đề “Bảo vệ con ngoài giá thú”, chương trình Chuyện Cuối Tuần với sự gặp gỡ tranh luận của đạo diễn Lê Hoàng và luật sư Trương Thị Hòa sẽ được phát sóng lúc 21g35 thứ bảy 11/4 trên kênh VTV9.
Mở đầu chương trình, đạo diễn Lê Hoàng nêu lên thực trạng là có những đứa con ngoài giá thú chịu nhiều thiệt thòi cả về tình cảm lẫn vật chất và mong manh về mặt pháp luật. Tuy nhiên, luật sư Trương Thị Hòa cho biết, về mặt pháp luật, con ngoài giá thú vẫn được bảo vệ quyền và nghĩa vụ đầy đủ.
Trailer Chuyện Cuối Tuần: Bảo vệ con ngoài giá thú:
https://www.youtube.com/watch?v=OXqpTjyOLIw&feature=youtu.be
Bà cho biết, trong các văn bản pháp luật không có từ “con ngoài giá thú”, đó chỉ là khái niệm bình dân đời thường nói đến người con không có trong hôn nhân hợp pháp, không nằm trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng.
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân gia đình quy định không được phân biệt đối xử với con trong giá thú và con ngoài giá thú. “Quyền và nghĩa vụ của người con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ”, luật sư cho biết.
Thông thường, khi một người phụ nữ sinh con, sẽ được cấp giấy chứng sinh, rồi sau đó đi làm giấy khai sinh cho con. Nếu có giấy đăng ký kết hôn thì chồng của người phụ nữ sẽ là cha đứa trẻ. Nếu không có giấy kết hôn, thì người đàn ông phải làm giấy xác nhận con.
Trường hợp người phụ nữ đăng ký kết hôn với người đàn ông này nhưng lại có con với người đàn ông khác, thì người đàn ông đó phải làm giấy nhận con.
Luật sư Trương Thị Hòa kể cũng có trường hợp người vợ chính ngăn cản không muốn ghi tên chồng của mình vào giấy khai sinh của đứa trẻ mà do chồng mình quan hệ với một phụ nữ khác. Luật sư cho biết, người vợ chính muốn ngăn cản cũng không được, vì người phụ nữ kia có quyền thưa ra tòa để xác nhận cha cho đứa trẻ.
Trước đây, có nhiều trường hợp khai tên cha trong giấy khai sinh không đúng pháp luật, như tự ghi tên một người đàn ông vào, hoặc tự đặt tên một người đàn ông nào đó, hoặc ghi tên người cha là vô danh. “Không có người đàn ông nào vô danh, chỉ là chưa ghi tên cha vào giấy khai sinh mà thôi. Người phụ nữ nên để trống chỗ ghi tên người cha”, luật sư nói.
Clip: Con ngoài giá thú có được ghi tên cha trong giấy khai sinh?:
https://www.youtube.com/watch?v=PFHb5Vks3cU&feature=youtu.be
Đạo diễn Lê Hoàng đặt vấn đề, nếu người cha qua đời, thì con ngoài giá thú có được chia tài sản hay không? Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, con trong hoặc ngoài giá thú đều được hưởng di sản của cha để lại, mỗi người một phần bằng nhau. Trong trường hợp người cha có lập di chúc chỉ cho tài sản cho con trong giá thú, thì những người con ngoài giá thú chưa thành niên cũng được bảo vệ, con thành niên nhưng có vấn đề trí não, không có khả năng lao động hoặc tài sản cũng được bảo vệ.
Clip: Phân chia tài sản cho con ngoài giá thú:
https://www.youtube.com/watch?v=S0LzwaQ6OUM&feature=youtu.be
Đạo diễn Lê Hoàng đơn cử trường hợp có một tài tử giàu có người Pháp không muốn nhận đứa con rơi khi ông còn sống. Nhưng khi ông chết đi, đứa con gái đã thuê luật sư để xác nhận cha, và người ta phải khai quật mộ ông để lấy ADN xác nhận. Đạo diễn Lê Hoàng đặt câu hỏi, trong trường hợp người cha không muốn nhận con, không cung cấp ADN thì người con sẽ làm gì để chứng minh?
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, tòa án không thể bắt buộc một người nào đó đến thử ADN, vì vậy người nào có quyền lợi thì phải tự chứng minh, nếu chứng minh không được thì tòa sẽ bác đơn. Nhưng, mặt khác, người con vẫn có quyền được yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ (tóc, máu… của người cha) cho mình.
Clip: Khi cha không muốn nhận con, phải làm thế nào?
https://www.youtube.com/watch?v=PyoLK7PF4nE&feature=youtu.be
Đạo diễn Lê Hoàng kể, một người bạn của anh, sau khi xác nhận cha cho con, đã giúp cho con được hưởng một khối tài sản lớn từ người cha. “Xác nhận con ngoài giá thú có giá trị khủng khiếp, thay đổi cả cuộc đời một con người”, anh nói.
Tuy nhiên, cũng có những người phụ nữ muốn cha nhận con không hẳn là vì tài sản, mà là vì sợ con bị tổn thương khi không có cha hợp pháp. Luật sư Trương Thị Hòa cũng kể rằng, bà có tham gia một vụ người con chỉ muốn xác nhận cha, chứ cũng không cần chia tài sản.
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, tại văn phòng luật sư của bà, các vụ xác nhận cha cho con chiếm khoảng 20-30% trong các sự vụ. Bằng kinh nghiệm của mình, bà cũng cho rằng, đa số người cha thường không chối bỏ con mình. Nhiều người cha còn cấp dưỡng, yêu thương con ngoài giá thú nhiều hơn con trong giá thú như một sự bù đắp.
Bà cũng cho biết, phim ảnh hiện nay cũng rất thực tế, đã đưa những tình tiết con rơi, con ngoài giá thú vào trong phim, có những cảnh tranh giành tài sản như ngoài đời. Bà cho rằng, phim ảnh cũng có tác dụng truyền tải về mặt pháp luật cho người dân.
Chương trình Chuyện Cuối Tuần chủ đề “Bảo vệ con ngoài giá thú”, với sự gặp gỡ tranh luận của đạo diễn Lê Hoàng và luật sư Trương Thị Hòa sẽ được phát sóng lúc 21g35 thứ bảy 11/4 trên kênh VTV9. Chương trình do công ty New Ad và VTV9 phối hợp thực hiện.
Lê Anh