Về trang chủ Giải trí Danh ca Phương Dung thú nhận “vỡ mộng” về thi sĩ “Tháng sáu trời mưa” khi gặp gỡ ngoài đời

Danh ca Phương Dung thú nhận “vỡ mộng” về thi sĩ “Tháng sáu trời mưa” khi gặp gỡ ngoài đời

Danh ca Phương Dung thú nhận “vỡ mộng” về nhạc sĩ “Tháng sáu trời mưa” khi gặp gỡ ngoài đời; Thái Châu gọi tên ca sĩ điển trai Bảo Đăng là “một điều kỳ diệu”, Tùng Lâm hát “Tháng sáu trời mưa” khiến Thái Châu, Phương Dung bất đồng quan điểm trên ghế nóng…

Người Kể Chuyện Tình 2020 vừa lên sóng tập 3 tối 25/6 trên THVL1 với chủ đề những ca khúc được phổ thơ của nhà thơ Nguyên Sa. Đêm thi là câu chuyện về một phần cuộc đời, hành trình sáng tác người thi sĩ bên cạnh những tình nổi tiếng như: Paris có gì lạ không em, Tháng sáu trời mưa, Kỳ diệu qua sự thể hiện của ba ca sĩ Nguyễn Kiều Oanh, Đỗ Tùng Lâm và Bảo Đăng. 

Thi sĩ Nguyên Sa (1932 – 1998) tên thật là Trần Bích Lan, sinh tại Hà Nội. Ông bắt đầu làm thơ từ thập niên 50 trong những ngày sống trên đất Pháp. Những bài thơ của ông mang nhiều sự cách tân mới mẻ nhưng luôn chứa đựng những nỗi niềm hoài thương vời vợi. Từ thập niên 70 trở đi, tên tuổi Nguyên Sa bừng sáng trong giới âm nhạc khi những bài thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc. Nổi bật nhất là các tình khúc của Ngô Thụy Miên với thơ Nguyên Sa như Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13, Tình khúc tháng sáu, Paris có gì lạ không em? và nhiều tác phẩm thơ được Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Song Ngọc, Hoàng Thanh Tâm “chắp thêm cánh vàng bay xa”, trở thành mẫu mực về sự giao hòa thơ, nhạc. Nhà thơ Nguyên Sa sống một cuộc đời lặng lẽ gắn bó cuộc đời với triết học, thi ca nhưng những khúc nhạc cất lên từ những lời thơ tuyệt đẹp của ông đã đến được đến với công chúng gần xa, làm đẹp thêm những tâm hồn yêu thơ mến nhạc. 

Ca khúc Paris có gì lạ không em (thơ của Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên) được viết thời điểm Nguyên Sa sang Pháp du học và gặp gỡ định mệnh của đời ông là bà Trịnh Thúy Nga. Năm 1956, hai ông bà về nước, Nguyên Sa mang một Paris với “sông Seine, tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường sương mù” viết lên những dòng thơ trong Paris có gì lạ không em? Qua hoạt cảnh đôi tình nhân lãng mạn trên đất Pháp, những ý thơ hồn nhiên, trong sáng kết hợp với chất nhạc lâng lâng của Ngô Thụy Miên cùng giọng hát cao vút, đầy cảm xúc của Kiều Oanh đã mang đến một tiết mục tuyệt vời cho khán giả. 

Thái Châu nhận xét Kiều Oanh đã nghiên cứu kỹ bài hát, hát hay, phần hòa âm mới mẻ nhưng giữ lại phong cách lãng mạn, tình tứ của Paris trong tiết mục. Giám khảo Ngọc Ánh góp ý Kiều Oanh về quãng thấp, cao độ để phần thi trọn vẹn hơn. 

Riêng danh ca Phương Dung kể về một kỷ niệm với nhà thơ Nguyên Sa: “Chồng của Phương Dung có bà con với bên ngoại của Nguyên Sa. Tôi là người thích thơ nên ái mộ Nguyên Sa. Tôi tưởng tượng ông là người đẹp trai, cao ráo nhưng đến khi tôi gặp ông ngoài đời thì như bong bóng vỡ đầy tay, thần tượng trong lòng tôi sụp đổ bởi ông không phải là người đẹp trai như tôi tưởng tượng, mặc dù tôi vẫn yêu thơ Nguyên Sa”. 

Phương Dung thú nhận “vỡ mộng” về thi sĩ “Tháng sáu trời mưa”: https://youtu.be/SIceVgQXZtY

Hóa thân thành người học trò đến gặp gỡ nhà thơ Nguyên Sa, Đỗ Tùng Lâm thể hiện ca khúc Tháng sáu trời mưa (thơ Nguyên Sa, nhạc Hoàng Thanh Tâm). Giám khảo Thái Châu nhận xét chất giọng Tùng Lâm khỏe khắn nhưng nam ca sĩ cần dung hòa trong cách hát: “Anh thích đoạn cao trào, dữ dội, bốc lửa nhưng em cần dung hòa để bài hát êm ái, rực lửa, cháy bỏng. Đoạn đầu em nên hát vuốt ve, êm ái, chừa cho đoạn cao trào và phần kết tưng bừng hơn”. Trái ngược với Thái Châu, Phương Dung đánh giá Tùng Lâm hát Tháng sáu trời mưa “dễ như uống một ly nước” và đã hoàn thành 100% những gì nữ danh ca mong đợi. 

Bảo Đăng trình diễn ca khúc Kỳ diệu (thơ Nguyên Sa, nhạc Anh Bằng) trong vai diễn người học trò cũ đến thăm mộ của Nguyên Sa. Sau tiết mục, Phương Dung không giấu được sự ấn tượng trước phần trình diễn quá hoàn hảo của nam ca sĩ. “Tôi từng nghe nhiều ca khúc của Anh Bằng nhưng ca khúc này quá hay, phần hòa âm lôi cuốn người nghe từ đầu cho đến cuối bài. Em có những tha thiết, những rực lửa, ngoài hai chữ tuyệt vời, tôi không có gì để thưởng cho em”. Đồng tình với Phương Dung, Thái Châu gọi tiết mục của Bảo Đăng là một điều kỳ diệu: “Một bài hát xa lạ mà em hát thấm thía, chiếm được cảm tình, lôi cuốn trái tim chúng tôi rung động. Em hát với từng cái bỏ nhỏ vuốt ve, dồn hết cái tâm vào tiết mục”. Ngọc Ánh cũng cho rằng đây là tiết mục lay động được trái tim của người nghe và dành cho nam ca sĩ điển trai những “cơn mưa lời khen”.  

Người Kể Chuyện Tình tập 4 – chủ đề những ca khúc phổ thơ Xuân Kỳ sẽ là màn dự thi tiếp theo của 3 ca sĩ là Dương Kim Ánh, Ánh Linh và Châu Ngọc Hiếu. Tập 4 sẽ phát sóng lúc 21 giờ thứ Năm, ngày 2/7/2020 trên kênh THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp sản xuất.

 

Lê Vũ

Có thể bạn quan tâm