Tình trạng độc quyền vàng miếng, giá trong nước cao hơn nhiều so với thế giới, cho thấy thị trường thiếu cung và nhiều bất cập, theo đại biểu Quốc hội.
Thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội ngày 24/10, bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề cập tới tình trạng độc quyền vàng miếng, khiến giá trong nước chênh cao so với thế giới.
“Nếu xem khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới là một ‘thước đo’ cho chênh lệch cung – cầu vàng, có thể thấy thị trường đang thiếu cung. Vàng SJC (thương hiệu vàng quốc gia) đang độc quyền và nảy sinh nhiều bất cập”, Phó bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét.
Từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24. Theo đó, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Theo các đại biểu, sau các đợt điều chỉnh trong tháng 10, giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn thế giới gần 14,5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là khoảng cách lớn, bị chi phối bởi sự độc quyền trong nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC.
Hiện, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng sau hơn 10 năm thực thi, đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, Phó bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Chính phủ cân nhắc việc sửa nghị định này và nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng.
Cùng đó, nhà chức trách cần sớm ban hành khung pháp lý cho giao dịch vàng tài khoản, điều tiết kinh doanh sàn vàng, cũng như có cơ chế linh hoạt hơn để thị trường trong nước liên thông với quốc tế.
“Cần cân nhắc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường hoặc phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động nguồn lực trong dân thay vì đấu thầu như hiện nay. Việc này góp phần đảm bảo thị trường hoạt động, minh bạch”, Phó bí thư thường trực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu.
Ở khía cạnh này, ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thành ủy Hải Phòng cho rằng trong thu hút nguồn lực cho xã hội thì nguồn lực từ dân chưa được chú ý. Ông đánh giá, người dân ngày càng có xu hướng đầu tư vào vàng, USD, bởi một năm lãi thu được có thể tăng gấp đôi, gấp 3 so với gửi tiền vào ngân hàng.
“Người dân có kinh tế khá một chút, họ đầu từ vào vàng, USD nhiều. Nếu Quốc hội, Chính phủ không tính huy động nguồn lực này trong dân, doanh nghiệp cần vốn mà ngân hàng lại siết thì càng thêm khó khăn”, ông Hiến nhìn nhận, và thêm rằng Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế huy động vàng, USD đang rất lớn trong dân.
Tình trạng độc quyền vàng miếng, giá vàng trong nước cao hơn nhiều thế giới từng được các đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại kỳ họp tháng 6/2022. Các đại biểu đề nghị sửa Nghị định 24/2012 sau hơn 10 năm thực thi.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm đó cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối. Cơ quan này sẽ nghiên cứu, cùng các bộ, ngành, tham khảo ý kiến rộng rãi để xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24 và đề xuất giải pháp phù hợp.
Nghị định 24 ban hành trong bối cảnh giá vàng thay đổi liên tục, tác động xấu đối với nền kinh tế.