Về trang chủ Xã hội Pháp luật ‘Đại án’ AIC: Mẹ được giảm án vì con học giỏi

‘Đại án’ AIC: Mẹ được giảm án vì con học giỏi

Một bị cáo trong “đại án” AIC được giảm án từ 3 năm tù giam xuống còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bao gồm việc con trai có thành tích học tập xuất sắc.

TAND cấp cao tại Hà Nội vừa xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm đấu thầu, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận giảm án cho 5 trong số 6 bị cáo có đơn kháng cáo hợp lệ. Trong số này, bị cáo Lê Thị Hương, cựu Phó trưởng ban Kế toán (Công ty AIC), được giảm từ 3 năm tù giam xuống 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhóm bị cáo có đơn kháng cáo hợp lệ trong phiên phúc thẩm “đại án” AIC

Lập luận cho quyết định trên, HĐXX cho biết bị cáo Hương có một số tình tiết mới, là căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Ví dụ, gia đình bị cáo chủ động nộp 100 triệu đồng khắc phục hậu quả, bị cáo có giấy xác nhận của chính quyền địa phương về việc tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, gia đình có công với cách mạng…

Đặc biệt, HĐXX còn ghi nhận bị cáo có con trai 14 tuổi được Sở GD-ĐT Hà Nội tặng giấy khen, được UBND TP.Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập, tham gia kỳ thi Olympic toán quốc tế.

Việc công nhận thành tích học tập, lao động của bản thân để cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là chuyện thường gặp, thế nhưng sử dụng thành tích học tập của con cái để xem xét giảm án cho cha mẹ, như trường hợp của bà Hương, là khá hiếm.

Nhiều ý kiến thắc mắc tòa án áp dụng và ra phán quyết giảm án như vậy có hợp lý, pháp luật hiện hành quy định ra sao về vấn đề này?

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Một trong số này là “có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác”.

Tuy nhiên, thành tích ấy phải do trực tiếp người phạm tội có được; còn trường hợp thành tích do người thân (cha mẹ, con cái…) thì không nằm trong nhóm 22 tình tiết giảm nhẹ.

Để bao quát rộng hơn, khoản 2 điều 51 có thêm quy định: khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

“Mấu chốt ở đây là “tình tiết khác”. Luật đã dành thẩm quyền này cho tòa án, để cân nhắc trong từng vụ án, từng bị cáo, từng hoàn cảnh cụ thể, không bị “bó hẹp” một cách cứng nhắc trong việc xem xét giảm án”, luật sư Bình nói.

Đối chiếu vụ “đại án” AIC, HĐXX đã coi thành tích học tập của con trai bị cáo Lê Thị Hương là “tình tiết khác” để cân nhắc khi lượng hình với người này.

Và như khoản 2 điều 51 đã nêu rõ, trường hợp tòa án coi tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ thì phải thể hiện, ghi rõ lý do trong bản án; thể hiện qua việc HĐXX nêu rõ các thành tích học tập cụ thể mà con trai bị cáo Hương đạt được.

HĐXX tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo “đại án” AIC
Tùy trường hợp để cân nhắc

Vẫn theo luật sư Bình, một điểm quan trọng, đó là không phải bất cứ trường hợp nào cũng được áp dụng để giảm án như bị cáo Lê Thị Hương. Thành tích học tập của người thân chỉ là một trong nhiều yếu tố để HĐXX cân nhắc, xem xét, bên cạnh những yếu tố khác như tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo trong vụ án, thái độ hợp tác hoặc khắc phục hậu quả…

Vị luật sư đánh giá, tình huống của cựu Phó trưởng ban Kế toán thể hiện rõ tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật. Bên cạnh mục đích trừng trị người phạm tội, việc áp dụng pháp luật linh hoạt như vậy đã mở ra thêm cơ hội để họ “quay đầu”, sửa chữa, khắc phục lỗi lầm.

Đồng tình với luật sư Bình về tính nhân văn, hợp lý trong quyết định giảm án của TAND cấp cao tại Hà Nội, nhưng một số chuyên gia khác cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

Năm 2012, TAND tối cao có thông báo kết quả giải đáp trực tuyến các vướng mắc trong xét xử. Thông báo này gợi ý một số “tình tiết khác” để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có “vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự (Anh hùng lao động, NSND, NSƯT, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú…)”.

Theo liệt kê trên, việc con trai được tặng giấy khen, bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập, tham gia kỳ thi Olympic toán quốc tế không thuộc một trong các danh hiệu vinh dự theo luật Thi đua, khen thưởng. Nếu coi đây là thành tích “có công với nước” thì sẽ có cơ sở hơn, nhưng hiện luật cũng chưa quy định cụ thể thành tích nào mới được xác định là có công với nước.

Hơn thế, ngoài các “tình tiết khác” đã gợi ý, công văn của TAND tối cao cũng tiếp tục nêu rằng, khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm