Về trang chủ Xã hội Tin tức Đã bố trí đủ ngân sách thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024

Đã bố trí đủ ngân sách thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã bố trí đủ ngân sách nâng lương cơ sở từ 1.7.2023 và chuẩn bị thực hiện nghị quyết về cải cách tiền lương từ 1.7.2024 về sau.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng
Pháp luật tốt thì tăng trưởng của nước ta sẽ mạnh hơn nhiều

Sáng 2.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Đây là chính sách tài khóa thâm hụt, mặc dù giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.

Trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình với Quốc hội và Chính phủ giảm, giãn đối với các loại thuế, tiền thuê đất. Riêng năm 2021 giảm được hơn 132.000 tỉ đồng; năm 2022 giảm 233.000 tỉ đồng và năm 2023 dự kiến giảm 200.000 tỉ đồng, đây là nỗ lực rất lớn.

Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, phải đưa vào nền kinh tế 347.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 43 năm 2022.

Về dự toán tình hình ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến ngày 30.10 thu ngân sách đã đạt 85%, tương đương với 1.366.000 tỉ đồng.

Một số ý kiến đại biểu về việc tăng thu từ tiền đất, Bộ trưởng cho rằng, thu từ tiền đất chỉ đạt 57,8%, tương đương hơn 86.000 tỉ và khoản thu từ dầu thô còn rất nhỏ, chỉ đạt 46.000 tỉ đồng – đạt 2,6% thu ngân sách.

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, thu ngân sách chủ yếu từ vai trò của sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa.

Một số ý kiến cho rằng, chúng ta không vướng pháp luật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu hoàn thiện pháp luật tốt thì tăng trưởng của nước ta sẽ mạnh hơn nhiều, bền vững hơn và doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng dẫn chứng câu chuyện giá đất ai vào tính cũng sai; hay như Luật Quy hoạch đến nay đã hơn nửa nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch cấp tỉnh thì làm sao triển khai được các quy hoạch của các phân khu. Đây là vấn đề phải đặt ra để xem xét.

Hay như giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng cho biết đến nay mới đạt 57% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nếu tính cả quyết định của UBND các tỉnh và của Chính phủ thì mới đạt 52%.

“Tại sao lại giải ngân thấp thế trong khi nền kinh tế đang khát vốn? Có phải là do vướng mắc từ đầu tư công trong Luật Đầu tư công hay không? Mà nếu không sửa luật này thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công.

Muốn điều chỉnh danh mục công trình cũng phải ra Quốc hội. Muốn điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác cũng phải ra Quốc hội. Hay như muốn lập dự án thì phải có tiền, tiền phải đưa vào kế hoạch đầu tư công…”, Bộ trưởng Tài chính nói và đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Về dự toán ngân sách năm 2024, Bộ trưởng cho rằng đây là nỗ lực lớn của Chính phủ và Quốc hội. Theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đưa ra phải tăng trên 5%.

Do đó, Bộ Tài chính đã giảm 2 khoản thuế là thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu và thuế VAT từ 10% xuống 8%. Như vậy tính cả 2 khoản thuế này là 1.757.900 tỉ đồng chứ không phải 1.700.000 tỉ đồng, tăng 8,46% so với năm 2023.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng
Đầu tư phải có hiệu quả, không được để lãng phí, thất thoát

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đã bố trí đủ ngân sách nâng lương cơ sở từ 1.7.2023 và thực hiện nghị quyết về cải cách tiền lương từ 1.7.2024 về sau.

Về chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng cho rằng phải phân bổ, cải cách về vấn đề này, tức là chúng ta phân bổ về cho tỉnh để phân bổ cho các huyện làm và quy định chi đầu tư chỉ chi công trình hạ tầng kỹ thuật (chi điện, đường, trường, trạm…) còn lại đưa vào chi thường xuyên.

Về giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng cho rằng phải coi giảm chi đầu tư, phải tiết kiệm, đầu tư không được để lãng phí, đầu tư là phải có hiệu quả, không gây thất thoát. Bộ trưởng tính toán có những bộ ngành riêng chi cho tiền lương, phụ cấp đã chiếm 66%, không có gì để tiết kiệm.

Ngoài ra, hiện nay các bộ ngành cũng rất ít tiếp khách, hạn chế đi công tác nên cũng không đặt ra vấn đề này nhiều. Như vậy có thể thấy chúng ta rất tiết kiệm trong chi thường xuyên, chủ yếu phục vụ chi cho con người là lương và phụ cấp.

Về việc hoàn thuế, Bộ trưởng cho biết đã thực hiện được 92%, hiện nay chỉ còn giải quyết giải quyết 14.857 hồ sơ, đang giải quyết 534 hồ sơ với trên 9.000 tỉ đồng.

Theo Phạm Đông – Ngô Cường/Lao Động

Có thể bạn quan tâm