4 năm mang khối u dây thần kinh lớn nằm ở vị trí nguy hiểm trong não, người phụ nữ 71 tuổi đã được điều trị thành công bằng robot mổ não trí tuệ nhân tạo hiện đại tại Việt Nam.
Một tuần sau phẫu thuật, bà Phùng Kim Minh (sinh năm 1952, Hà Nội) xuất viện về nhà và sinh hoạt bình thường. Từ một cuộc sống phụ thuộc người khác do yếu liệt, khó đi lại; nay bà đi du lịch thường xuyên với gia đình. Bà vui mừng vì không uổng công bay từ Hà Nội vào TP.HCM để được ê kíp mổ thần kinh – sọ não bằng robot hiện đại can thiệp. “Tôi như được hồi sinh, hằng ngày sống vui, sống khỏe với người thân, bạn bè”, bà Minh hồ hởi chia sẻ.
Nguy hiểm khi mổ bằng phương pháp cũ
Bà Minh kể, lúc đầu kích thước khối u nhỏ rồi lớn dần thành khối u khổng lồ. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) trước đó ở các bệnh viện ngoài Hà Nội cho thấy não thất 4 bị chèn ép từ bên phải, khối u có kích thước 4.8 x 1.8 x 2.6 cm, khả năng xuất huyết và vôi hóa bên trong. Thương tổn chèn ép nặng vào cầu cuống não và cuống tiểu não giữa bên phải. Một vài thương tổn dạng nốt ở chất trắng quanh não thất bên hai bên, có khả năng do nguyên nhân mạch máu. Các bác sĩ đánh giá u phát triển lớn, nhiều thùy và khả năng can thiệp không đáp ứng tốt, tiên lượng xấu.
Chồng bà Minh – PGS-TS-TTND Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; nguyên Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam – khi nhận kết quả chẩn đoán bệnh tình của vợ đã tìm hiểu và nhờ nhiều chuyên gia tư vấn phương pháp điều trị. Thế nhưng, các bệnh viện lớn tại Hà Nội đều không thể nhận mổ do khối u lớn, trải dài, nằm ở vùng chức năng quan trọng. Với khối u này, nếu mổ bằng phương pháp truyền thống sẽ có nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng, gây yếu liệt các dây thần kinh sọ 9, 10, 11, 12… có nguy cơ mất khả năng tự lập, bệnh nhân ăn sẽ sặc, viêm phổi, nhiễm trùng và sốc, có thể tử vong.
Trong cơn tuyệt vọng, vợ chồng bà Minh biết được thông tin về Robot mổ não Modus V Synaptive thế hệ mới hiện đại bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. Gia đình bệnh nhân đã liên lạc với thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ CKII Chu Tấn Sĩ – hiện là Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và gửi kết quả chụp MRI từ các bệnh viện đã chụp trước đó.
Lấy hết khối u, bảo tồn từng bó sợi thần kinh nhỏ nhất
Từ hình ảnh MRI gia đình người bệnh gửi, ê kíp mổ của bác sĩ Chu Tấn Sĩ nhận định đây là một khối u lớn nằm ở góc cầu tiểu não, liên tưởng nhiều đến u dây thần kinh số 5, u độ 4, vị trí chèn ép vào cấu trúc thân não. Sau hội chẩn, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nhận định đây là một ca bệnh đầy thách thức và áp lực, người bệnh đang mang trong mình khối u quá lớn và ở vị trí nguy hiểm. Nhờ có hệ thống Robot Modus V Synaptive hiện đại và tiên lượng trước được nên ê kíp đã quyết định đồng ý mổ cho bệnh nhân.
Vợ chồng bà Minh lập tức mua vé máy bay lên đường vào Nam để mổ não. Hai ngày sau, ê kíp mổ đã lên kế hoạch phẫu thuật. Trước tiên là cuộc mổ mô phỏng trên máy tính, chọn đường đi vào khối u không đụng vào các bó sợi thần kinh, không làm tổn thương thêm chức năng. Ngày hôm sau, các bác sĩ bắt tay vào cuộc mổ chính thức trên robot. Ca mổ được sử dụng phương pháp gây mê, tư thế nằm nghiêng, thòng một tay xuống dưới bàn mổ, đặt điện cực để kiểm soát dây thần kinh số VII, nhờ đó sau mổ bệnh nhân không bị liệt mặt một bên.
Cuộc mổ diễn ra trong vòng 4 giờ. Nhờ có Robot Modus V Synaptive thế hệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở mức tinh vi đã giúp bác sĩ thấy toàn diện không gian, tổ chức não, đặc biệt thấy rõ các bó sợi thần kinh, các mô não lành xung quanh khối u trước, trong và sau khi mổ. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá toàn diện và chọn đường tiếp cận khối u hiệu quả nhất và an toàn nhất. Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết thêm, Robot Modus V Synaptive giám sát suốt quá trình mổ, đảm bảo bác sĩ tuân thủ đường mổ đã xác lập kế hoạch mô phỏng mổ từ trước.
Cuộc mổ kết thúc thuận lợi, bác sĩ đã lấy hết khối u, bảo tồn được các chức năng, giải phóng khối chèn ép. Một ngày sau mổ, bà Minh đã tỉnh hoàn toàn, biểu hiện chóng mặt giảm đi đáng kể, có thể đi lại được. Người bệnh được chuyển xuống khu nội trú để được chăm sóc và theo dõi. Tròn 1 tuần sau mổ, sức khỏe đã ổn định, bà Minh cùng chồng bay về Hà Nội.
Bệnh nhân hồi phục nhanh nhờ có robot hướng dẫn và giám sát không làm tổn thương các bó sợi thần kinh và các mô não lành trong cuộc mổ, không gây di chứng hậu phẫu. Một tháng sau tái khám, kết quả khối u đã được lấy hết và không phải bắn tia gamma knife. Với sự thành công vang dội này, ca bệnh này đã được bác sĩ Chu Tấn Sĩ và ê kíp đăng báo cáo ở Tạp chí Y khoa Medicine – Mỹ.