Cuộc sống đang là dòng chảy thuận lợi, thì nhiều ngành đưa ra quy định để quản lý như là đổ đá và be bờ làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thấy sai rồi, phải bỏ đá đi thì gọi là cải cách.
“Ngực lép không được lái xe”
Cách đây 15 năm, người dân cả nước từng choáng váng với quy định “ngực lép không được lái xe” do Bộ Y tế ban hành. Song, phải mấy năm sau đó, quy định này mới bị tuýt còi, dỡ bỏ.
Chỉ vài năm sau đó lại có quy định các cấp chính quyền và ngành thú y phải lập sổ theo dõi số lượng chó, mèo nuôi, số hộ có nuôi chó, mèo trên địa bàn mà dân tình gọi nôm na là chó, mèo phải là chính chủ, theo sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Những quy định tréo ngoe như vậy và nhiều hơn nữa chỉ là những câu chữ đơn giản trong các văn bản pháp luật, nhưng chúng tạo tạo thêm vô vàn gánh nặng cho người dân trên thực tế.
Kể từ đó đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, đã có nhiều quy định nhằm hạn chế tình trạng ban hành giấy phép con, các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành không vì mục tiêu quản lý, nhưng có lẽ không đủ.
Tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong các chính sách, pháp luật vẫn diễn ra tinh vi, làm người dân và doanh nghiệp khốn khổ trong khi không thực hiện được chức năng quản lý.
Mà tình trạng đó ngày càng dầy lên.
Trong cuộc gặp với doanh nghiệp FDI hồi tháng 4/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra yêu cầu rất rõ ràng: “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”.
Thủ tướng cũng ban hành nhiều công điện, quyết định để tháo gỡ các vướng mắc trong nhiều văn bản pháp luật, nhất là trong lĩnh vực y tế, tài chính, xây dựng; thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng ở các dự án, ở các địa phương.
Những nỗ lực đó của Thủ tướng nhằm tháo gỡ nhiều trói buộc cho dân và doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn tích tụ sau đại dịch Covid-19.
“Tuổi thọ” của các luật ngày càng trẻ
Tuy nhiên, tình trạng các văn bản pháp luật vừa ban hành chưa ráo mực đã phải sửa ngay đang diễn ra ngày càng dầy lên đến mức, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phải thốt lên rằng, “tuổi thọ” của các luật ngày càng trẻ, 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung.
Xin lấy ví dụ trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 153 ban hành ngày tháng 12/2020 thì phải sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 65 tháng 9/2022, tức sống được 1 năm 9 tháng. Và rồi Nghị định 65 lại phải sửa ngay bằng Nghị định 08, ban hành tháng 3/2023.
Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu được ban hành tháng 11/2021 để sửa đổi, bổ sung Nghị định 83, ngay đầu năm 2023 phải lên kế hoạch sửa đổi, tức là chỉ hơn 1 năm sau vì thị trường xăng dầu đứt gãy.
Đặc biệt là nhiều Nghị định trong lĩnh vực y tế phải sửa đổi hàng nội dung, quy định mà vì đó, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở các bệnh viện công diễn ra phổ biến.
Đây là những quyết tâm của Chính phủ nhằm dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật, được ban hành ra gây hại cho môi trường kinh doanh.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng
Những vướng mắc trong cuộc sống thì muôn hình vạn trạng do những quy định bất hợp lý được tích tụ trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.
Quy định về lý lịch tư pháp là ví dụ. Đầu tháng này, hàng trăm người dân có nhu cầu làm lý lịch tư pháp phải đi từ 4 – 5h sáng đến Sở Tư pháp Hà Nội lấy số thứ tự, nhiều người đã tới 4 lần mới đến lượt làm hồ sơ.
Tình hình tắc nghẽn đến mức Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phải thốt lên “lạm dụng một cách vô lối để hành người lao động”. Đáng tiếc, ông không đặt câu hỏi, vì sao lại có quy định lý lịch tư pháp trong hồ sơ xin việc, vì sao lại phải cần cái giấy đó mới xin được việc, mới đăng ký được giấy chứng nhận kinh doanh? Có nước nào có quy định đó?
Tiêu cực ở ngành đăng kiểm đã diễn ra mấy chục năm nay, ai đi đăng kiểm cũng biết, vì nó được dung dưỡng ngay trong các quy định của pháp luật, ví dụ Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.
Câu hỏi đặt ra, vì sao Thông tư 16 được ban hành ngày 12/8/2021 với nhiều quy chuẩn khác xa, thụt lùi so với thế giới vẫn được thông qua dễ dàng? Vì sao văn bản đó được thiết kế thiên về lợi ích cho ngành, đẩy khó cho người dân và doanh nghiệp, phớt lờ kinh nghiệm quốc tế, coi thường tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại lại được duy trì lâu đến thế mà không nhận được góp ý chính sách nào của tổ chức, cá nhân? Hay là có góp ý nhưng không được tiếp thu? Vì sao Thông tư mới ban hành mà tình trạng tắc nghẽn đăng kiểm vẫn diễn ra nhiều nơi?
Những bế tắc gần đây trong lĩnh vực đăng kiểm, phòng cháy, y tế, xây dựng, môi trường, tài chính, ngân hàng… liên tục được phản ánh, phát hiện. Người ta ước tính, hiện nay có tầm 3.000-4.000 giấy phép con, cháu, chắt, chít trong các văn bản, từ văn bản điều hành đến thông tư đến nghị định đến luật.
Hồi sửa Luật Doanh nghiệp năm 2015, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp ước tính có gần 7.000 điều kiện kinh doanh, sau đó cắt được một nửa. Nếu con số trên là đúng thì đến nay số giấy phép con lại mọc ra y như vậy.
Tháo đập, dỡ đá, khơi dòng
Cuộc sống đang là dòng chảy thuận lợi, thì nhiều ngành đưa ra quy định để quản lý như là đổ đá và be bờ làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thấy sai rồi, phải bỏ đá đi, thì gọi là cải cách. Nếu dòng chảy đang tốt thì cần hướng cho dòng chảy đúng chỗ nhanh hơn, mạnh hơn, thế mới là cải cách, chứ không thể tư duy là bỏ đống đá vào, rồi thấy vướng, lại dỡ bỏ ra là cải cách.
Luật ở trên trời nhưng cuộc đời dưới đất, nơi người dân và doanh nghiệp cần một hệ thống luật pháp thông thoáng, an toàn, ổn định để sản xuất, kinh doanh.
Xin trích dẫn góp ý của đại biểu Lê Thanh Vân về tổ chức công tác xây dựng pháp luật tại diễn đàn Quốc hội ngày 23/4. Ông nói, hiện nay Ban soạn thảo dự luật chính là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó, như vậy không khách quan.
Ông gợi ý, phải thay đổi cơ cấu của thành phần Ban soạn thảo theo hướng có nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia và đặc biệt là những đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật đó. “Là người chịu sự điều chỉnh của pháp luật, hơn ai hết họ phải được tham gia ngay từ đầu để thể hiện sự cầu thị trong xây dựng luật pháp và phản biện xã hội”, ông nói.
Ông đề nghị trong nghị quyết về xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm nay phải thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật, nếu như đạo luật đó sau này có hại cho nước, cho dân thì phải truy cứu trách nhiệm.
“Người nào, tổ chức nào khởi xướng chính sách, đề xuất các dự án luật phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước Nhà nước về tính hiệu quả của nó”, ông nói.
Theo Vietnam.net