Cuộc đua công nghệ không chỉ diễn ra với những “gã khổng lồ” Mỹ. Ở một mức độ thấp hơn, các công ty công nghệ châu Âu và Anh cũng đang đầu tư một lượng vốn khổng lồ vào AI.
Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz viết: Tuần này, nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon đã tuyên bố gia nhập vào cuộc đua của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, để phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).
Amazon Q, ra mắt ngày 29/11, được thiết kế dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp, thay vì người tiêu dùng. Với ứng dụng mới này, Amazon đang cố gắng tận dụng thị phần dẫn đầu thị trường của mình trong các dịch vụ điện toán đám mây, để dành lợi thế cạnh tranh với các đối thủ, như Microsoft, Google và Meta (công ty mẹ của Facebook).
Trên thực tế, Amazon đang đi sau trong cuộc đua phát triển các sản phẩm AI tạo sinh ngày càng sôi động. Mặc dù, cuộc đua này mới chính thức được khơi dậy vào một năm trước đây, khi công ty khởi nghiệp công nghệ OpenAI phát hành ứng dụng ChatGPT.
Tháng 9/2023, Amazon đã đầu tư 4 tỷ USD vào Anthropic, một công ty khởi nghiệp cạnh tranh với OpenAI. Đây có lẽ là cơ sở để Amazon cho ra mắt ứng dụng Q, tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng, bằng các giảm chi phí, xây dựng các chatbot (ứng dụng trò chuyện tự động) và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Tháng trước, “gã khổng lồ” công nghệ Meta cũng đã phát hành một chatbot mới, sau khi thành lập nhóm phát triển AI tạo sinh vào tháng 2/2023. Các sản phẩm của Meta chủ yếu hướng đến người tiêu dùng.
Tương tự, Google đã công bố ứng dụng Gemini vào tháng 5/2023. Đây là một tập hợp các mô hình ngôn ngữ lớn, được phát triển để thách thức vị trí dẫn đầu của OpenAI trong lĩnh vực này. Ứng dụng Gemini của Google được mô tả là “đa phương thức”, tích hợp văn bản, hình ảnh và các dữ liệu khác. Gemini khai thác quyền truy cập vào nguồn dữ liệu khổng lồ mà các ứng dụng, như chức năng tìm kiếm (Google Search), nền tảng chia sẻ video trực tuyến Youtube, Sách Google (Google Books) và Google Học thuật (Google Scholar), mà công ty đang sở hữu.
Trước đó, Microsoft là công ty tiên phong trong mảng AI tạo sinh. Công ty này đã đầu tư và cam kết tài trợ 13 tỷ USD cho OpenAI để phát triển các dịch vụ dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nhưng chính khoản hỗ trợ tài chính này được cho là nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt trong nội bộ ban lãnh đạo của OpenAI. Chưa đầy hai tuần trước , nhà đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành (CEO) của OpenAI, Sam Altman, đã bất ngờ bị hội đồng quản trị sa thải.
Một cuộc nổi dậy của các nhân viên – 95% trong số họ đe dọa sẽ rời công ty, trừ khi ông Altman được phục chức – đi kèm với thông báo của Microsoft rằng họ sẽ tuyển dụng ông Altman và thành lập một doanh nghiệp phát triển AI nội bộ đã giúp ông Altman quay trở lại với OpenAI. Cuộc “thay máu” đã diễn ra ngay trong hội đồng quản trị có điều lệ ưu tiên cho an toàn hơn là lợi nhuận của OpenAI và một ban giám đốc mới, những người có thể có hoặc không có mong muốn theo đuổi ưu tiên này, đã được thiết lập.
Hãng tin Reuters (Anh) và The Information (Mỹ) cho biết, “chất xúc tác” dẫn đến việc ông Altman bị sa thải là bức thư từ các nhà nghiên cứu tại OpenAI gửi đến hội đồng quản trị, cảnh báo về những bước đột phá trong công nghệ AI mà công ty đã đạt được.
Quay trở lại với Amazon, ứng dụng Q có khả năng giải quyết các vấn đề toán học cơ bản, đòi hỏi mức độ hiểu biết về toán, các khái niệm trừu tượng và khả năng suy luận logic, cũng như việc đưa ra các suy luận vượt xa những gì mà một mô hình AI cơ bản có thể làm được.
Điều này có thể là nguyên nhân khiến các nhà nghiên cứu tại OpenAI bị kích động, vì nó rõ ràng là một bước tiến mới gần hơn tới công nghệ siêu trí tuệ nhân tạo (Artificial general intelligence – AGI), hay còn được hiểu là AI có một mức độ trí thông minh tiệm cận hoặc thậm chí đã vượt qua con người.
Người sáng lập phòng thí nghiệm AI DeepMind của Google, Giáo sư Shane Legg cho biết, ông tin rằng có 50% cơ hội thế giới sẽ thành công tạo ra AGI vào cuối thập kỷ này.
Có rất nhiều người trong cộng đồng nghiên cứu AI đã hạ thấp vai trò ứng dụng Q của Amazon, xét trên những gì mà ứng dụng này được mô tả. Nhưng kết quả của cuộc chiến giữa các giám đốc theo trường phái phi lợi nhuận trong OpenAI và CEO Altman, cũng như Microsoft, đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng.
An toàn và lợi nhuận
Nếu có một sự lựa chọn giữa an toàn và lợi nhuận, có lẽ lợi nhuận sẽ chiến thắng. Điều đó một phần là do sự cần thiết – việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn giúp củng cố quyền lực của AI tạo sinh sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền – cũng như lý do khác, đó là để thu hút các giám đốc điều hành và các nhà phát triển, các công ty công nghệ buộc phải cạnh tranh với nhau về mức lương cao và tăng trưởng vốn chủ sở hữu.
OpenAI đã được định giá (với mục đích tạo cơ hội cho nhân viên trong tổ chức phi lợi nhuận vì lợi nhuận có thể tăng thu nhập từ phần vốn sở hữu của công ty) ở mức 86 tỷ USD. Khi tài chính được đặt lên bàn đàm phán, điều đó có nghĩa là mọi lo ngại về rủi ro đối với nhân loại sẽ chuyển thành vấn đề ưu tiên thứ hai.
Kết quả tại OpenAI – việc loại bỏ những người dành ưu tiên nhiều hơn cho an toàn thay vì lợi nhuận – cho thấy một bức tranh khá rõ ràng rằng, trong cuộc cạnh tranh giành ưu thế phát triển AI tạo sinh và để bắt kịp những đối thủ khác, không thể tin cậy việc các công ty công nghệ lớn sẽ có thể tự áp đặt các quy tắc điều chỉnh mình. Có lẽ các nhà lập pháp sẽ cần phải làm điều đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành một sắc lệnh hành pháp về AI vào tháng trước, yêu cầu các công ty công nghệ phải chia sẻ kết quả kiểm tra độ an toàn của họ, cũng như các công cụ phát triển và thử nghiệm, để đảm bảo những mô hình này là an toàn. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã thông qua dự thảo luật bắt buộc các công ty công nghệ lớn phải minh bạch và hạn chế một số ứng dụng được cho là ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, trong khi tốc độ phát triển AI ngày càng nhanh, các quy định lập pháp có nguy cơ bị tụt hậu đáng kể. Nhưng nếu các nhà chức trách siết chặt quy định quá mức thì sẽ gây hạn chế những gì có thể mang tới sự đổi mới đột phá cho tương lai của nhân loại.
Cuộc đua công nghệ quy mô toàn cầu
Cuộc đua công nghệ không chỉ diễn ra với những “gã khổng lồ” Mỹ, ở một mức độ thấp hơn, các công ty công nghệ châu Âu và Anh đang đầu tư một lượng vốn khổng lồ vào AI.
Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lượng các công ty khởi nghiệp về AI được nhận hỗ trợ tài chính. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, như Tencent Holdings, Baidy và Alibaba, đang đầu tư vào một loạt các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước, đồng thời rót vốn vào việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn của riêng họ.
Chính phủ Trung Quốc là nhà tài trợ chính cho các nhà phát triển AI trong nước (đặc biệt là trong lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt và các ứng dụng công nghệ quân sự). Nhờ quy mô dân số khổng lồ, nước này sở hữu một lượng dữ liệu to lớn, là tài nguyên phong phú để phát triển các mô hình AI mới trong cuộc đua giành ưu thế AI, vốn phụ thuộc vào khả năng truy cập vào nguồn dữ liệu khổng lồ.
Ý nghĩa địa chính trị của việc phát triển AI làm tăng thêm áp lực đối với các chính phủ và cơ quan quản lý để đảm bảo rằng luật pháp và các quy định bảo vệ an toàn của người dân sẽ không gây cản trở cho các nhà phát triển.
Chắc chắn sẽ có những căng thẳng và thậm chí là tranh cãi, khi các cơ quan quản lý và chính các công ty phải vật lộn với những xung đột vốn có trong việc cố gắng dung hòa giữa lợi ích kinh tế và chiến lược phát triển, để trở thành người dẫn đầu trong “làn sóng” AI, nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được sự an toàn cho nhân loại
Với bản chất của các công ty dẫn đầu cuộc đua – và nhìn từ kết quả của cuộc chiến ngắn ngủi nhưng tàn khốc trong phòng họp của hội đồng quản trị OpenAI để giành quyền kiểm soát sự phát triển công ty – thật khó để không bi quan về những gì sẽ diễn ra trong tương lai.