Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn mới nhất của CODEX, cho phép sử dụng Aspartame làm phụ gia thực phẩm.
Liên quan tới những thông tin không đúng sự thật về chất tạo ngọt Aspartame có trong sản phẩm của thương hiệu Laura Coffee do ca sĩ Nhật Kim Anh sáng lập, chiều 21/10, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi nhanh với đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Việc sử dụng phụ gia thực phẩm phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm và Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành”.
Tiktoker “CEO Vương Long” nhập nhèm thông tin liên quan tới chất tạo ngọt 951 – Aspartame để tấn công thương hiệu Laura Coffee. Ảnh chụp màn hình |
Theo đại diện diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thông tư quy định về quản lý sử dụng phu gia thực phẩm của Bộ Y tế nêu trên được cập nhật theo tiêu chuẩn mới nhất của Tiêu chuẩn chung về phụ gia thực phẩm (General Standard for Food Additives (CODEX STAN 192-1995)) của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex (CAC) – Ủy ban này được thành lập với 188 nước thành viên và 1 khu vực là Liên minh châu Âu.
Danh mục phụ gia được phép sử dụng, tại Thông tư của Bộ Y tế và tiêu chuẩn mới nhất của CODEX, vẫn đang cho phép sử dụng Aspartame (INS 951) làm phụ gia thực phẩm với chức năng là chất tạo ngọt, chất điều vị. Tuy nhiên, đại diện diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lưu ý, phụ gia thực phẩm này được quy định sử dụng trong một số nhóm thực phẩm và mức sử dụng tối đa cụ thể, không phải sản phẩm thực phẩm nào cũng được dùng.
“Tại Tiêu chuẩn mới nhất của Tiêu chuẩn chung về phụ gia thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex là phiên bản cập nhật năm 2023 vẫn quy định sử dụng phụ gia thực phẩm Aspartame (INS 951) trong một số nhóm thực phẩm với mức sử dụng tối đa cụ thể. Những phụ gia thực phẩm được quy định trong tiêu chuẩn này đã được Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm của Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO)/Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu, đánh giá và đưa ra bằng chứng khoa học là không gây ra các rủi ro về sức khỏe cho con người khi sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng không vượt quá mức sử dụng tối đa đề xuất tại Tiêu chuẩn”, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin.
Trước đó, trên một số nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không đúng sự thật liên quan tới thương hiệu Laura Coffee. Thông tin này được cho bắt nguồn từ tài khoản Tiktok có tên “CEO Vương Long” (ID: ceovuonglong) với hơn 105 nghìn lượt theo dõi và hơn 2,1 triệu lượt thích.
Trong video được đăng tải vào ngày 19/10/2024, “CEO Vương Long” đã mở đầu bằng nhận định, khuyến cáo quy chụp, tấn công trực diện vào thương hiệu Laura Coffee: “Ai đang up clip về cà phê đông trùng hạ thảo thì nên gỡ bài liền. Bởi vì đây là sản phẩm không tốt cho người tiêu dùng”!?.
Dẫn chứng cho nhận định nói trên, “CEO Vương Long” nhập nhèm thông tin liên quan tới chất tạo ngọt 951 – Aspartame. Cụ thể, “CEO Vương Long” cho rằng chất này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh cáo có chất gây ung thư.
“Sở dĩ gói cà phê này phổ biến trên thị trường là do bên này (bên Laura Coffee) book rất nhiều Tiktoker quảng bá cho sản phẩm. Thật ra các bạn Tiktoker cũng không đủ kiến thức để tìm hiểu được cái chất gây của sản phẩm này”, tài khoản “CEO Vương Long” dẫn dắt dư luận.
Từ đó, “CEO Vương Long” khuyên các Tiktoker gỡ các video quảng cáo sản phẩm Laura Coffee để bảo vệ sức khỏe cho khách hàng của mình.
Sau 2 ngày đăng tải, video này đã đặt 4,7 triệu lượt xem với hàng trăm nghìn lượt tương tác, bình luận, chia sẻ.
Liên quan tới sự việc này, bà Nhật Kim Anh cho biết, Laura Coffee đang làm việc với các chuyên gia pháp lý để bảo vệ thương hiệu và sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp pháp lý đối với những cá nhân hoặc tổ chức cố ý lan truyền tin đồn thất thiệt.
“Hiện tại, chúng tôi đang thu thập bằng chứng, xem xét kỹ lưỡng các thông tin và cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ uy tín thương hiệu. Công ty cũng đang làm việc với các chuyên gia pháp lý để xác định các bước phù hợp”, bà Nhật Kim Anh cho biết.