Về trang chủ Chưa được phân loại Công viên lịch sử-văn hóa TP.HCM: Công trình dở dang, mặt bằng cho thuê tràn lan

Công viên lịch sử-văn hóa TP.HCM: Công trình dở dang, mặt bằng cho thuê tràn lan

Dự án công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc (Q.9, TP.HCM) xây dựng ì ạch từ năm 2001. 17 năm qua, trong khi nhiều hạng mục còn ngổn ngang thì diện tích cho thuê và bị lấn chiếm tăng dần.

Tháng 8-2018, UBND TP.HCM đã quyết định về phê duyệt danh mục các dự án đầu tư có sử dụng đất trong khu công viên, đồng thời chỉ đạo về việc không cho thuê mặt bằng trong công viên.

Mới đây, Trung tâm đầu tư – phát triển công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc thuộc ban quản lý đã gửi thông báo cho HTX vận tải số 15 về việc thanh lý hợp đồng và bàn giao mặt bằng cho công viên. Trung tâm yêu cầu HTX khẩn trương thanh lý trước ngày 31-10-2018.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi ngày 4-12, bãi xe buýt và các công trình phục vụ bãi xe buýt vẫn còn.

Bãi xe buýt của HTX hành khách hàng hóa và du lịch 15, một trong những công trình thuê mặt bằng công viên.

Cho 15 đơn vị thuê
Sáng 4-12, chúng tôi rẽ vào đường Hàng Tre thuộc dự án công viên để dẫn vào công trình đền thờ vua Hùng. Con đường khá rộng (13,5m, lộ giới 30m) được đưa vào sử dụng từ năm 2012 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Một số công trình thuê mặt bằng có diện tích khá lớn đã và đang triển khai xây dựng như khu sinh hoạt thể dục thể thao ngoài trời (Doanh nghiệp tư nhân SĐ), bãi xe buýt (HTX hành khách hàng hóa và du lịch 15)…

Tại khu đền tưởng niệm các vua Hùng có bố trí khu vui chơi, nhà hàng phục vụ ăn uống của Công ty cổ phần đầu tư giải trí Thỏ Trắng. Ngoài ra, còn nhiều diện tích khá lớn được các đơn vị sử dụng làm trang trại trồng nấm, dưa lưới, trạm trộn bêtông…

Tính đến tháng 12-2017, ban quản lý đã cho 15 đơn vị ký kết 19 hợp đồng thuê mặt bằng. Một số đơn vị thuê đất 1-5 năm có xây nhà cấp 4, nhà tường cho công nhân ở.

Theo thống kê, từ năm 2003 đến 2017, tổng doanh thu của công viên tăng qua từng năm. Tuy nhiên, số liệu cho thấy khoản thu từ cho thuê mặt bằng chiếm phần lớn trong tổng doanh thu (từ hơn 60% đến hơn 90%). Điển hình năm 2017, tiền cho thuê mặt bằng gần 4 tỉ/4,44 tỉ đồng tổng doanh thu.

Theo số liệu của Thanh tra TP.HCM, tổng diện tích mặt bằng ban quản lý dự án đang cho thuê khai thác chiếm gần 20ha. Giải trình với thanh tra, ban quản lý cho rằng chỉ tạm cho thuê mặt bằng ở công viên trong thời gian chờ đầu tư, thực hiện dự án.

Thanh tra TP.HCM nhận định ban quản lý cho nhiều đơn vị thuê đất trong phạm vi dự án kéo dài từ năm 2003 đến nay, dù không đúng chức năng nhiệm vụ và cũng không báo cáo TP.HCM.

Về giá thuê đất, ban quản lý vận dụng đơn giá đất cho thuê đối với trường hợp đã được giao đất có mục đích sử dụng đất cụ thể theo các quyết định của UBND TP là không có căn cứ, không phù hợp pháp luật.

Ngổn ngang kho bãi lấn chiếm
Theo ghi nhận, trong khuôn viên dự án có khá nhiều diện tích bị lấn chiếm sử dụng vào mục đích kinh doanh cà phê, giải khát, quán ăn, bãi xe cơ giới chuyên dụng, xe container, garage sửa xe…

Theo thống kê, có 24 cá nhân, tổ chức lấn chiếm, sử dụng đất với diện tích lên đến hơn 4,6ha. Con đường Hàng Tre mới sử dụng nhưng xuống cấp trầm trọng là do các xe có trọng tải rất lớn (container, tải nặng, đầu kéo, đầu móc…) chủ yếu của các đơn vị lấn chiếm mặt bằng trái phép trong khuôn viên công viên “nhưng ban quản lý không có biện pháp hiệu quả, quyết liệt để ngăn chặn” như Thanh tra TP.HCM kết luận.

Bên cạnh đó, hiện còn hơn 1,2ha là diện tích nghĩa trang của 3 giáo xứ Cao Thái, Long Bình và Đình Thái Bình chưa tổ chức kiểm kê được do chưa có cơ sở pháp lý. Đồng thời có 245 hộ dân và 2 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng nhưng đã nhận bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do chính quyền Q.9 thiếu quyết liệt thu hồi đất nên các hộ dân vẫn sử dụng nhà, đất.

Theo kết luận thanh tra, dự án có quy mô lớn nhưng chủ trương ban đầu chưa xác định thời hạn kết thúc nên đến nay tổng thể toàn dự án chưa hoàn thành, dẫn đến khó đánh giá được mức độ hiệu quả so với mục tiêu đề ra.

Quy mô dự án sử dụng quỹ đất lớn nhưng việc quản lý chưa chặt chẽ, bị lấn chiếm sử dụng trái phép nhưng chậm xử lý, cho thuê đất tùy tiện kéo dài nhiều năm gây lãng phí tài chính, đất đai cho Nhà nước.

Năng lực thực hiện dự án hạn chế nên chậm tiến hành các thủ tục cần thiết như đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đăng ký danh mục thực hiện dự án… dẫn đến vẫn chưa thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư đối với các dự án xã hội hóa.
Kiểm điểm các cá nhân liên quan
Dự án khu công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 với diện tích 408ha, trong đó tại P.Long Bình, Q.9, TP.HCM là 381ha và tại xã Bình Thắng (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là 27ha. Đến năm 2013, diện tích giao đất thực tế cho dự án còn 402ha. Tổng số hộ dân phải di dời là 1.626 hộ. Dự án được thực hiện từ ngân sách TP.HCM.

Đến nay đã và đang triển khai 9 dự án thành phần từ nguồn ngân sách, xã hội hóa… và 1 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Trung Nghĩa, trưởng ban quản lý công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc, cho hay sau khi Thanh tra TP.HCM kết luận về những khuyết điểm, vi phạm của ban quản lý, ban đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Theo Tuoitre

Vụ va chạm máy bay ngoài khơi Nhật Bản: 5 binh sĩ Mỹ thiệt mạng

Agribank: Giám đốc chi nhánh Đức Lập nghi vấn tự tử tại nhà riêng

Vụ va chạm máy bay ngoài khơi Nhật Bản: 5 binh sĩ Mỹ thiệt mạng

Giải Mai Vàng 2018: Trường Giang bị loại khỏi vòng bầu chọn

Có thể bạn quan tâm