Về trang chủ Kinh doanh Chứng khoán Công ty chứng khoán ‘kẹt’ hơn 1.600 tỉ đồng tại SCB sau vụ Vạn Thịnh Phát

Công ty chứng khoán ‘kẹt’ hơn 1.600 tỉ đồng tại SCB sau vụ Vạn Thịnh Phát

Chứng khoán Tân Việt còn hơn 1.609 tỉ đồng tiền gửi tại SCB đang bị phong tỏa sau vụ Vạn Thịnh Phát. Số tiền này bao gồm cả tiền gửi nhà đầu tư phục vụ giao dịch chứng khoán với 879 tỉ đồng.
Một bất động sản được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh kê biên trong vụ án Vạn Thịnh Phát ngày 11-8-2023 – Ảnh: T.T.D.

Theo kết luận điều tra cơ quan Bộ Công an, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng “hệ sinh thái” với hơn 1.000 doanh nghiệp và được chia làm bốn nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trong đó, nhóm các định chế tài chính Việt Nam ngoài Ngân hàng SCB, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú, còn có Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Chứng khoán Tân Việt kinh doanh ra sao sau vụ Vạn Thịnh Phát?

Gắn với diễn biến vụ Vạn Thịnh Phát, TVSI trải qua nhiều biến động về nhân sự cấp cao, đặc biệt “ghế nóng” chủ tịch với 3 lần thay đổi trong vài tháng.

Từ tháng 6-2023 đến nay, bà Trần Thị Cẩm Hạnh ngồi vào vị trí chủ tịch hội đồng quản trị TVSI. Tình hình kết quả kinh doanh công ty chứng khoán này cũng kém khả quan hơn, từ cuối quý 3-2022 đến nay.

Báo cáo tài chính quý 3-2023 mới công bố cho thấy 9 tháng năm nay, doanh thu TVSI giảm tới 92% so với cùng kỳ, đạt 178 tỉ đồng. Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế 330 tỉ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 350 tỉ đồng.

Trước đó, giai đoạn 2019-2022, lợi nhuận của TVSI khá tốt, dao động từ 146 – 587 tỉ đồng. Trong đó, năm 2021 ghi nhận lợi nhuận kỷ lục, đạt 587 tỉ đồng.

Lợi nhuận sau thuế TVSI – Dữ liệu: BCTC

Bù lại mới đây, TVSI ghi nhận một số diễn biến tích cực trong việc hoạt động trở lại như thoát diện kiểm soát đặc biệt và được khôi phục hoạt động mua chứng khoán trên thị trường.

Trước đó, công ty chứng khoán này bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ ngày 18-5-2023 và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đình chỉ hoạt động mua bán chứng khoán từ ngày 27-6-2023.

Lùm xùm trái phiếu doanh nghiệp và hơn 1.600 tỉ đồng kẹt tại SCB

TVSI là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông – doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan từng làm chủ tịch.

Vấn đề nan giải với TVSI có lẽ là câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp và khoản tiền bị “kẹt” lại tại SCB. Tại báo cáo tài chính năm 2022 mới công bố, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh hai vấn đề này.

Cụ thể theo kiểm toán, TVSI có thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư, sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư.

Đồng thời, công ty này đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai.

Tổng mệnh giá các trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại tính đến hết năm 2022 trên 20.700 tỉ đồng. Trong đó, số đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 4.870 tỉ đồng.

Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, tổng mệnh giá trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 18.000 tỉ đồng, trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán hơn 14.800 tỉ đồng.

Tuy nhiên TVSI không thực hiện được việc thanh toán cho bên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các nhà đầu tư là sẽ không thực hiện giao dịch này. Đồng thời đang thực hiện đàm phán lại với nhà đầu tư sẽ không thực hiện giao dịch này.

TVSI cũng đang đàm phán với các nhà đầu tư việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại nhưng việc đàm phán này vẫn chưa có kết quả cụ thể, đơn vị kiểm toán nêu vấn đề.

Kiểm toán cũng nhấn mạnh TVSI còn hơn 1.609 tỉ đồng tiền gửi tại SCB đang bị phong tỏa, bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ giao dịch chứng khoán 879 tỉ đồng và tiền gửi phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng 730 tỉ đồng không giao dịch được.

Theo Bình Khánh/Tuổi Trẻ

Có thể bạn quan tâm