Từ đầu tháng 6 đến nay, tình trạng mất điện kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp phía bắc sản xuất cầm chừng. Hàng nghìn công nhân bị gián đoạn công việc dẫn tới thu nhập giảm sút, cuộc sống thêm phần khó khăn.
Giảm lương, đành phải nghỉ phép
Hơn 10 năm đi vào hoạt động tại Việt Nam, chưa năm nào Công ty TNHH điện tử Foster (tỉnh Bắc Ninh) lâm vào cảnh mất điện, thiếu điện sản xuất như mùa hè năm nay.
Ông Hồ Sỹ Lĩnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH điện tử Foster, than thở: “Lịch cắt điện triền miên, cứ vài ngày lại cắt, mỗi lần cắt đến nửa ngày. Có lịch cắt điện không báo trước, 3.000 công nhân đến lại phải cho về. Hiện, doanh nghiệp chạy máy phát điện cũng chỉ duy trì sản xuất 50%, chỉ 1.500 người đi làm, còn lại nghỉ ở nhà”.
Theo ông Lĩnh, khổ nhất là công nhân. Trước đây, nếu có việc tăng ca đều đều, thu nhập của công nhân khoảng 8 – 10 triệu đồng/tháng. Giờ ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, đơn hàng bị giảm, cộng thêm phải nghỉ việc luân phiên do cắt điện khiến thu nhập chỉ còn 6 triệu đồng/tháng. “Công nhân đi làm ở nhà máy còn có điều hòa. Nay nhà máy bị cắt điện, công nhân nghỉ làm, với thời tiết nắng nóng 40 độ C ở miền Bắc, công nhân ở nhà trọ mái tôn chịu không thấu”, ông Lĩnh nói.
Một lãnh đạo trong Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho hay, nhiều doanh nghiệp bức xúc khi phải cho lao động nghỉ làm hoặc đi làm luân phiên vì bị cắt điện, khiến sản xuất ngưng trệ.
Ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần May Hà Nam, cho hay chưa năm nào tình hình thiếu điện sản xuất lại trầm trọng như năm nay.
“Từ đầu tháng 6 đến nay cắt điện liên tục, sớm thì điện lực thông báo trước nửa ngày, muộn thì thông báo trước 30 phút khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Nếu thông báo sớm chúng tôi còn chủ động được, chứ muộn thì đành phải cho người lao động tan ca sớm. Thu nhập của người lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Công nhân bức xúc nhưng trong tình cảnh này cũng đành chấp nhận”, ông Dũng bày tỏ.
Không chỉ ở Bắc Ninh, Hà Nam, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bắc Giang cũng phải nghỉ làm vì mất điện. Nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ giữa tuần, cuối tuần đi làm bù. Thậm chí, có doanh nghiệp còn khuyến khích người lao động nghỉ phép.
Chị N.T.M, công nhân đang làm việc tại KCN Vân Trung (tỉnh Bắc Giang), cho hay: “Cuối tuần vừa rồi, công ty gửi thông báo khẩn lịch cắt điện 1 ngày. Đây không phải là lần đầu, trước đó cũng cắt điện nhưng chỉ vài tiếng là cùng. Vì cắt điện dài nên công ty cho công nhân nghỉ phép năm. Chúng tôi ở nhà trọ chật chội, nóng bức cũng khổ, thôi thì tranh thủ cắt phép vài ngày về quê tránh nóng”.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, KCN Quang Châu (H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), cho biết tình hình sản xuất đình trệ và ngày càng có chiều hướng tồi tệ hơn. “Hiện tại, chúng tôi sản xuất 8 giờ/ngày, ban đêm dừng hẳn. Công nhân mong muốn tăng ca để có thêm thu nhập, song với tình hình cắt điện như hiện nay, giờ giấc đi làm cũng thay đổi theo, ảnh hưởng đến sinh hoạt và việc chăm sóc con cái của công nhân”.
Ưu tiên sản xuất đơn hàng gấp
Trong tình thế thiếu điện hiện tại, doanh nghiệp đã và đang phải xoay xở đủ cách để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp đơn hàng xuất khẩu. Theo ông Hồ Sỹ Lĩnh, trước đây các đơn hàng xuất khẩu thường đi bằng tàu biển, chi phí rẻ, nhưng do mất điện, đơn hàng sản xuất bị chậm lại, đi tàu biển không kịp, lo bị phạt hợp đồng, doanh nghiệp buộc phải xuất đường hàng không khiến chi phí đội thêm nhiều lần”.
Ngoài chi phí vận chuyển tăng, chi phí chạy máy phát điện bằng dầu diesel cũng khá tốn kém, gấp 2 – 3 lần so với chạy bằng điện, chưa kể những ngày công nhân nghỉ việc vẫn phải trả lương. “Chúng tôi đã kiến nghị ưu tiên điện sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhà máy đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, song tới nay gần 1 năm vẫn “đắp chiếu” nằm đó vì chưa được phê duyệt”, ông Lĩnh nói.
Đối với các doanh nghiệp may, từ đầu năm đến nay, việc kiếm được đơn hàng duy trì sản xuất đã khó nên tình trạng cắt điện sản xuất càng tăng áp lực chi phí cho doanh nghiệp. Ông Đoàn Tiến Dũng thông tin: “Có đối tác cũng chia sẻ tình hình khó khăn của doanh nghiệp, nhưng nhiều đối tác không cảm thông. Chúng tôi đang lo không có hàng giao sẽ bị phạt hợp đồng.
Vì thế, công ty sẽ ưu tiên những đơn hàng nào gấp, tập trung làm trước để đáp ứng thời gian giao. Công ty cũng đưa ra các biện pháp tiết kiệm điện, kêu gọi người lao động tiết kiệm điện. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài các cấp lãnh đạo cũng cần đưa ra giải pháp tổng thể”.
Tại Bắc Giang, từ đầu tuần này, các doanh nghiệp bước vào chiến dịch tiết kiệm điện, chỉ sản xuất 8 giờ/ngày.
Ông Nguyễn Văn Tân cho hay: “Trong 20 ngày tới, công ty chỉ được sử dụng 5% điện so với nhu cầu vào ca đêm. Công ty cũng trang bị máy phát điện, song là doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, nhiều máy móc, thiết bị tiêu dùng điện rất lớn. Lượng điện ít ỏi không đủ để vận hành máy móc, công ty quyết định dừng hoạt động ca đêm. Công ty xác định ưu tiên những đơn hàng nào gấp tập trung làm trước để đáp ứng thời gian giao cho khách hàng”.
Nghỉ làm do mất điện, người lao động vẫn được trả lương
Theo quy định tại khoản 3 điều 99 bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc, trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như dưới đây.
Cụ thể, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo Báo Thanh Niên