Trí tuệ hậu nhân tạo không chỉ có khả năng giải quyết vấn đề, mà còn có khả năng tự học, tự phức tạp hóa và đặc biệt là tự đặt ra những vấn đề ngày càng phức tạp.
Tác động của công nghệ số
Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người là tên chủ đề Hội thảo quốc tế do Viện Pháp ngữ tổ chức ngày 18/10.
Phát biểu tại sự kiện, ông Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, chuyển đổi số đang trở thành một chủ đề nóng, không chỉ trong giới hàn lâm, trên báo chí, mà cả trong chính sách của các quốc gia.
Tuy nhiên, trong diễn ngôn đang thống trị mọi diễn đàn này, chúng ta chủ yếu nghe thấy những mặt tích cực của chuyển đổi số: Sự tiết kiệm chi phí và thời gian, sự chia sẻ không giới hạn, sự tính thân thiện với môi trường nhờ giảm bớt nhu cầu các vật liệu truyền thống…
Ở Việt Nam, khi Chat GPT xuất hiện, những ý kiến ít ỏi cảnh báo về tác động tiêu cực của nó đối với ngành giáo dục bị coi là bảo thủ, chống lại tiến bộ.
Nói về những mặt tích cực của chuyển đổi số dĩ nhiên là đúng, nhưng vẫn chưa đủ. Theo chúng tôi, chúng ta còn cần phải ý thức được về những mặt trái, hay thậm chí là những hiểm họa, của chuyển đổi số.
Giống như đã xảy ra hơn một lần trong lịch sử, một cuộc cách mạng công nghệ sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng xã hội.
Ông Lập cho rằng, chuyển đổi số không còn là một trào lưu công nghệ. Chúng ta đang tiến vào nền văn minh số với nhiều vấn đề mới, trong đó có vấn đề an ninh con người. Trong bài thuyết trình ngắn này, ông Lập đề cập đến các vấn đề lớn.
Trước tiên đó là sự phụ thuộc của con người vào hạ tầng công nghệ dễ tổn thương. Không cần phải nhắc lại điều ai cũng biết: Chuyển đổi số đang thay đổi tận gốc cách chúng ta sống, làm việc.
Trong mấy thế kỷ gần đây, kể từ khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp, sự phụ thuộc của con người vào máy móc không ngừng tăng lên. Nhưng chưa bao giờ sự phụ thuộc này tăng đột biến như trong thời đại số. Và sự phụ thuộc này vẫn đang tăng lên không ngừng.
Ngày nay, gần như chúng ta không còn có thể làm việc nếu không có internet, cái, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào những yếu tố cực kỳ mong manh, từ nguồn điện, hệ thống cáp quang đến vệ tinh nhân tạo.
Tất cả những thứ này có thể bị phá hủy do thiên tai, chiến tranh, gián điệp, sai sót kỹ thuật và nhiều nguyên nhân khác không lường trước được.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những đế quốc số. Một nguy cơ an ninh rất lớn là sự kiểm soát của một vài trung tâm công nghệ. Các dữ liệu, kể cả những dữ liệu quan trọng, đều được lưu trữ trên nên tảng của điện toán đám mây.
Việc truyền dữ liệu được thực hiện thông qua hệ thống cáp quang và các vệ tinh viễn thông. Tất cả đều do một và tập đoàn của một vài quốc gia kiểm soát.
Có thể nói không quá lời rằng những trung tâm này có thể khiến cả một quốc gia tê liệt chỉ bằng một cái click chuột. Trên thực tế, những quốc gia thống trị về công nghệ này đã trở thành những đế quốc số, còn các quốc gia còn lại chỉ là những thuộc địa số mà thôi.
Ở mọi quốc gia, con người đang mất đi những không gian riêng tư cuối cùng. Các thuật toán cho phép các trung tâm xử lý dữ liệu biết về bạn nhiều hơn chính bạn: không chỉ tuổi tác, quê quán, học vấn, nghề nghiệp, trí tuệ nhân tạo còn biết rõ quan hệ bạn bè, năng lực tài chính, và thậm chí cả sở thích, xu hướng cá nhân và những vấn đề tâm lý mà bạn đang phải đối mặt.
Ngày nay, chỉ với một dãy số định danh, người ta không chỉ có thể theo dõi, kiểm soát bạn, mà còn có thể điều chỉnh hành vi của bạn thông qua một thế giới thông tin được hoạch định theo một hướng nhất định. Như vậy, về thực chất, con người đang dần trở thành những tù nhân số.
Công nghệ số còn tạo ra một nguy cơ lớn hơn nữa, đó là sự phi xã hội hóa con người. Sự phổ cập của mạng xã hội, với sự tiện lợi và tính ẩn danh, với nền tảng truyền thông nhanh chóng và gần như miễn phí, tạo điều kiện – và thậm chí thúc đẩy – những người tham gia trở thành những kẻ phát ngôn vô trách nhiệm, không cần dựa trên hệ quy chiếu đạo đức và thẩm mỹ nào.
Chúng ta đang phải đối mặt với một thời đại khủng khiếp, khi rác thông tin được sản xuất và lan truyền bởi những cá nhân ngày càng bị phi xã hội hóa. Mà sự suy giảm tính xã hội trong mỗi cá nhân cũng đồng nghĩa với sự suy giảm tính người (De-humanization).
Trí tuệ nhân tạo là một thành tựu khoa học gắn liền với công nghệ số và là một trong những đột phá mới nhất của nhân loại về công nghệ trong quá trình thông minh hóa công cụ lao động của con người. Quá trình này diễn ra trong ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên được đặc trưng bởi các thiết bị tự động hóa: các robot được chế tạo và vận hành theo một chương trình lập sẵn, cho phép thay thế hoặc nâng cao hiệu quả lao động chân tay trong các môi trường nặng nhọc và độc hại.
Giai đoạn thứ hai được đặc trưng bởi trí tuệ nhân tạo: những hệ thống công nghệ thông tin phức tạp cho phép thay thế cho lao động trí óc của con người, đầu tiên là trong những công việc vụ thể như tìm tài liệu, tính toán, giải những phương trình… đến những công việc phức tạp hơn, đòi hỏi xử lý nhiều biến số, như viết luận văn, sáng tác nhạc.
Hiện nay chúng ta đang tiến vào giai đoạn thứ ba, được đặc trưng bởi cái mà giới chuyên gia gọi là trí tuệ hậu nhân tạo (English: Post-Artificial Intelligence, Français: Intelliggence post-artificielle).
Trí tuệ hậu nhân tạo không chỉ có khả năng giải quyết vấn đề, mà còn có khả năng tự học, tự phức tạp hóa và đặc biệt là tự đặt ra những vấn đề ngày càng phức tạp.
Dù sớm hay muộn, trí tuệ hậu nhân tạo cũng sẽ vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của con người. Theo đó, sự thống trị của trí tuệ hậu nhân tạo chính là vấn đề an ninh lớn nhất mà chuyển đổi số đem đến cho nhân loại.
Hiểu rõ thuật ngữ an ninh con người
Tại Hội thảo, TS. Bùi Thanh Tuấn, Viện Chiến lược Công an đã giải thích rõ hơn về thuật ngữ “an ninh con người” (human security).
Theo đó, con người ngày càng được đặt vào vị trí ưu tiên và được quan tâm, bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài và tạo lập cảm giác an toàn trong cuộc sống gia đình, nơi làm việc, trong xã hội, cũng như thích ứng trước các thách thức, mối đe dọa mang tính toàn cầu.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu nhằm lý giải về an ninh con người nhưng các cách thức tiếp cận đều thừa nhận con người có quyền được bảo vệ và an ninh cho bản thân họ.
Vì vậy, con người phải được bảo vệ khi có các mối đe dọa từ bên ngoài đối với bản thân mình và tạo lập sự an toàn trong cuộc sống gia đình, nơi làm việc cũng như trong xã hội.
Do đó, xuất hiện các xu hướng khác nhau khi định nghĩa về an ninh con người; nội hàm của khái niệm này rộng hay hẹp tuỳ thuộc việc xác định những gì cấu thành nên quyền và sự an toàn của con người.
Khái niệm “an ninh con người” được đề cập khá toàn diện trong Báo cáo Phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 1994: “An ninh con người có nghĩa là sự an toàn thoát khỏi các mối đe doạ về đói nghèo, bệnh tật, tội phạm, sự đàn áp;
Bảo vệ con người khỏi sự đổ vỡ có hại và bất ngờ trong mẫu hình của đời sống hàng ngày tại gia đình, công việc, trong cộng đồng hay trong môi trường.
Cụ thể hơn, “an ninh con người nghĩa là trẻ em không bị chết, các bệnh tật sẽ không lan truyền, các công việc sẽ không bị mất, các căng thẳng trong cộng đồng sẽ không chuyển thành xung đột bạo lực và những người không theo đạo không bị cưỡng bức phải im lặng”.
Trong báo cáo này, an ninh con người được đề cập ở hai khía cạnh chính: Con người được an toàn trước những mối đe dọa thường trực như nạn đói, bệnh tật và sự áp bức; con người cần được bảo vệ trước những biến động bất thường và nguy hại đối với cuộc sống hằng ngày, ở mọi nơi dù trong gia đình, công sở hay ngoài cộng đồng.
UNDP đã đề xuất khái niệm “an ninh con người”, với 7 yếu tố cấu thành gồm: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.
Thực tế cho thấy, đây cũng chính là các lĩnh vực tập trung hầu hết các mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển bền vững của mọi cá nhân con người ở khắp nơi trên thế giới hiện nay.
Cách tiếp cận này cho phép có cái nhìn hệ thống và đánh giá được tính chất, mức độ các mối đe dọa, từ đó, xây dựng cách thức, giải pháp ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa an ninh và phát triển bền vững của con người.
Ở Việt Nam, an ninh con người và bảo đảm an ninh con người được nhiều học giả nghiên cứu và đưa ra nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau.
Đơn cử như nghiên cứu về an ninh con người, Trung tướng, PGS-TS.Trần Vi Dân cho rằng, an ninh con người là sự phát triển toàn diện, lành mạnh và an toàn của con người.
Trong một nghiên cứu của mình, Trung tướng, GS-TS. Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, an ninh con người là một bộ phận của an ninh quốc gia, an ninh xã hội, là trạng thái mà con người được bảo vệ trước các nguy cơ gây bất ổn nhằm thiết lập và duy trì về an ninh, cuộc sống hạnh phúc, thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần và bảo đảm an toàn của con người trước các mối đe dọa.
Từ khái niệm này, Trung tướng, GS-TS.Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, an ninh con người có một số đặc trưng cơ bản an ninh con người được xác định là một bộ phận của an ninh quốc gia, an ninh xã hội.
An ninh con người là một nội dung của an ninh phi truyền thống. An ninh con người nhằm bảo đảm cho con người không bị đe dọa trước các thách thức, nguy cơ. An ninh con người nhằm giúp con người được sống hạnh phúc, từng bước thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần.
Theo Duy Ngân/Đầu Tư