Đồng tình việc cần có cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển đột phá, xứng với vị trí đầu tàu, dẫn dắt kinh tế cả nước, song nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn một số cơ chế chưa rõ ràng, chưa thực sự đặc thù.
Cần chọn cơ chế thực sự đặc thù
Góp ý thảo luận tại tổ về cơ chế đặc thù cho TP.HCM thay thế cho Nghị quyết 54 (NQ54) ngày 30.5, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) bày tỏ ủng hộ vì TP.HCM đóng góp tới 27% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, ông băn khoăn cơ chế đặc thù thực hiện trong 5 năm, “nhưng chính sách quá nhiều, không biết có thực hiện hết không, sợ là chưa chuẩn bị xong đã hết 5 năm”.
ĐB Phương cũng dẫn ví dụ chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư là cần thiết, nhưng giao cho HĐND thành phố (TP) quy định nên mơ hồ, nhà đầu tư không biết được hỗ trợ gì, trong khi trách nhiệm thì lớn. “Cần tính toán cẩn thận hơn để chọn cái nào thực sự là đặc thù để làm. Có tới 44 nội dung đặc thù dàn trải cho 5 năm rất vất vả”, ông Phương nói và cho rằng đề xuất triển khai NQ mới từ ngày 1.7 trong khi nhiều cơ chế đặc thù liên quan đến luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa ngã ngũ. Dự kiến cuối năm mới thông qua luật Đất đai, nếu luật khác thì đặc thù có thay đổi không?
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng trước đây TP.HCM vẫn được biết đến là đô thị năng động, sáng tạo. Vì vậy, cần tạo ra những khuôn khổ pháp lý riêng để TP.HCM phát huy được điểm mạnh này. Tuy nhiên theo ĐB Cường, ngay cả 27 cơ chế, chính sách vượt trội mới “thật ra cũng chưa thấy vượt trội lắm”; ví dụ lắp tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà, mua bán tín chỉ carbon. Theo ông Cường, khi thông qua NQ này, TP.HCM sẽ là nơi thử nghiệm các chính sách mới, đúc kết để giúp các địa phương khác trên cả nước.
Đồng tình cơ chế thanh toán các dự án BT bằng tiền, theo ông Cường, trước đây các dự án BT thanh toán bằng đất, không ngang giá, dẫn đến chuyện vật đổi vật và là nguyên nhân của tiêu cực. Nếu làm tốt sẽ tiến dần đến cơ chế đặt hàng của Chính phủ cho các nhà đầu tư, thu hút họ vào các công trình công, dự án công, thậm chí tạo ra được nhiều ngành nghề mà xã hội hướng đến.
Lấy ví dụ tại Hàn Quốc, ĐB Hoàng Văn Cường cho biết Tập đoàn Hyundai trở nên hùng mạnh như vậy chính là nhờ cơ chế BT bằng tiền của chính phủ và thời kỳ kinh tế Hàn Quốc đang khủng hoảng. “Đây sẽ là cơ chế rất tốt giúp ta triển khai đầu tư công nhanh hơn, không khó khăn như hiện nay”, ông Cường nói và kiến nghị cơ chế này không chỉ dừng lại ở TP.HCM mà có thể áp dụng trên cả nước.
Về cơ chế đặc thù tài chính cho TP.HCM, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) góp ý cần làm rõ hơn nội dung cho phép TP được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 120%. Lý do, trước đây NQ54 đang giao cho TP vay không quá 90%, nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện, TP mới thực hiện được 31,9%. “Vậy nếu bây giờ tăng lên 120%, liệu có thực hiện được không và kế hoạch trả nợ như thế nào?”, bà Thanh nêu.
“Đầu tàu mạnh mới kéo được cả đoàn tàu đi xa”
Nhấn mạnh TP.HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước, “từng là Hòn ngọc Viễn Đông nhưng hòn ngọc nay kém sáng đi nhiều rồi”, ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng đầu tàu có mạnh, có tốt thì mới kéo được đoàn tàu đi nhanh, đi xa hơn. Ông Hận cũng dẫn ví dụ Thượng Hải (Trung Quốc) nhờ có nhiều cơ chế đặc thù đã có sự phát triển vượt bậc, từ đó dẫn dắt và tạo sự lan tỏa cho cả khu vực. Do đó, các chính sách đặc thù cho TP.HCM theo ông là cần thiết.
ĐB Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cũng đánh giá TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn, phát triển rất mạnh, nhưng năm 2022 có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng nhiều vấn đề. Đồng tình việc cần có giải pháp để khuyến khích TP.HCM phát triển, ông Vận cho rằng cần tạo cơ chế chủ động cho TP nhưng cơ chế giám sát phải được nâng lên. Ông cũng lo ngại nếu việc vay chi nhiều quá không bù đắp được sẽ có nguy cơ vỡ nợ. Một số TP lớn trên thế giới cũng vỡ nợ công vì thu không đủ khả năng bù đắp chi.
ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đồng ý với các đề xuất đặc thù cho TP.HCM của Chính phủ, song cho rằng cần bàn thêm về chính sách tổ chức bộ máy trao cho TP.HCM trong dự thảo. “Nếu trao cho TP.HCM các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, đất đai nhưng bộ máy không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì những chính sách còn lại không có ý nghĩa”, ông Vân nói và đề nghị ngoài một số sở, ngành có tính chất “cứng”, với các thiết chế liên quan văn hóa, kinh tế cần trao cho TP.HCM sự năng động để tự tổ chức phù hợp điều kiện thực tiễn.
ĐB đoàn Cà Mau cũng kiến nghị phải trao cho TP.HCM sự phân cấp mạnh hơn trong công tác cán bộ. “T.Ư chỉ cần quản lý cấp trưởng, phó cơ quan trụ cột, còn TP.HCM tự quyết định và chịu trách nhiệm trước T.Ư, pháp luật. Bộ máy linh hoạt, nhân sự linh hoạt là điều rất cần để TP.HCM có thể triển khai được các cơ chế, chính sách đặc thù”, ông Vân kiến nghị.
Trước tốc độ phát triển của TP.HCM có phần chững lại, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng các cơ chế đặc thù theo NQ54 đã tháo gỡ cho TP.HCM nhiều vấn đề, tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số cơ chế còn chậm áp dụng như dư nợ cho vay đến 90% nhưng mới được 31%; huy động nhân tài, nhà khoa học chưa làm được nhiều; huy động nguồn lực cho các nhiệm vụ của TP cũng chưa nhiều…
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, trước đây TP.HCM định hướng là “Hòn ngọc Viễn Đông”, còn theo NQ Đại hội Đảng XIII, TP.HCM còn là trung tâm tài chính quốc tế. Phải tạo điều kiện cho TP.HCM có cơ chế theo hướng vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ mạnh và đột phá, giúp TP phát triển mạnh hơn. Các chính sách tập trung 3 vấn đề, trong đó các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực lớn hơn cho TP.HCM.
“TP.HCM như đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để TP.HCM phát triển. Tinh thần chung thống nhất như vậy. Tờ trình cũng nêu cơ chế thí điểm có thời hạn, gồm các chính sách kế thừa các chính sách có hiệu quả của NQ54, một số chính sách phải sửa đổi, bổ sung; một số chính sách mới đã áp dụng cho 9 địa phương khác; chính sách liên quan đến những luật đang sửa đổi và chính sách chưa có ở đâu”, ông Dũng nói và cho rằng các chính sách tập trung 3 trụ cột tạo thêm nguồn lực cho TP; phân cấp, phân quyền, tạo chủ động cho TP; rút gọn một số thủ tục.
TP.HCM cần vượt trội, cạnh tranh được quốc tế
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng khẳng định sẽ phối hợp thêm các chuyên gia để xây dựng các chính sách mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu của TP. “Một số ĐB nói chính sách còn nhiều quá, chưa trọng tâm hay chưa đủ mạnh, chưa đột phá. Có ý kiến cho rằng nên tập trung nguồn lực ODA cho TP.HCM, vay khoảng 10 – 20 tỉ USD làm các công trình lớn mà trước sau cũng phải làm, nhưng đẩy nhanh lên để tạo động lực mới, cú hích mới cho TP”, ông Dũng nói và cho rằng ý kiến này rất đáng suy nghĩ.
Lý do là bởi các chính sách đặc thù hiện nay đa số thận trọng, mới chỉ tập trung tăng dư nợ, tăng room, trong khi hoàn toàn có thể mạnh dạn hơn và có cơ chế kiểm soát. “Đừng để sau 5 năm đánh giá lại không giải quyết được gì thì giảm ý nghĩa của NQ, làm sao cho TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm hơn với giá trị mới, sứ mệnh mới. Sau thời gian thử nghiệm phải có tổng kết, đánh giá, có kiểm tra, giám sát. Cái nào đúng thì luật hóa, nhân rộng áp dụng chung cho cả các địa phương khác chứ không chỉ riêng TP.HCM”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo tin vui đến các ĐB về việc Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho biết tăng trưởng của TP.HCM trong quý 2 ước đạt 5,87% và mức tăng trưởng 2 quý đầu năm đạt 3,55%. Về những cơ chế mới cho TP.HCM, theo ông đây là việc của quốc gia chứ không phải việc riêng của TP, bởi thực hiện nhóm những cơ chế, chính sách này sẽ đem lại kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật chung.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết, lần này các cơ chế, chính sách chủ yếu tập trung khơi thông nguồn lực xã hội, nguồn lực đầu tư thông qua các hình thức PPP, BOT, BT… hay các cơ chế giúp TP.HCM huy động nguồn lực qua phát hành trái phiếu. Nếu làm tốt, TP.HCM trong 5 năm tới sẽ huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng cho đầu tư phát triển.
Riêng chính sách phân cấp, phân quyền và tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động về nhân sự cho TP.HCM và TP.Thủ Đức (TP.HCM), theo ông Mãi, để giúp TP chủ động hơn, giải quyết các vấn đề nhanh gọn, hiệu quả hơn. Chủ tịch TP.HCM cũng nêu bài học kinh nghiệm từ triển khai NQ54 và cho biết lần này, TP.HCM không chờ Quốc hội thông qua mà chủ động phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện các dự thảo nghị định hướng dẫn liên quan.
Theo Báo Thanh Niên