Quảng cáo của Coca-Cola với cụm từ “Mở lon Việt Nam” được nhận định của cơ quan quản lý là không phù hợp thuần phong mỹ tục.
Lon -Thuần phong mỹ tục chỗ nào ?
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) vừa đề nghị các địa phương chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca – Cola. Lý do của đề nghị này là trong nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”.
“Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng” -Cục Văn hóa cơ sở nhận định và còn cho rằng, điều này vi phạm Luật quảng cáo.
Cục đề nghị các địa phương rà soát và yêu cầu Coca – Cola Việt Nam chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”; tháo dỡ biển quảng cáo, băng rôn có dùng cụm từ trên; xử lý vi phạm theo quy định.
Theo VNE, PGS Phạm Văn Tình -Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng: “Cụm từ “mở lon Việt Nam là rất bình thường, không có ý nghĩa gì thiếu thẩm mỹ, vi phạm thuần phong mỹ tục”.
“Đây là danh từ chỉ một loại thú cùng họ với con cầy ở miền núi hoặc hộp hình trụ bằng kim loại, thường dùng đựng sữa hoặc nước giải khát như lon bia, lon nước ngọt, lon gạo…” -PGS Tình nói.
Cục Văn hoá cơ sở cho rằng cụm từ “Mở lon Việt Nam” đã vi phạm khoản 3, điều 8, Luật Quảng cáo 2018 là: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
Đồng thời, cụm từ này vi phạm khoản 1, điều 19, Luật Quảng cáo 2018: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.
Lon -Nhạy cảm hay không nhạy cảm ?
Theo TTO, bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng: Từ “lon” khi đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia, có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa, nếu bị thêm dấu, thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất phản cảm.
ThS ngữ văn Nguyễn Tố Nga nêu cảm nhận của mình: “Tôi nghĩ ngay đến việc mở cái lon bia/ nước ngọt chứ có nghĩ gì đâu. Mình thì nghĩ thế, người quản lý thì lại thấy có chuyện, kiểu “nhạy cảm”, nhìn đâu cũng thấy vấn đề không bình thường”.
Bà Thu Hương nhận xét thêm: Cụm từ “Mở lon Việt Nam” không rõ ràng về sản phẩm, nên ghi Mở lon Coca tại Việt Nam, hoặc Chương trình mở lon Coca trong chiến dịch tại Việt Nam… “Cụm từ “lon Việt Nam” trong cụm từ “Mở lon Việt Nam” là không có nghĩa. Trong tiếng Việt không có từ lon Việt Nam”. Vậy vấn đề gây lăn tăn cho Cục phải chăng nằm ở sự kết hợp giữa chữ lon và chữ Việt Nam – tên một quốc gia?
Thực ra, slogan không nhất thiết phải nêu tỉ mỉ, chi tiết đặc điểm, tính chất của sản phẩm, mà là một khẩu hiệu ngắn gọn chứa đựng thông điệp cần nêu, có âm điệu phù hợp. Cách khác, slogan là “khẩu hiệu tiếp thị” của các doanh nghiệp, thường được sáng tạo dựa trên các phương thức tu từ như điệp âm, chơi chữ mang tính liên tưởng, ẩn dụ, sao cho khách hàng chóng nhớ, lâu quên.
Về ngữ pháp, slogan thường phải là câu rút gọn, câu đặc biệt; có thể lược bớt hầu hết các thành phần câu sao cho ngắn gọn, súc tích trong khoảng 3-5 từ, mà mang được đầy đủ thông điệp về thương hiệu – là tiêu chí hàng đầu của mọi slogan.
Không thể thay “lon” bằng “chai”, “hộp”
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-6, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết theo yêu cầu của cơ quan quản lý, công ty đã sửa câu “Mở lon Việt Nam” nhưng không thể dùng các từ như “chai” hay “hộp” thay cho “lon”. Slogan của chiến dịch quảng cáo này đã được sửa thành “Mở lon trúng vàng”. Ở những nơi hiển thị dòng quảng cáo cũ mà không sửa được, công ty sẽ cho gỡ bỏ.
“Trong tuần tới chúng tôi sẽ có công văn chính thức gửi đến Bộ VH-TT&DL để giải thích rõ hơn về việc này” – đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết.
Hoàng Hạc
An Giang: Thu giữ 470.000USD do đối tượng nghi buôn lậu bỏ lại