Về trang chủ Khỏe-Đẹp Có thể chết vì nhiễm bệnh từ thú cưng

Có thể chết vì nhiễm bệnh từ thú cưng

Thú cưng giúp chúng ta xả stress, bớt căng thẳng và đặc biệt mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống… Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc và phòng ngừa thì chính thú cưng lại là đối tượng mang đến nhiều bệnh tật nguy hiểm cho chủ nhân.

GS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám cho bệnh nhân nhiễm ký sinh trùngTương lai, con người có thể chết khi mắc phải nhiều bệnh mà nguồn lây nhiễm từ chó, mèo và vật nuôi khác trong nhà vì thú cưng ngày càng trở thành một thành viên trong gia đình: sinh hoạt, ăn uống… và ngủ cùng chủ.

Mới 1 tuổi đã nhiễm bệnh từ thú cưng

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội, cho biết tình trạng nhiễm bệnh nói chung và ký sinh trùng nói riêng từ thú cưng ngày càng gia tăng. Trước đây, bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ do trẻ chơi ở những nơi đất cát, có phân chó mèo…, nhưng hiện tại bệnh gặp nhiều ở cả trẻ em và người lớn.

Trong số những người đến khám và xét nghiệm ký sinh trùng, tỉ lệ người dương tính với giun đũa chó mèo tới 50%. Trẻ nhỏ nhất đến khám nhiễm bệnh từ thú cưng mới 1 tuổi. Nguyên nhân không chỉ do tiếp xúc với đất, cát nhiễm ký sinh trùng mà do xu hướng ôm ấp, hôn hít, vuốt ve và ngủ cùng thú cưng ngày càng gia tăng ở nhiều gia đình.

Thực tế không chỉ người lớn mà rất nhiều trẻ nguy kịch vì mắc bệnh từ thú cưng. Như trường hợp bé Đ.G.B. (6 tuổi, Quảng Ninh) bị sốt kéo dài một tuần, đau đầu âm ỉ, tăng cảm giác đau toàn thân…

Gia đình cho biết có nuôi nhiều chó, mèo và trẻ thường chơi đùa cùng chúng. Trẻ được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não và chọc dịch não tủy, làm xét nghiệm máu chẩn đoán. Kết quả trẻ có viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng đã cấp cứu cho trẻ 23 tháng tuổi ở Cần Thơ bị suy hô hấp, tràn dịch màng phổi do giun đũa chó mèo di chuyển lên phổi…

Nhiều bệnh nguy hiểm lây truyền

Theo ông Đề, rất nhiều vi sinh vật gây bệnh, từ vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng cho tới vi rút, có thể lây từ thú cưng sang người. Việc lây bệnh từ thú cưng xảy ra rất thường xuyên, đặc biệt là với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu.

Các bệnh có thể lây truyền từ vật nuôi sang con người được gọi chung là bệnh truyền nhiễm. Tỉ lệ các căn bệnh truyền nhiễm thông qua vật nuôi xảy ra đều có liên quan đến việc tiếp xúc, gần gũi động vật hoặc chất dịch của chúng.

Chẳng hạn ở nhóm vi rút, vi khuẩn, con người có thể bị lây truyền bệnh từ vết cắn, cào xước của chó mèo như vi khuẩn giống Lyssavirus gây bệnh dại.

Vi khuẩn Bartonella henselae gây các triệu chứng nhiễm trùng tại vết thương, sưng tấy, sốt, nhức đầu và mệt mỏi.

Trong phân của vật nuôi có thể chứa vi khuẩn Salmonella và chúng được truyền vào cơ thể qua việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các triệu chứng bao gồm sốt, tiêu chảy, nôn mửa dẫn đến kiệt sức…

Đặc biệt thường gặp nhất bệnh từ thú cưng gây cho người là tình trạng nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như: giun đũa chó mèo (toxocariasis), giun móc chó, sán dây chó, giun lươn não…

Giun đũa chó mèo ngoài gây viêm não còn gây ra nhiều triệu chứng khác như sẩn ngứa/mề đay, đau đầu, co giật, sốt kéo dài, rối loạn tiền đình, mất ngủ, gây u trong các phủ tạng như gan, tim, phổi, thận, não, mắt, cơ… thậm chí gây rối loạn chúc năng tiểu cầu dẫn đến xuất huyết.

Ngoài ra, chủ nuôi có thể dễ dàng bị nhiễm nấm khi chạm vào những vật nuôi bị bệnh hoặc thậm chí là chạm vào chăn hoặc khăn của vật nuôi mặc dù vật nuôi không có triệu chứng bệnh. Biểu hiện là các phát ban đóng vảy, đỏ, tròn trên da hoặc một mảng hói trên da đầu…

Có thể chết từ vết thương rất nhỏ

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) lo ngại số lượng chủ sở hữu thú cưng ngủ cùng với vật nuôi trong gia đình và đó là nguy cơ lây bệnh từ thú sang người.

Tương lai con người có thể chết rất nhanh khi mắc phải nhiều bệnh mà nguồn lây nhiễm từ thú cưng. Chẳng hạn với bệnh dại gây viêm não tủy cấp tính, y học khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn thì 100% tử vong.

Đơn giản chỉ từ một vết xước nhỏ từ dấu răng hoặc vết cào sắc nhọn của chó mèo đã có thể truyền khuẩn tụ cầu Pasteurella gây sốt, sưng tấy, viêm xương, nhiễm trùng máu và dẫn đến tử vong.

Người nhiễm bệnh Toxoplasma thông qua phân của chó mèo có các triệu chứng rất giống cúm có thể rất nguy hiểm cho trẻ chưa được sinh ra. Phụ nữ mang thai bị nhiễm loại ký sinh trùng này nếu không phát hiện kịp có thể sẽ gây ra dị tật bẩm sinh cho bé khi ra đời hoặc sẩy thai.

“Người lớn hay trẻ em vô tình bị nhiễm Toxocara qua thức ăn, nước uống bẩn, tay bẩn sau khi nựng nịu, chăm sóc chó, mèo… vào cơ thể, ấu trùng giun ký sinh ở khắp cơ thể, đặc biệt nhiều ở phủ, tạng như gan, phổi, mắt, não… Đó là những ổ chứa ấu trùng giun với tổ chức viêm (dễ nhầm với các khối u di căn) và gây nên những triệu chứng khác nhau” – GS Đề nhấn mạnh

Thực tế ghi nhận có nhiều trường hợp thấy não bị tổn thương nhưng không phải do khối u mà do giun đũa chó mèo gặp ở nhiều bệnh viện.

Bệnh phì đại các hạch bạch huyết thường truyền qua vết cào của mèo nhiễm bọ chét, gây vết xước trên da, người bị mèo cào xước có thể sẽ nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae với triệu chứng gây sốt, phình các hạch bạch huyết và cảm giác không khỏe, có thể dẫn đến tử vong.

Vi khuẩn Leptospira có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp sang người thông qua nước tiểu nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể tồn tại trong nước hoặc đất từ vài tuần cho đến vài tháng. Nếu chó chạy qua sân có nước tiểu nhiễm khuẩn, sau đó chạy vào nhà và liếm chân chủ nuôi, chủ nuôi có thể sẽ nhiễm Leptospira.

Người mắc bệnh này thường sốt, nôn mửa, ớn lạnh và ban đỏ, có thể dẫn đến suy thận nếu không được điều trị và nguy hại hơn là vi khuẩn này có thể gây vô sinh trên người.

Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh từ vật nuôi

– Luôn rửa sạch tay, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi, cầm nắm thức ăn của chúng hoặc sau khi cọ rửa chuồng thú nuôi. Khi cọ rửa hoặc dọn chất thải của vật nuôi, nên mang găng kỹ càng.

– Hạn chế hôn hít vật nuôi cũng như ăn cùng chúng.

– Không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn.

– Không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc.

– Tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo.

– Nên tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi trong nhà.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Có thể bạn quan tâm