GS.TS Võ Tòng Xuân là người khởi xướng quan điểm gây tranh cãi suốt 14 năm qua: Gộp Tết tây – Tết ta. Thực tế, cho đến nay, tết cổ truyền vẫn được lưu giữ như một nét văn hoá truyền thống.
GS.TS Võ Tòng Xuân hiện đang là Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ. Ông được cho là biểu tượng tinh thần của nông dân Việt Nam vì có nhiều cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà, cũng như thế giới.
Từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cao quý, hàng chục năm qua, trong những ngày Tết, GS.TS Võ Tòng Xuân vẫn miệt mài làm việc. Ông là trí thức tiên phong và mạnh mẽ đề xuất nhập Tết cổ truyền vào Tết dương lịch cho phù hợp xu hướng tiến bộ, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.
Vài chục năm trước, chợ chỉ nhóm họp khi qua mùng 10. Nhà nhà phải tích trữ thức ăn. Bây giờ chợ đã nhóm họp ngày mùng 1 Tết. Không khí náo nức gần như xẹp xuống sau chiều mùng 1. Nhiều người than vãn, Tết ngày càng nhạt, chán, nếu kéo dài. Giáo sư nghĩ sao?
Đúng vậy, Tết chỉ thích hợp với những người không có việc làm ra tiền, rảnh rỗi, chỉ nằm ở nhà hoặc tụ tập bạn bè để ăn uống, tiêu xài. Chẳng làm gì hữu ích cả thì chán là hiển nhiên. Không ai yêu thích làm việc lại chịu cảnh nằm ì như thế. Chợ nhóm họp sớm, cũng phản ánh một xu hướng của xã hội: Nên ăn Tết ngắn ngày lại. Ăn Tết vừa phải thì sẽ không chán.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền nhiều ý kiến: “Đang yên lành bỗng Tết”, “Trẻ nhỏ háo hức Tết, Tết đến người lớn rầu”. Hình như người ta cũng ngán Tết rồi, phải không thưa Giáo sư?
Không phải ngán mà người ta đang muốn bỏ luôn cách ăn Tết theo truyền thống, nhập Tết ta vào Tết dương lịch. Tôi từng đề xuất ý kiến này cách đây 14 năm, đến giờ tôi vẫn tự hào mình đúng và thấy trước được xu thế.
Đến bây giờ, tôi vẫn giữ quan điểm đó. Đừng viện lý do ngày Tết thiêng liêng, sum họp gia đình để giữ cái đã lỗi thời. Nếu có tình cảm gia đình thì ngày nào các thành viên cũng có thể sum họp được, chẳng gì phải đợi đến Tết.
Theo Giáo sư thì tại sao người ta ngày càng sợ Tết?
Rất nhiêu khê, tốn kém về tiền bạc và thời gian khi vừa đón Tết dương lịch xong, khoảng 1 tháng sau phải lo tất bật đón thêm cái Tết cổ truyền. Tết đến có rất nhiều người lớn phải khổ tâm. Chủ các công ty phải lo thưởng cho nhân viên, giải quyết nợ nần cho đối tác, bị ngân hàng đòi nợ, rồi phải chạy vạy mượn tiền để giải quyết.
Có người phải tắt điện thoại, bỏ nhà đi trốn nợ vì Tết. Một số gia đình khan hiếm tiền bạc, cũng cố gồng gánh để có nồi thịt, bánh mứt, quần áo mới… xun xoe trong mấy ngày Tết cho bằng hàng xóm cho đỡ tủi thân. Đúng là không còn yên lành khi Tết xuất hiện. Nàng xuân trở thành ác quỷ, Tết là nỗi ám ảnh của nhiều người. Mệt mỏi lắm.
Bản thân Giáo sư là Anh hùng Lao động, Giáo sư vẫn làm việc ngày Tết?
Từ khi tôi bắt đầu tham gia tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế, tôi không theo Tết âm lịch được bao nhiêu vì đi công tác nước ngoài. Khi ở trong nước thì ngày mùng 1 Tết là ngày chúc Tết các vị cấp trên của tôi, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, một số sở, ban, ngành.
Ngày mùng 2 Tết, các con cháu ở xa về chúc Tết và nhận lì xì. Ngày mùng 3 Tết là ngày giỗ của ba tôi, cả gia đình con cái về quê ở Ba Chúc, Tri Tôn cúng giỗ, thăm bà con. Thế là xong, mùng 4 làm việc trở lại.
Hôm nay là ngày 27 Tết, tôi vẫn phải làm việc. Năm nay, vào mùng 1 và mùng 2 Tết, tôi vẫn phải trực ở Trường. Thú thật, tôi ham công việc. Làm ra tiền cho bản thân và vật chất cho xã hội, tôi ham hơn ăn Tết.
Giáo sư có nghĩ rằng người Việt đang điều chỉnh ngày Tết cho phù hợp thời đại công nghiệp không?
Trong xã hội nước ta và nhiều nước đang làm giàu, nhiều người có đầu óc thông minh không nghỉ việc vào ngày Tết. Đây là cơ hội kinh doanh phát đạt vì đó là lúc những người khác lãng phí thời gian để vui chơi, ăn uống, rượu chè, cờ bạc, đá gà…
Và những ngày nước ta lo tập trung ăn chơi, nghỉ Tết thì các công sở, công ty các nước Tây phương đang làm việc bình thường. Chắc chắn, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội trên thị trường chứng khoán hoặc kế hoạch giao thương của họ.
Giáo sư thấy Tết nay khác Tết xưa thế nào?
Tết đang dần mai một theo thời gian, ai cũng thấy. Ít ai ham Tết. Thời tiết năm nay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu rất rõ nét, nhiều loại hoa nở sớm hơn truyền thống xưa. Nông dân ca thán hoa màu bị mất cắp nhiều hơn mọi năm, trái cây mang bán thì như cho không.
Một số công ty làm ăn ì ạch. Nhiều vụ án tham nhũng nghìn tỷ được Đảng phanh phui, xử lý. Thử hỏi, nếu không có tiền trong nhà, mặt mày ủ dột như đưa đám ma thì làm sao có Tết? Nên dành thời gian kiếm tiền hơn là chăm chăm lo ăn Tết. Có tiền thì ngày nào cũng là Tết cả.
Ngày Tết, nhiều người có thu nhập kém, rất bị áp lực phải lì xì, không dám đi đến nhà người có nhiều con trẻ. Nhiều bậc cha mẹ không tế nhị, xua con ra nhận tiền mừng tuổi từ khách, gây cho khách lâm vào thế… bí. Đó là một thực tế. Giáo sư có cho rằng tập tục lì xì cần xóa bỏ vì đã bị biến tướng quá nhiều?
Lì xì Tết, nhất là cho con cháu, là tục lệ lâu đời của ta, nên duy trì. Tượng trưng là lấy tiền hên năm mới để dành chứ không nên xài.
Tuy nhiên càng ngày tục lệ này đã biến tướng, là dịp để vòi tiền của người đang nhờ cậy mình. Cấp dưới đem lì xì cho cấp trên, hoặc con cháu của cấp trên được cấp dưới lì xì. Tổng Bí thư Đảng và Thủ tướng hàng năm nhắc nhở các viên chức Nhà nước phải tránh hủ tục này nhưng dễ gì bỏ được.
Một thực tế trong thời buổi kim tiền: Nếu lì xì 5.000 -10.000 đồng để “lấy lộc”, nhiều đứa trẻ mở bao ra ngay tại chỗ, chê ít, làm bẽ mặt người lì xì cho chúng… Trẻ con biết chê tiền lì xì ít cũng là do giáo dục của gia đình, một điều rất đáng tiếc.
Bản thân Giáo sư có ủng hộ việc học trò đến thăm viếng, tặng quà, “lì xì” ngày Tết? Và Giáo sư có lì lì cho học trò không?
Sinh viên của tôi lúc đang học không khi nào đem quà biếu. Những khi trường tổ chức đi dã ngoại thầy trò ăn uống chung nhau, thế thôi. Chỉ có một số sinh viên đã tốt nghiệp, đi làm rồi, thỉnh thoảng về thăm thầy mang ít quà địa phương cho. Có người làm ăn phát đạt thường về thăm đem sản phẩm của công ty về khoe và tặng.
Giáo sư còn không hài lòng những điều gì khác trong ngày Tết?
Tết là dịp đại đa số người ta tập trung tiêu xài xả láng. Có tiền xài theo có tiền, không tiền thì mượn nợ, cầm cố đồ đạc để lấy tiền ăn Tết cho bằng người ta. Sau Tết lại lâm nợ nần. Thói quen đó làm cho nhiều người Việt nghèo mãi.
Cứ gần Tết, trên báo đài tăng đột biến những tin vụ án lừa đảo, trộm cắp, giết người cướp của. Người dân nghỉ việc, kéo nhau lũ lượt về quê, tai nạn giao thông cũng tăng cao. Tại sao phải bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn để có tiền ăn Tết như vậy?
Giáo sư đã có kỷ niệm về những cái Tết như thế nào, xin chia sẻ với độc giả?
Có nhiều kỷ niệm lắm. Xin kể kỷ niệm nhớ mãi khi tôi rời Tân Sơn Nhất trong đêm giao thừa Âm lịch năm Nhâm Thìn (2015) đi công tác tại Cameroon. Tôi đến thủ đô Yaoundé của quốc gia Bắc Phi Châu này đúng vào mùng 1 Tết con rồng.
Tôi đem theo hai đòn bánh tét nhân đậu xanh và một hũ patê mà tôi chế biến từ mắm cá mè vinh của Tân Châu, An Giang. Hai món này hoàn toàn là thực phẩm Halal mà người có đạo Hồi ăn được. Tôi đãi mấy cán bộ nông nghiệp Cameroon đúng vào ngày Tết ta, uống bia chúc mừng năm mới với nhau, rồi bắt đầu cuộc hành trình 4 ngày đi khảo sát hiện trạng sản xuất lúa tại các vùng nông thôn và gặp nhiều nông dân biết được những khó khăn của họ.
Ngày mùng 6, tôi trở về bộ Nông nghiệp Cameroon để báo cáo những nhận xét và đề xuất hướng phát triển kỹ thuật làm tăng sản lượng lúa. Tôi giới thiệu kỹ thuật Việt Nam có thể áp dụng tại Cameroon dễ dàng nếu Chính phủ có kinh phí. Tôi trở về Việt Nam đúng ngày mùng 8, tiếp tục đi làm bình thường. Một năm hoàn toàn không có Tết nhưng thành công nhiều và vui hơn… Tết.
Xin cảm ơn GS.TS về những chia sẻ!
Theo Nguoiduatin
An Giang: Nhà chủ cất tiền khủng trong heo đất, giúp việc lén rút hơn 150 triệu
Cần vài triệu trả nợ lại cướp được hơn trăm triệu, thủ phạm viết tâm thư xin trả lại
Vụ Lê Âu Ngân Anh: Báo chí câu view giễu cợt người đẹp, bịa phát ngôn Quyền cục trưởng
Trà Vinh: Đối tác ở Mỹ phá sản, Công ty Mỹ Phong cho hơn 10.000 công nhân thôi việc