Về trang chủ Chưa được phân loại Chuyện Nhật trên đất Việt: Phù điêu cô gái Nhật trước cổng trường tiểu học

Chuyện Nhật trên đất Việt: Phù điêu cô gái Nhật trước cổng trường tiểu học

Bức phù điêu chân dung và tiểu sử Takahashi Junko đặt trước cổng Trường tiểu học Junko (xã Điện Phước, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) khiến cho những ai đọc nó đều cảm động về tấm lòng của cô gái Nhật Bản dành cho trẻ em xứ Quảng.
Bức phù điêu Junko trở thành công trình lưu niệm thắm tình hữu nghị Việt – Nhật
Tấm lòng của cô gái đôi mươi

Mở cửa phòng truyền thống của nhà trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Junko Trà Văn Nhì dẫn tôi đến trước di ảnh của Takahashi Junko rồi dâng nén nhang lên bàn thờ khấn cầu mấy câu, đại ý là thông báo có người tìm hiểu về câu chuyện của cô. Xong xuôi, thầy Nhì kể: “Mỗi lần có khách đến thăm trường, chúng tôi đều thắp nhang cho cô rồi mới để khách tham quan. Nhưng nay, khách trong hay ngoài nước không cần đến phòng truyền thống nữa mà vẫn có thể hiểu câu chuyện về ngôi trường mang tên cô nhờ vào bức phù điêu đặt ngay cổng trường. Bức phù điêu được khánh thành vào ngày 9.3 vừa qua càng trở nên ý nghĩa, bởi năm nay là năm thứ 30 ngày cô Junko qua đời”.

Thầy Nhì cho biết, cô Takahashi Junko sinh năm 1973, tại Tokyo, là sinh viên Trường đại học Minh Trị Thiên Hoàng. Trong những ngày nghỉ hè năm 1993, cùng với những người bạn của mình, cô đã đi du lịch ở Việt Nam để thăm dò thực trạng. Trong chuyến đi, cô đã cảm động trước tấm lòng của người dân Việt Nam, ngạc nhiên trước sự nghèo khó của người dân, khi về nước cô đã tâm huyết “sau khi ra trường tôi sẽ đóng góp công sức cho Việt Nam”. Trong bài luận nộp cho GS Ebashi, cô viết: “… Cần phải tạo điều kiện thuận lợi để các bạn Việt Nam cũng như tất cả mọi người thuộc các nước đang phát triển được khỏe mạnh và được hưởng một nền giáo dục toàn diện, không chỉ bằng hình thức viện trợ tài chính mà còn hỗ trợ trên tất cả các mặt, và từ đó tôi nghĩ rằng có thể làm cho con người và cả thế giới có được lòng rộng lượng hơn”.

“Thật tiếc là Junko đã không thực hiện được ước nguyện đó. Ngày 9.12.1993, cô qua đời trong một tai nạn giao thông. Sau tang lễ, bố mẹ của cô muốn sử dụng tiền gửi ở ngân hàng từ khi cô mới ra đời và tiền phúng điếu để thực hiện ước nguyện của con mình và họ đã trao đổi với GS Ebashi. Cuối cùng họ đã quyết định dùng số tiền đó để giúp đỡ trẻ em và nền giáo dục ở Việt Nam là tốt nhất. Họ đã quyết định xây dựng một ngôi trường tiểu học tại xã Điện Phước – nơi mà Junko đã có nhiều kỷ niệm. Và Trường tiểu học Junko của chúng tôi hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 9.1995”, thầy Nhì nói.

Ngày 20.6.2022, Hiệp hội Junko (Nhật Bản) đã có thư xin phép đặt phù điêu bằng đá là ảnh chân dung Junko cùng tóm tắt tiểu sử và câu nói của cô trước cổng trường với mong muốn có được một hình ảnh kỷ niệm tại ngôi trường, đồng thời cũng thể hiện mối quan hệ bền vững và ngày càng tốt đẹp giữa 2 bên. Việc xin phép ngành chức năng thật sự có nhiều khó khăn ngoài những dự tính. “Nhưng so với tình cảm của cô dành cho thế hệ trẻ nơi mảnh đất này, chút vất vả về thủ tục chẳng bõ bèn gì. Bởi vậy, tôi tâm niệm phải dựng bằng được bức phù điêu như một sự tri ân đối với cô…”, thầy Trà Văn Nhì chia sẻ.

“Phải giữ được thần thái của cô…”

Ngày 24.8.2022, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam đã cấp phép cho Trường tiểu học Junko xây dựng phù điêu bằng đá cẩm thạch, kích thước 1,1 x 1,8 m; nguồn vốn do Hiệp hội Junko tài trợ.

“Trong nhiều tháng, tôi thường xuyên lui tới cơ sở điêu khắc đá tại TP.Đà Nẵng để giám sát họ thi công, cốt làm sao bức phù điêu phải giữ được thần thái của cô Junko. Từ di ảnh của cô, tôi yêu cầu thợ phải tạc được cả lúm đồng tiền bên má phải, tạc tỉ mỉ cây trâm cài tóc, họa tiết trên áo… Từng nét chữ là song ngữ Việt – Nhật về cuộc đời của cô cũng được khắc chi tiết, sắc nét. Ngày 25.2.2023, chứng kiến bức phù điêu được đặt lên bệ với hình ảnh Junko tươi vui ở tuổi 20, đại diện Hiệp hội Junko đã rưng rưng xúc động…”, thầy Nhì nói.

Để bức phù điêu trường tồn với thời gian, thầy Nhì đã cho ốp bệ tượng bằng đá granit. Thầy lại thuê thợ ốp kính cường lực để phù điêu tránh bị xâm hại và đảm bảo tính trang nghiêm. “Ban đầu có ý kiến nên trồng hoa mười giờ nhưng sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định chọn loại hoa trang Nhật Bản để trồng trước phù điêu cô. Loài hoa này hẳn sẽ gần gũi với cô…”, thầy Nhì chia sẻ và tâm sự: “Trước đó, vì cảm kích trước việc làm của tôi, đại diện Hiệp hội Junko đã biếu tôi số tiền tương đương 300 USD. Tôi dành tất cả để mua một tủ thờ. Ngày 9.3 vừa qua là một ngày đáng nhớ đối với thầy trò chúng tôi khi bức phù điêu được khánh thành cũng là lúc nhà trường an vị di ảnh cô trên tủ thờ mới”.

Để tưởng nhớ đến công đức của Junko, trường tổ chức giỗ cô vào ngày 9.12 hằng năm. Vào dịp này, trường sẽ tuyển chọn một đoàn học sinh ưu tú để lên dâng hương cô nhằm giáo dục học sinh về đạo lý uống nước nhớ nguồn. “Chúng tôi muốn các con hiểu về nhân cách, một trái tim nhân hậu như cô Junko. Các con được học dưới mái trường của tình yêu thương như thế thì phải làm gì cho xứng đáng…”, thầy Nhì nói.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm