Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các ngành công công nghiệp. Cũng cần có chính sách tài khoá quyết liệt, hỗ trợ sản xuất hàng hoá, dịch vụ và khuyến khích tiêu dùng, tạo vòng tròn sản xuất – lưu thông, tạo ra nhu cầu thực trong nền kinh tế. Đó là khuyến nghị của các chuyên gia nhằm góp phần tăng trưởng 2 tháng cuối năm và cả năm 2024.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ giải ngân một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước vào nền kinh tế. Đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Đó là chưa kể, nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng “một” điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,1-0,12 điểm phần trăm. Đó là lý do vì sao Chính phủ tiếp tục coi giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương), nhờ giải ngân vốn đầu tư công đã giúp tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam, như sắt thép, xi măng, VLXD… Nhờ đó đóng góp chung vào tăng trưởng của các ngành công nghiệp. Tăng tốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ tiếp tục là kênh kích thích tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, xây dựng trong nước.
“Chúng ta nhìn thấy các dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, kể cả giao thông vận tải hay về năng lượng và nhiều dự án khác. Nó không chỉ đơn thuần nằm ở con đường hay đường dây điện, mà nó sẽ trực tiếp hỗ trợ cho sản xuất, và qua đó là hỗ trợ cho phát triển thị trường. Cho nên đầu tư công gắn với hai động lực kia nó là như vậy. Các nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ, các chính sách tài khóa, tiền tệ Chính phủ ban hành rất quyết liệt, kịp thời. Rõ ràng, về tổng thể nó đã giúp ích rất nhiều cho sản xuất, kinh doanh” – ông Sơn bày tỏ.
Thúc đẩy cầu tiêu dùng cần cả các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và thị trường trong nước. Trong những tháng còn lại của năm, ngành Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp nhằm khai thác thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, du lịch, phát triển thương mại điện tử… nhằm thuận tiện trong mua sắm và tiêu dùng hơn.
Ông Bùi Huy Sơn cho biết thêm: “Tại thị trường trong nước chúng ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa, khai thác có hiệu quả, đặc biệt là trong cuối năm này có rất nhiều lễ hội và bám sát chuẩn bị tiến tới Tết Nguyên Đán. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả kênh phát triển kinh tế số, triển khai Luật Cạnh tranh, Luật bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo thị trường trong nước phát triển một cách lành mạnh”.
Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 10 tháng năm 2024 ước đạt hơn 5 triệu 246 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%). Đây vẫn là một mức tăng thấp, cần nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường hơn.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR) – Trường Đại học kinh tế, ĐHQG Hà Nội: “Sự khôi phục của thị trường trong nước cũng là một yếu tố đóng góp cho động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta thấy là động lực tăng trưởng này chưa thực sự bền vững, và không được tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng của chúng ta so với giai đoạn trước COVID-19.
Chúng ta thấy rằng, nếu như trừ đi yếu tố lạm phát thì tăng trưởng của cầu tiêu dùng trong nước đâu đó chỉ khoảng 5% (bằng một nửa so với giai đoạn trước có COVID-19). Như vậy, để khắc phục những điểm bất ổn của cầu tiêu dùng thế giới cũng như những bất ổn của nền kinh tế thế giới thì chúng ta phải thật sự lưu tâm đến việc thúc đẩy về sự phát triển bền vững và tăng trưởng bền vững của thị trường trong nước. Trong đó bao gồm cả các lĩnh vực về du lịch, những lĩnh vực liên quan đến mua sắm… Rồi làm sao để kích hoạt tăng cường khả năng chi tiêu của người dân, đặc biệt là phải làm sao đảm bảo thu nhập của người dân, làm sao để cho người dân chúng ta yên tâm hơn với việc tích lũy cũng như tiêu dùng trong tương lai.
Vì thế việc cải cách các chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân trong thời gian tới tôi cho rằng cũng là điểm nhấn, để làm sao phấn đấu Việt Nam chúng ta có một tầng lớp trung lưu và qua đó đóng góp động lực tăng trưởng cho việc dịch vụ và tiêu dùng trong nước trong thời gian tới tốt hơn, đảm bảo cho sự tăng trưởng. Trong các động lực tăng trưởng thì hai chân trên kinh tế đối ngoại và kinh tế nội địa chúng ta phải làm sao cân bằng hơn trong thời gian tới”.
Liên quan đến chính sách tài khoá hỗ trợ thị trường, nhất là công cụ thuế, theo nhiều chuyên gia, cần có sự cân nhắc cả trong ngắn và dài hạn. Đề xuất giảm thuế môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2025 là một phương án, nhưng trong bối cảnh chuyển đổi xanh, khuyến khích tiêu dùng hiệu quả thì lại cần cân nhắc. Việc nghiên cứu sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với phương án tăng thuế mạnh vào lĩnh vực đồ uống chứa cồn, đường vì mục tiêu sức khoẻ người tiêu dùng cũng cần tính toán kỹ lưỡng, bởi nếu không sẽ tác động mạnh tới doanh nghiệp sản xuất có đăng ký kinh doanh của ngành này, lại phát triển sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khó kiểm soát chất lượng.
Ông Bùi Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi đánh giá rằng lộ trình tăng thuế suất cho mặt hàng bia rượu trong thời gian tới thì chắc chắn nó sẽ tạo thêm gánh nặng rất lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Các điều chỉnh của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng trong xã hội. Có thể là thay vì người ta sẽ giảm thiểu lượng tiêu thụ bia rượu một cách chính ngạch chẳng hạn thì người ta có thể sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc là sản xuất lậu, hoặc quay về những loại rượu truyền thống mà khó kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường.
Do đó trong một góc độ nào đó – nếu nhìn về mặt không tích cực thì có thể sẽ vẫn tạo ra những hệ lụy xấu trong xã hội – mà nó không làm tăng cường thúc đẩy các sản phẩm chính ngạch mà các doanh nghiệp đã, đang sản xuất và kinh doanh trên thị trường và nộp thuế rất đầy đủ”.
Theo nhiều chuyên gia, để kích thích tiêu dùng trong nước, Việt Nam nên tham khảo một số chính sách từ các quốc gia lân cận, như việc Thái Lan áp dụng chính sách miễn thị thực kéo dài từ đầu tháng 5/2024 thêm 6 tháng, rồi kế hoạch tài trợ 122 tỷ bart cho chương trình “ví số” / ví điện tử của nước này; Hay chính quyền các địa phương Trung Quốc đang triển khai nhanh việc phát hành trái phiếu nhằm rót vốn vào các dự án hạ tầng chẳng hạn.