Về trang chủ Văn hóa Hồn nước Chuỗi ngày Xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều chưa kể

Chuỗi ngày Xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều chưa kể

Sau khi Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta qua đời, thực hiện nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29 tháng 11 năm 1969 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết, trong đó có đoạn: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người…”.

Ngày 18/6/1973 tại buổi lễ long trọng tháo gỡ lễ đài cũ để xây dựng Lăng Bác, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã phát biểu:

“Công lao của Hồ Chủ tịch đối với dân tộc ta, Tổ quốc ta như trời như biển.Hồ Chủ tịch là nhà Mácxit Lêninit vĩ đại, là lãnh tụ vô cùng kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân ta, của toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng thời là chiến sỹ lỗi lạc của phòng trào cộng sản và công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

Cuộc đời của Hồ Chủ tịch là một tấm gương mãi mãi sáng ngời ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong gần gũi quần chúng, khiêm tốn và giản dị.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người.Kiên quyết thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người và tiếp tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.

Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng Bác tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để mọi người có thể đến viếng và chiêm ngưỡng …”.

“Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch. Công trình này sẽ góp phần xứng đáng ghi lại công lao và sự nghiệp của Bác Hồ sẽ góp phần xứng đáng động viên, nhắc nhở mọi người dân Việt Nam tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu làm tròn nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Công trình này sẽ là niềm tự hào và vinh dự của dân tộc Việt Nam ngày nay và muôn đời về sau”.

Vì vậy, xây dựng Lăng Bác là nhiệm vụ vô cùng trọng đại trước quá khứ, hiện tại và tương lai.

Làm sao để Công trình Lăng Bác xứng đáng với thời đại.Thời đại rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc ta xứng đáng với Bác Hồ, người anh hùng dân tộc vĩ đại nhất và cũng là người giản dị nhất, trong sáng nhất và thật là gần gũi. Đồng thời cũng làm sao cho Lăng Bác thể hiện được tấm lòng kính yêu vô bờ bến và đời đời nhớ ơn của nhân dân ta đối với Bác.

Tổ Thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Viện Thiết kế Dân dụng) do KTS Nguyễn Ngọc Chân (Viện trưởng) chủ trì.
Tổ Thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Viện Thiết kế Dân dụng) do KTS Nguyễn Ngọc Chân (Viện trưởng) chủ trì.

Trong Nghị quyết ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ra những yêu cầu cơ bản đối với công tác thiết kế và xây dựng Lăng Bác. Những yêu cầu này là phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thiết kế xây dựng Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình và các Công trình về Bác sau này (Bảo tàng Hồ Chí Minh…)

Các yêu cầu là:

– “Bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết, có kế hoạch giữ gìn an toàn phòng chiến tranh, phòng địch phá hoại.

– Thể hiện được tính hiện đại mà vẫn giữ được màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị.

– Bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục; bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình;

– Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở khu Ba Đình lịch sử và sớm xây dựng xong Lăng để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971…”

Huyền thoại 2 lá cờ đá hồng ngọc trong Lăng Bác Hồ - Sputnik Việt Nam

Theo lời kể của KTS Hoàng Minh Phái , ngay từ mùa thu năm 1968, khi biết Bác đã mệt nặng, đồng chí Trường Chinh đã gọi cho Bộ trưởng Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) Bùi Quang Tạo, Viện trưởng Viện Thiết kế dân dụng Nguyễn Ngọc Chân lên gặp để bàn về việc chuẩn bị xây dựng Lăng Bác. Rồi sau đó đồng chí Trường Chinh vẽ phác thảo Lăng Bác lên giấy bằng bút bi, Viện trưởng Nguyễn Ngọc Chân nhận trực tiếp bản vẽ đó về giao cho anh. Nhìn bản vẽ, anh đã nhập tâm phác thảo đến mức cho đến tận bây giờ, vẫn có thể vẽ lại phác thảo một cách chính xác.

Đến khi Bác qua đời, Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng đã chỉ thị cho Viện trưởng Nguyễn Ngọc Chân chuẩn bị để thiết kế Lăng Bác. Cuối năm 1969, Bộ Kiến trúc và Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (nay là Hội KTS Việt Nam) đã phát động một cuộc góp ý về phương án Lăng Bác trong toàn miền Bắc. Trên 200 phương án thể hiện về hình khối bố cục và vị trí được hoàn thành trong thời gian ngắn. Một Ban chỉ đạo xây dựng Lăng Bác được Bộ Chính trị quyết định thành lập. Đầu tiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng làm trưởng ban, ít lâu sau thay thế vị trí đó là Phó Thủ tướng Đỗ Mười. Viện trưởng Nguyễn Ngọc Chân làm Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo.

Ngay đầu tháng 1/1970, một Đoàn chuyên gia Liên Xô do Trung tướng Kajuop – Tổng Cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật – làm Trưởng đoàn đã sang Việt Nam nhằm nghiên cứu, làm việc cùng Đoàn chuyên gia Việt Nam (do Thứ trưởng Bộ Kiến trúc Vũ Quý làm trưởng đoàn) để lập nhiệm vụ thiết kế và biên bản phân công, giữa hai chính phủ trong việc thiết kế, cung cấp thiết bị vật tư, cung cấp lực lượng thi công… Trong Đoàn chuyên gia Liên Xô có KTS Công huân Men-đen-xép – Viện trưởng Viện Thiết kế các công trình đặc biệt của Liên Xô. Viện trưởng Nguyễn Ngọc Chân đã tranh thủ đề nghị KTS Men – đen – xép góp ý những sơ phác Lăng Bác của ta, trong đó có sơ phác từ phác thảo của đồng chí Trường Chinh và nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Từ đó, Ban chỉ đạo đã phát động đợt sơ phác lần hai. Trong 70 phương án lần này, có 5 phương án được trình lên Bộ Chính trị lấy ý kiến và hoàn chỉnh theo các góp ý lần cuối. Phương án của Viện Xây dựng Thiết kế Dân dụng từ phác thảo của đồng chí Trường Chinh được chọn. Khi này, KTS Hoàng Minh Phái là tổ trưởng tổ chuyên trách theo dõi.

Đầu tháng 3/1970, Đoàn chuyên gia Việt Nam do Viện trưởng Nguyễn Ngọc Chân làm trưởng đoàn sang Mát-xcơ-va để làm việc với Đoàn chuyên gia Liên Xô. Vào thời điểm này, phía Việt Nam bổ sung thêm KTS Đặng Việt Nga (con gái đồng chí Trường Chinh) và KTS Nguyễn Khởi đang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Đây là giai đoạn làm việc thật khó khăn vì bên Liên Xô đã đưa ra 5 bản sơ phác Lăng Bác vẽ màu sắc khá công phu và rất muốn Đoàn chuyên gia Việt Nam chọn 1 trong 5 mẫu sơ phác đó. Phía Việt Nam cũng giới thiệu bản sơ phác phương án của Việt Nam đã chọn. Hai bên vừa giữ ý kiến của mình, vừa chờ đợi sự thống nhất của bên kia. Để thuyết phục bạn, anh em trong Đoàn ngoài giờ làm việc, đã tranh thủ kể về đạo đức, tác phong, sinh hoạt của Bác cho bạn nghe. Khi nói về ngôi nhà sàn của Bác do KTS Nguyễn Văn Ninh thiết kế theo chỉ định của Bác, bạn lấy làm lạ và dần dà hiểu ra, thấy 5 phương án của bạn không phù hợp với một lãnh tụ như Bác Hồ. Sự thân mật qua thời gian càng nhiều thêm – Hướng theo yêu cầu thiết kế “Hiện đại, dân tộc, trang nghiêm, giản dị”, một hồ sơ thiết kế thống nhất giữa hai đoàn được lập ra. Đến tháng 6/1970, Đoàn chuyên gia Việt Nam về nước báo cáo với Ban chỉ đạo.

Sau đó, Đoàn chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam lần thứ hai trình bày các phương án đã thống nhất để xét duyệt. Nhưng Ban chỉ đạo đã cho biết chưa thể duyệt được phương án vì đang xin ý kiến nhân dân trong nước, kiều bào nước ngoài. Sớm nhất cũng phải đầu tháng 11/1970 mới có thể trả lời. Ngay sau khi Đoàn chuyên gia Liên Xô về nước, ta lại phát động một đợt sáng tác nữa dựa trên cơ sở hồ sơ thiết kế thống nhất đã mang về. Chỉ sau một tháng, đã có 127 phương án, 30 phương án đã được lựa chọn và đưa ra hội nghị thảo luận. Cuối cùng, phương án sơ phác của Viện thiết kế dân dụng xây dựng, theo phác thảo của đồng chí Trường Chinh được gọi là phương án 1 (phương án cột cao) đã nhận được nhiều ý kiến tán thành nhất.

Cuối tháng 11/1970, Đoàn chuyên gia Việt Nam mang phương án đó sang Liên Xô. Qua nhiều bàn bạc, cuối cùng bạn đã chấp nhận phương án này với một số bổ sung về kích thước theo tỷ lệ vàng. Khi Đoàn về nước, cũng là đầu 1/1971, KTS Hoàng Minh Phái được cử sang Bulgaria nghiên cứu về các phương pháp xây dựng hiện đại.

Tháng 7/1971, Đoàn chuyên gia Việt Nam sang Liên Xô lần thứ ba. Ngoài việc nắm tình hình thiết kế kỹ thuật, tham gia ý kiến để thích hợp với điều kiện Việt Nam, đoàn còn mang một số bản sơ phác đường triện trên tường (trong phòng thi hài), mô hình bằng thạch cao đường diềm chung quanh hòm kính theo bản thiết kế của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung. Không khí làm việc rất thân mật và cuối cùng đã hoàn chỉnh một bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật Lăng Bác. Cuối tháng 11/1971, Đoàn mang hồ sơ về nước bằng đường xe lửa liên vận.

Ngày 5/2/1972, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phân công nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành, địa phương tham gia xây dựng Lăng Bác. Trước đó, ngày 3/1/1972, Ban phụ trách xây dựng Lăng Bác được thành lập do Phó thủ tướng Đỗ Mười làm Trưởng ban. Nhưng đúng lúc công việc bắt đầu tiến hành thì ngày 16.4.1972, Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc. Bộ Chính trị quyết định tạm dừng xây dựng Lăng Bác.

Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, ngày 29/1/1973, việc xây dựng Lăng Bác đã được khởi động trở lại. Ngày 2/9/1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Bác đã diễn ra trang trọng. Lúc này, KTS Hoàng Minh Phái, đã về nước từ giữa năm 1972, anh được điều trở lại công việc chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng Lăng Bác. Anh được giao nhiệm vụ thiết kế khu vực quanh Lăng Bác, trong đó có cả khu tập kết viếng Lăng Bác.

KTS Hoàng Minh Phái kể thêm về những công trình mà anh thiết kế, trong đó có công trình thiết kế xây dựng Báo Nhân dân ở 71 Hàng Trống. Đây cũng là công trình đầy sóng gió với anh, đã có những phản ứng dữ dội từ nhiều cấp, nhưng tác phẩm của anh vẫn hoàn thành. Anh muốn giữ cảnh quan Hồ Gươm cổ kính, gắn với quá khứ và hiện tại. Hiện nay, anh đang rất muốn kiến trúc Đài Chiến Thắng Quốc Gia – một tác phẩm anh gửi nhiều tâm huyết – sẽ được thực thi. Anh tặng tôi bức ảnh tượng Phật đặt trong khu chùa Phật Tích do anh thiết kế và xây dựng công đức.

Câu chuyện không mấy người biết về bản thiết kế Lăng Bác – một công trình kiến trúc đặc biệt đã trở thành một kỷ niệm khó phai trong cuộc đời làm nghề kiến trúc của KTS Hoàng Minh Phái. Thời gian qua mau, những câu chuyện đời, chuyện nghề như thế đã được kể bằng những công trình – tác phẩm mới trên khắp vùng miền tổ quốc, tạo nên diện mạo của đất nước hôm nay…

(Tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm