Thị trường chứng khoán đóng cửa phiên giao dịch tuần với điểm số cao nhất trong năm và tạo đà cho khả năng VN-Index tiếp tục vượt cản 1.140 điểm.
Thị trường chứng khoán tuần qua đã nhanh chóng khởi sắc trở lại với những phiên tăng liên tiếp, giúp VN-Index tiệm cận vùng đỉnh mới trong năm tại 1.140 điểm. Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt gần 78 nghìn tỉ đồng, giảm 6,3%; với khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn, duy trì trên mức trung bình với áp lực bán ở nhóm mã có tính chất đầu cơ, nhóm bất động sản, dịch chuyển gia tăng nhiều ở nhóm mã cơ bản tốt hơn. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong tuần giao dịch khởi sắc với giá trị hơn 1.950 tỉ đồng, gấp tới gần 10 lần so với tuần trước, dù vẫn miệt mài gom cổ phiếu HPG.
Dù điểm số thị trường tăng khá tích cực, nhưng thanh khoản chưa có sự ủng hộ đã khiến nhiều nhà đầu tư giao dịch tương đối thận trọng. Dòng tiền theo đó không tập trung vào nhóm ngành cụ thể, mà tương đối phân tán và chủ yếu là những động thái thăm dò. Tuần qua, thị trường đón nhận những thông tin quan trọng như PMI tháng 6 chỉ ở 46,2 điểm, nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục suy giảm.
Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay và Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Số liệu tăng trưởng kinh tế quý II/2023 vừa được công bố không có bất ngờ. Doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng chuyển biến thực sự sẽ đến trong quý III sau khi lãi suất thấp ngấm dần, Nhà nước triển khai các dự án đầu tư công, thúc đẩy tiến độ giải ngân, tạo hiệu ứng lan tỏa.
Đáng chú ý là, sau nhiều lần hạ lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại lớn đã về dưới 7%, kỳ hạn 6 tháng dưới 6%. Đây là mức lãi suất khá hợp lý. Tuy nhiên, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn thì lãi suất kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng vẫn xoay quanh mốc trên dưới 8%, là mức khá cao.
Theo nhận định của các chuyên gia, cần thêm thời gian để lãi suất thấm vào nền kinh tế, bởi khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp khá yếu sau thời gian gánh lãi suất cao và ứng phó với khó khăn về thanh khoản, nhu cầu tiêu thụ trong nước suy giảm. TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc đầu tư Quỹ DGCapital nhận định, để các chính sách này ngấm vào đời sống cần có thời gian. Vì thế, kỳ vọng từ tháng 7 và cả quý III sẽ là giai đoạn bắt đầu cảm nhận chính sách vĩ mô tác động rõ ràng hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Báo Lao Động