Sau khi cầm tiền của những người chơi, chủ hụi ôm tiền bỏ trốn thì có bị xử lý hình sự không và nếu có thì mức xử lý thế nào?
Câu hỏi:
Anh trai tôi tham gia bát hụi (một số nơi gọi là phường, họ) tới nay đã được 8 tháng với tổng số tiền đã đóng là 24 triệu đồng. Một số người ở xã còn tham gia với số tiền lớn hơn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chủ hụi đã ôm tiền bỏ trốn, chúng tôi không ai liên lạc được và đã trình báo sự việc tới cơ quan có thẩm quyền. Vậy, trường hợp này, chủ hụi có bị xử lý hình sự không, nếu có thì mức phạt thế nào?
Trả lời:
Chơi hụi là gì?
Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015, chơi hụi (hay còn gọi là họ, biêu, phường) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Quy định của pháp luật về chơi hụi
1) Chủ hụi và thành viên dây hụi phải thông báo về nơi cư trú mới cho các thành viên còn lại nếu có thay đổi nơi cư trú.
2) Khi có người muốn gia nhập dây hụi thì chủ hụi phải thông báo các nội dung sau: Số lượng dây hụi mà mình làm chủ hụi; số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ hụi; phần hụi, kỳ mở hụi.
3) Thỏa thuận về dây hụi phải được lập thành văn bản và có đầy đủ các nội dung sau:
Hụi, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi (nơi chủ hụi thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống);
Số lượng thành viên, hụi, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên;
Phần hụi; thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; thể thức góp hụi, lĩnh hụi.
Văn bản thoả thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.
4) Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi.
Sổ hụi có các nội dung sau đây: Các nội dung của thỏa thuận về dây hụi như mục (3); ngày góp phần hụi, số tiền đã góp hụi của từng thành viên; ngày lĩnh hụi, số tiền đã lĩnh hụi của thành viên lĩnh hụi; chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp hụi và lĩnh hụi; các nội dung khác liên quan đến hoạt động của dây hụi.
5) Chủ hụi phải giao hụi cho thành viên tại mỗi kỳ mở hụi
Trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi thì chủ hụi có trách nhiệm đối với thành viên đó như sau: Thực hiện đúng nghĩa vụ giao hụi; trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh hụi theo quy định của pháp luật; chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự 2015; bồi thường thiệt hại (nếu có).
6) Thành viên dây hụi được quyền xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi khi có yêu cầu.
7) Chủ hụi phải giao giấy biên nhận cho thành viên khi thực hiện các hoạt động sau: Góp hụi, lĩnh hụi; nhận lãi, trả lãi; thực hiện giao dịch khác có liên quan.
8) Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên.
Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.
9) Nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
10) Nghiêm cấm tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật.
Nếu chủ hụi vi phạm 10 quy định trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt được quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Chủ hụi bỏ trốn bị xử lý hình sự hay không?
Theo Điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm như sau:
1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.
Theo đó, chủ hụi ôm tiền bỏ trốn có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
2. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy trong tình huống trên, trường hợp chủ hụi ôm tiền của anh trai bạn thì người đó có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; hoặc có thể phạt tù nặng hơn tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt, mức phạt nặng nhất đến 20 năm.
Luật sư Phạm Thảo – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH S-Life Việt Nam.
Theo VTC News