Sáng tác hồi kí dựa trên cơ chế hoạt động hồi tưởng, nên hiện thực được phản ánh trong đó được mặc định là những sự kiện, câu chuyện đã xảy ra trong thực tế.
Tác giả của hồi kí thường là các văn nghệ sĩ có tiếng, các nhà hoạt động chính trị, cách mạng có cuộc đời nhiều thăng trầm, gắn với từng chặng đường lịch sử dân tộc, gắn với thực trạng văn hóa, văn nghệ thời đại tác giả sống, nên có thể coi hồi kí chính là bức tranh phản ánh đời sống chính trị, xã hội, văn hóa của một giai đoạn nhất định. Hà Minh Đức viết: “Đóng góp cho đời sống văn học bằng cuộc đời nghệ thuật đã trải qua nhiều chặng đường, những trang hồi kí của nhà văn đã gợi lên được những nhận thức có ý nghĩa chung cho mọi người về hiện thực xã hội và đời sống văn học từ những câu chuyện xảy ra thuộc về một quá khứ gần gũi và có nhiều liên hệ với cuộc đời hiện tại”.(1)
Từ góc độ đề tài, có thể chia hồi kí thành hai mảng riêng biệt: hồi kí cách mạng, lịch sử và hồi kí văn hóa, văn nghệ. Trong hồi kí cách mạng, lịch sử, chiến tranh là một mảng đề tài lớn, được nhiều người viết quan tâm tham gia. Tác giả của hồi kí viết về chiến tranh có thể là các nhà văn nhưng cũng có thể là những người lính, các tướng lĩnh tham gia hoặc chứng kiến các sự kiện, cuộc sống thời chiến. Dẫu tác giả là ai, được viết một cách chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, hồi kí viết về chiến tranh cũng đã phản ánh chân thực, sống động các cuộc đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập, tự chủ của nhân dân Việt Nam trong lịch sử dân tộc.
1. Khái quát tình hình sáng tác hồi kí về chiến tranh ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỉ XX đến nay
Ở Việt Nam trước đây, thể kí nói chung và hồi kí nói riêng từng bị coi là “một sản phẩm văn học thứ cấp”(2), chỉ là thể loại ngoại vi, cận văn học, một loại “thủ công nghiệp” mang tính chất “gia công”. Tuy nhiên đến giữa thế kỉ XX, hồi kí được quan tâm bởi ngoài vấn đề văn học, nó còn gánh vác các yêu cầu chính trị. Từ những năm đầu thập niên 1960, Tổng cục Chính trị đã phát động cuộc vận động sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang cách mạng, yêu cầu mỗi người tham gia kể và viết hồi kí. Yêu cầu chính trị được nêu rõ: đó sẽ là một bằng chứng hùng hồn về quan điểm đúng đắn của Đảng là văn nghệ trong chế độ ta phải thuộc về quần chúng nhân dân; bằng hình thức nghệ thuật, chúng ta thuật lại những sự kiện anh hùng, những chặng đường gian khổ đã qua, những câu chuyện kì diệu và xúc động về những tổ chức, những con người đã hi sinh phấn đấu, cống hiến vô điều kiện cho sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của lực lượng cách mạng của Đảng; vì vậy, những cuộc vận động viết hồi kí trong giai đoạn này không những là một hoạt động văn học có ý nghĩa lớn mà còn là một hình thức công tác chính trị có hiệu lực mạnh.
Sau những đợt phát động viết hồi kí của Tổng cục Chính trị với mục đích giáo dục truyền thống quân đội, truyền thống bộ đội Cụ Hồ cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, nhiều cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp đã hưởng ứng: Võ Nguyên Giáp với Từ nhân dân mà ra, Song Hào với Dưới lá cờ vinh quang của Đảng, Chu Văn Tấn với Kỉ niệm Cứu quốc quân, Phạm Kiệt với Từ núi rừng Ba Tơ… Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xuất hiện các cuốn hồi kí chiến tranh như Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng, Những năm tháng quyết định của Hoàng Văn Thái, Nhiệm vụ đặc biệt của Nguyễn Tư Cường, Đường mòn trên biển của Nguyễn Tư Đương, Những chặng đường chống Mĩ của Lê Quang Hòa. Đầu thế kỉ XXI, một loạt hồi kí chiến tranh khác được xuất bản: Một thời sôi động của Chu Huy Mân, Chặng đường mười nghìn ngày của Hoàng Cầm, Bình minh Ba Tơ của Nguyễn Đôn, Một thời sôi nổi của Nguyễn An, Kí ức Tây Nguyên của Đặng Vũ Hiệp, Một thời Quảng Trị của Nguyễn Huy Hiệp, đặc biệt là các tập hồi kí Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử của Võ Nguyên Giáp do Hữu Mai thể hiện…
Mặc dù sáng tác hồi kí được thúc đẩy từ 1975, khi đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn hòa bình thống nhất, nhưng phải từ 1986, với tinh thần dân chủ và tự do sáng tạo, hồi kí mới đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ 1986, công cuộc đổi mới đất nước, trước hết là đổi mới tư duy, đặc biệt từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã thúc đẩy sự đổi mới toàn diện, hướng tới sự cởi mở, dân chủ trong sáng tạo và thưởng lãm nghệ thuật. Trong văn học, tinh thần dân chủ đã khiến cho các nhà văn mạnh dạn và hào hứng mở rộng biên độ sáng tạo, dùng ngòi bút của mình khai thác mọi ngõ ngách đời sống, thể hiện mình, bộc lộ cá tính, phong cách cá nhân. Một trong những thể loại giúp nhà văn bộc lộ cái “tôi” cá nhân rõ nét nhất là hồi kí. Họ viết về bản thân, về những điều họ đã trải qua, những điều khiến trái tim họ không ngừng nhớ thương, day dứt, bởi hơn bất cứ lúc nào họ hiểu mỗi con người là một tiểu vũ trụ và ở khía cạnh đó, quá khứ có thể ám vào đời sống như một thứ quyền trượng và văn chương chính là mảnh đất để nó – quá khứ ấy, quyền trượng ấy – được tái sinh và tiếp biến trong thực tại, tương lai. Tinh thần dân chủ cũng thôi thúc những người không hoạt động trong lĩnh vực văn chương cầm bút viết về quá khứ của mình, với nhiều động cơ, mục đích khác nhau nhưng tựu trung đều xuất phát từ chỗ họ cảm thấy ngôn ngữ là một chất liệu tuyệt vời để lưu giữ và chia sẻ kí ức cá nhân, và cánh cửa văn học giai đoạn này đã rộng mở hơn bao giờ hết để họ có thể làm điều đó.
Về đề tài chiến tranh, cách mạng, có thể thấy các sáng tác mang tính chất tự thuật như nhật kí, hồi kí, tự truyện đã được viết như một nhu cầu bức thiết của bản thân tác giả. Là người tham gia, chứng kiến các cuộc chiến và các sự kiện lịch sử trọng đại, họ mong muốn được ghi dấu lại tất cả. Bởi thế mà những cuốn nhật kí đã được viết, ghi lại tỉ mỉ các sự kiện diễn ra hàng ngày trong quá trình sống và chiến đấu của họ. Song song với hàng loạt cuốn nhật kí đã được xuất bản từng gây ra nhiều chấn động trong dư luận như Nhật kí chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, Nhật kí chiến trường của Phan Tứ, Nhật kí Đặng Thùy Trâm của Đặng Thùy Trâm…, các cuốn hồi kí chiến tranh cũng xuất hiện như một nghĩa cử tri ân của các tác giả đối với quá khứ và đồng đội của mình.
2. Chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn hồi kí
Hiện thực và con người sử thi
Phản ánh cuộc sống và các sự kiện thời chiến, hồi kí viết về chiến tranh mang đậm cảm hứng sử thi, nhất là hồi kí giai đoạn trước 1975. Với đề tài lớn, mang tính dân tộc, thời đại, các tác phẩm này đã tái hiện những năm tháng đáng nhớ của lịch sử dân tộc, “với những trang viết đậm tính chất sử thi và khuynh hướng mĩ hóa kí ức”(3)…
Các tác giả viết về kí ức của mình, nhưng nói như nhà văn Hồ Anh Thái, “từ số phận một cá thể soi chiếu qua lịch sử người đọc có thể hình dung ra một thời đại”(4). Bởi vì, từ cái nhìn của người trong cuộc, “hồi kí cách mạng đã phản ánh quá trình hoạt động, đấu tranh cũng như tâm tư, nguyện vọng của những người cách mạng một cách chân thực và sâu sắc”(5).
Hồi kí chiến tranh viết về sự trưởng thành của quân đội cũng như nghệ thuật quân sự Việt Nam, những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ huy, về công tác Đảng, công tác chính trị trong các trận chiến đấu, các chiến dịch. Các tập hồi kí xuất bản từ 1975 đến nay viết về nhiều chiến trường, nhiều mặt trận, nhiều quân binh chủng khác nhau, và theo Phạm Bá Toàn, chúng đã “dựng nên một bối cảnh rộng lớn của cả đất nước, gắn hậu phương với chiến tranh, gắn số phận người chiến sĩ quân đội với nhân dân, lớp già với lớp trẻ dựng lại một quá khứ hào hùng về sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam”(6).
Các cuốn hồi kí ấy đã phục dựng một hiện thực và con người sử thi, như Nguyễn Vũ Điền đã ghi chép lại những sự kiện khốc liệt trong Rừng khộp mùa thay lá, qua đó nói lên tâm tư của mình khi tham gia vào đội quân tình nguyện chiến đấu tại chiến trường K; như Võ Minh đã kể về những trận đánh, những đêm hành quân nhọc nhằn, những cái chết trong Có một thời như thế, ghi lại tỉ mỉ từng sự kiện, từng nhân vật và nỗi niềm, suy nghĩ của bản thân tác giả, một người cựu chiến binh đã trải qua trận mạc.
Cũng giống như Võ Minh, Nguyễn Đức Thuận đã kể lại với tư cách của một nhân chứng. Trong hồi kí Bất khuất, sau khi bị bắt, tác giả phải chịu những trận đòn tra tấn và nhiều thiếu thốn, kham khổ khác. Hoàng Quốc Việt trong Nhân dân ta rất anh hùng kể về quá trình ông và các đồng chí của mình tham gia đấu tranh mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi hình thức để mở rộng phong trào yêu nước.
Viết về bi kịch chiến tranh, nhưng hồi kí cũng đồng thời khắc họa sự bi tráng của nó, qua đó cho thấy sức mạnh của con người, của dân tộc Việt Nam. Khác với ở mảng hồi kí văn hóa, văn nghệ, các tác giả hồi kí chiến tranh, lịch sử có một động cơ sáng tác rõ ràng: do là người trải qua các cuộc chiến, là người chứng kiến sự tàn khốc và bi thảm của nó, họ thấu hiểu và thậm chí bị ám ảnh, bởi vậy mà việc viết lại những gì đã trải qua là một thôi thúc cấp bách, như một món nợ cần được trả. Các tác giả hồi kí viết để trả nợ cho bao xương máu của đồng đội đổ xuống, cho những người thân, bạn bè đã mãi mãi ra đi không trở lại, cho những nỗi đau còn dai dẳng mãi trong lòng người. Cũng bởi vậy mà dù tác giả là nhà văn hay chỉ là một nhân chứng chiến tranh, các trang viết của họ trở nên lôi cuốn không chỉ/ không phải vì nghệ thuật điêu luyện, mà trước hết là bởi sức mạnh của sự thật lịch sử hào hùng, bi tráng, của những ẩn ức mãnh liệt chứa đựng trong đó.
Hồi kí cách mạng, lịch sử cũng dành sự quan tâm lớn để viết về công lao của Đảng, Bác Hồ. Qua nhiều cuốn hồi kí, hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật đẹp; các tác giả đã dành những chương, những dòng trang trọng mỗi khi nhớ về Bác Hồ – Người Cha của quân đội, của lực lượng vũ trang với tấm lòng thành kính và biết ơn.
Mỗi tác giả có góc nhìn khác nhau về Bác, nhưng tựu trung đều là sự ngưỡng mộ, trân trọng, tin yêu, như trong Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đi theo con đường của Bác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trọn một đời đi theo Bác của Thượng tướng Phùng Thế Tài, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà, Chiến đấu ở Tây Nguyên của Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo, Niềm tin và lẽ sống của Trung tướng Nguyễn Đệ, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát – vị tướng tài ba của nhiều tác giả, Bác của chúng ta của Đại tướng Lê Trọng Tấn… Bác Hồ hiện lên qua các cuốn hồi kí là linh hồn của công cuộc kháng chiến, thể hiện khát vọng đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, đồng thời Bác còn giống như người cha hiền gần gũi quan tâm, hiểu thấu mọi tâm tư nguyện vọng, mọi nỗi lo của bộ đội trước khi ra trận, có những chỉ thị quý báu, động viên, cổ vũ bộ đội. Mỗi lần được gặp Bác là mỗi lần người kể chuyện được truyền cảm hứng. Các tác giả kể lại trong nỗi xúc động sâu xa trước tình cảm và tấm lòng nhân hậu, bao la của Người.
Trong Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử của Võ Nguyên Giáp (Hữu Mai thể hiện), ngay từ đầu, vai trò của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đứng đầu là Bác Hồ đã được thể hiện rõ ràng. Những phán đoán, chỉ đạo của Bác đã soi sáng cho cả chiến dịch. Trọn một đời đi theo Bác của Phùng Thế Tài kể về những ngày tháng hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc) của Bác, nơi Bác được Phùng Thế Tài cùng nhiều đồng chí khác bảo vệ sau khi rời Moscow (Nga). Giữa bao hiểm nguy và khó khăn, ở nơi mà các cơ sở hoạt động của Quốc dân đảng Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ ra sức chống phá cách mạng Việt Nam, Bác vẫn hiện lên trong hồi kí của Phùng Thế Tài như một tấm gương sáng chói.
Hình ảnh người lính Cụ Hồ cũng hiện lên trong hồi kí thật đẹp và đáng trân trọng. Đó là những con người giản dị, hết lòng vì lí tưởng, gắn bó với nhân dân, có nghị lực phi thường. Tổng tập hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về những người lính từ nhân dân mà ra, trải qua những gian khổ ác liệt khi chiến đấu trong vòng vây để đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ, những con người gan dạ, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, luôn tin tưởng, lạc quan, biết chia sẻ và đoàn kết. Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà viết về những năm tháng chiến đấu vô cùng anh dũng của quân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược. Kí ức Tây Nguyên của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp viết về cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Nguyên trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước cực kì gian khổ nhưng hào hùng. Đồng bằng rực lửa của Trung tướng Vũ Ba viết về sự mưu trí, dũng cảm của những chiến sĩ du kích, bộ đội địa phương và đồng bào vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng đánh Pháp. Đường mòn trên biển của Thiếu tướng Nguyễn Tư Đương ca ngợi những cán bộ, chiến sĩ hải quân của đoàn tàu không số trên tuyến vận tải biển. Chim vượt gió của Lê Tất Đắc khắc họa hình tượng người chiến sĩ cộng sản Lê Tất Đắc đầy ý chí, nghị lực đấu tranh… Mỗi cuốn hồi kí đều thể hiện nhân cách sáng ngời của bộ đội Cụ Hồ với cảm hứng ngợi ca, giọng điệu hào sảng tràn ngập từng trang viết.
Hồi kí của các tướng lĩnh nở rộ sau năm 1975, theo Trần Thị Hồng Hoa, cũng là do sự “trả nợ cho những ân tình của cách mạng”(7). Đây đều là tư liệu quý giá giúp người đọc hiểu được sự vất vả, áp lực lớn của những người gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Các cuốn hồi kí này, ngoài các tác phẩm của Võ Nguyên Giáp do Hữu Mai và Phạm Chí Nhân thể hiện, có thể kể đến các cuốn tiêu biểu khác như Hồi ức và suy nghĩ của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, Điệp viên hoàn hảo X6 của tướng tình báo Phạm Xuân Ân, Hồi kí Trần Văn Giàu, tập hợp các tư liệu và hồi ức về Lê Đức Thọ – người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng…
So với giai đoạn trước thường viết về lịch sử dân tộc với những trang viết đậm tính sử thi, có thể thấy hồi kí của các tướng lĩnh viết sau năm 1975, đặc biệt là sau năm 1986, mang góc nhìn đa chiều hơn. Chân dung của các tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được phác họa một cách đậm nét, chân thực, sống động qua chính dòng hồi ức của họ. Bên cạnh việc tái hiện những chiến công, sự kiện cách mạng, những kinh nghiệm chuẩn bị, tổ chức chiến đấu, những tính toán của người cầm quân, bài học xương máu rút ra sau mỗi trận đánh, hồi kí còn phản ánh nỗi suy tư, trăn trở, dằn vặt của tướng lĩnh sau mỗi lần chiến bại. Nếu như trước đây các vị tướng lĩnh hiện lên trong hồi kí với tầm vóc sử thi, thì từ sau 1986, họ được khắc họa đầy đủ, toàn diện hơn với cá tính và những nỗi niềm đời thường. Thượng tướng Phùng Thế Tài trong hồi kí của chính ông (Trọn một đời đi theo Bác) hiện lên là một người có tính cách bốc đồng, thích được mọi người khen ngợi, đồng thời cũng rất khéo léo, chu đáo. Đại tướng Hoàng Văn Thái trong Những năm tháng quyết định còn thể hiện năng khiếu âm nhạc qua việc sáng tác các bài hát cổ động. Các cuốn hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho thấy ngoài sự tự tin, quyết đoán, lí tưởng cách mạng kiên cường và tình yêu sâu nặng với Tổ quốc, nhân dân, Đại tướng còn có đức tính khiêm nhường, bình dị và giàu lòng nhân ái.
Cái “tôi” trưởng thành được đề cao
Đội ngũ tác giả tham gia viết hồi kí chiến tranh, cách mạng rất đa dạng, bao gồm nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp thuộc đủ các quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn, giữ nhiều cương vị, chức vụ khác nhau trong các lĩnh vực trên khắp các chiến trường trong cả nước. Ngoài các cựu chiến binh viết hồi kí để ghi dấu một quãng đời trực tiếp tham gia chiến đấu của mình như Thu Trang với Một thời để nhớ, Vương Khả Sơn với Kí ức chiến tranh, Trọng Huân với Bụi vết tháng năm, Trần Văn Giang với Kí ức ngày xanh, Lê Hữu Thăng với Chuyện kể về một thời, Võ Minh với Có một thời như thế…, hồi kí còn được viết bởi các chính trị gia như nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ với Hồi ức và suy nghĩ, tướng tình báo Phạm Xuân Ân với Điệp viên hoàn hảo X6, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình với Gia đình, bạn bè và đất nước… Dù ở cương vị nào, các tác giả hồi kí cũng đã kể lại câu chuyện mà mình tham gia hoặc chứng kiến, qua đó cho thấy cả một quá trình nhận thức và hoạt động cách mạng của bản thân. Đó là “công cuộc “nhận đường” và “lên đường” đầy khó khăn thử thách của các nhà văn, nhà thơ thời kì đầu kháng chiến”(8), như Lý Hoài Thu nhận định.
Khác với nhật kí thường được ghi chép hàng ngày, hồi kí được viết khi tác giả đã trải qua mọi chuyện và hồi tưởng lại nên hiện thực trong đó là hiện thực được hồi cố, sẽ thấm đẫm cái nhìn riêng tư, giàu trải nghiệm và thường chất chứa những suy tưởng, thể hiện sự chín chắn, trưởng thành của chủ thể. Nhất là đối với mảng hồi kí cách mạng, lịch sử, do đề tài lớn, phản ánh các sự kiện quan trọng thời chiến, mang tầm dân tộc, thời đại, nên nhân vật trong đó phải trải qua nhiều biến cố, chịu nhiều thử thách, sự thay đổi nhận thức, quá trình tìm đường do đó mà phức tạp gian nan hơn.
Hồi kí Trần Huy Liệu cho thấy ban đầu Trần Huy Liệu là thành viên của Quốc dân đảng, sau đó cùng với thời gian ông nhận ra tổ chức này không đáp ứng được lí tưởng giải phóng dân tộc của mình nên đã tìm đến với Đảng Cộng sản. Qua hồi kí, có thể thấy Trần Huy Liệu đã có một quá trình nhận thức và quá trình nhận đường đầy khó khăn. Sự dấn thân vì lí tưởng đã tôi luyện cho ngòi bút, đã trau dồi kiến thức, bản lĩnh cho nhà cách mạng và cuối cùng ông đã tìm ra con đường phù hợp với khát vọng của mình.
Nguyễn Vũ Điền trong hồi kí Rừng khộp mùa thay lá vốn là một con người đa cảm nhưng sau bao nhiêu gian lao, thử thách, ông cũng đã trở thành người lính cứng cỏi, bản lĩnh. Phùng Thế Tài trong Trọn một đời đi theo Bác vốn là đứa trẻ tính tình ngổ ngáo, con nhà nghèo ở làng Vạn Điểm, huyện Phú Xuyên, mười ba tuổi đã phải đi lang thang, sống cầu bơ, cầu bất, rồi gặp cách mạng, gặp Bác Hồ, từ đó tạo nên sự kì diệu của một cuộc đời, sau này qua tôi luyện mà trở thành sĩ quan cấp tướng của cách mạng, một vị tư lệnh đã chỉ huy bộ đội và nhân dân đánh bại cuộc tập kích bằng B52 của Mĩ vào Hà Nội, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”. Hồi kí Những năm tháng quyết định cho thấy Hoàng Văn Thái sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Thái Bình, rời quê hương từ khi còn niên thiếu, phải làm đủ việc để sinh sống, trong quá trình đó đã tin vào lí tưởng cộng sản, tự nguyện đi theo con đường này. Thiếu tướng Hoàng Đình Phu trong hồi kí Từ nhà trường đi vào hai cuộc kháng chiến cũng phản ánh quá trình tìm đến với cách mạng của một thanh niên trí thức, đã trở thành một cán bộ quân giới, góp phần cải tiến, sáng chế ra nhiều loại vũ khí độc đáo phục vụ cho quân đội…
Khác với mảng hồi kí văn hóa, văn nghệ, hồi kí viết về chiến tranh phản ánh hiện thực thời chiến, đề cập đến các số phận trong hoàn cảnh khốc liệt, bi tráng của lịch sử, nên ở đó diễn ra những chuyển biến về tư tưởng, tính cách của nhân vật, và dù mỗi người có hoàn cảnh gia đình và quá trình nhận đường khác nhau, cuối cùng họ đều tìm đến chân lí cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cuốn hồi kí thể hiện sự trưởng thành về nhân cách, nhận thức của “cái tôi” chủ thể. Tường thuật lại những năm tháng cuộc đời mình, các tác giả cho thấy cả một quá trình dài từ thời trẻ tuổi đến khi trưởng thành với nhiều biến cố, gắn liền với những thăng trầm của dân tộc. Qua thực tiễn đấu tranh, họ trở nên rắn rỏi, cứng cáp và đầy bản lĩnh cách mạng. Họ đã góp công sức, máu xương của mình vào cuộc chiến cho dân tộc và rồi với cuốn hồi kí, họ xác nhận lí tưởng của mình là đúng đắn.
Như vậy, có thể thấy hồi kí viết về chiến tranh đã mang lại cái nhìn sống động, chân thực về chiến tranh Việt Nam, từ cuộc sống gian khổ, những cuộc chiến bi tráng, hào hùng cho đến hình ảnh lãnh tụ, tướng lĩnh, binh sĩ và cá nhân các tác giả viết hồi kí. Vì được viết từ góc độ của người trong cuộc, nên bộ mặt chiến tranh trở nên cụ thể, sinh động. Đây cũng chính là ưu thế của hồi kí nói riêng và các sáng tác văn học mang tính tự thuật nói chung.
——————
1. Hà Minh Đức (chủ biên) (1996), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, tr.32.
2. Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường (2000), Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí, Nhiều tác giả, Nxb Thanh niên, tr.262.
3. Trần Thị Hồng Hoa (2016), Một vài đặc trưng của hồi kí các tướng lĩnh sau năm 1975, tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 845, tr.104.
4. Hồ Anh Thái (2009), Ma Văn Kháng, con đường, hồi ức, http://tienphong.vn, ngày 17/10.
5. Lê Thị Nhiên (2017), Chủ thể trần thuật trong hồi kí cách mạng Việt Nam 1945 – 1975, tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ, số 48C, tr.40.
6. Phạm Bá Toàn (2010), Nghiên cứu những giá trị văn hoá trong nhân cách bộ đội Cụ Hồ qua sách hồi kí và nhật kí chiến tranh được xuất bản tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân từ năm 1975 đến nay, LATS, Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, tr.48.
7. Trần Thị Hồng Hoa (2016), Một vài đặc trưng của hồi kí các tướng lĩnh sau năm 1975, tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 845, tr.104.
8. Lý Hoài Thu (2008), Hồi kí và bút kí thời kì Đổi mới”, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10, tr.80.