Về trang chủ Kinh doanh Chiến dịch thanh lọc ngành tiền ảo của Mỹ

Chiến dịch thanh lọc ngành tiền ảo của Mỹ

Chính phủ Mỹ vừa gửi đi một thông điệp rõ ràng tới thế giới tiền ảo, một thị trường có giá trị vốn hoá khoảng 1,4 nghìn tỷ USD…
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.

Trong lúc nhà đầu tư đang hy vọng ngành công nghiệp tiền ảo tiếp tục bước về phía trước sau vụ án lịch sử của Sam Bankman-Fried (SBF) – nhà sáng lập kiêm cựu CEO của sàn tiền ảo đã sụp đổ FTX – nhà chức Mỹ tiếp tục có những động thái mới nhằm vào các hoạt động phạm tội liên quan tới lĩnh vực này.

Hôm thứ Ba tuần này, nhà sáng lập Changpeng Zhao của sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Binance, thừa nhận không duy trì được một chương trình chống rửa tiền hiệu quả, qua đó có thể đã cho phép kẻ xấu lợi dụng Binance để chuyển tiền.

Theo trang CNN Business, chiến dịch làm sạch ngành công nghiệp tiền ảo hiện nay của Mỹ là lớn nhất trong lịch sử ngành tiền ảo, và sẽ khiến ngành này càng mất thêm nhiều thời gian để gột rửa hình ảnh đã bị vấy bẩn sau những vụ án gây tốn giấy mực.

Hai “tấm gương xấu” Changpeng Zhao và SBF

Zhao và SBF vốn từng được coi là những gương mặt đại diện của ngành công nghiệp tiền ảo. Giờ đây, khi Zhao nhận tội và SBF bị kết án, những người hoạt động trong lĩnh vực tiền ảo mà tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà chức trách sẽ càng mất nhiều công sức hơn để thuyết phục rằng hai nhân vật đó chỉ là ngoại lệ chứ không phải là thường lệ trong ngành.

Sau khi có tin Zhao nhận tội, CEO Brian Armstrong của sàn tiền ảo Coinbase đã nhân cơ hội để nêu bật sự khác biệt giữa Coinbase và Binance – sàn giao dịch đã thừa nhận có dính líu đến rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp và vi phạm lệnh trừng phạt.

“Kể từ khi Coinbase được thành lập vào năm 20212, chúng tôi đã có một tầm nhìn dài hạn. Tôi biết rằng chúng tôi cần giữ vững việc tuân thủ các quy định và luật pháp để trở thành một công ty mang tính thế hệ đứng vững trước sự thử thách của thời gian”, ông Armstrong viết trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội X. “Tin tức của ngày hôm nay càng khẳng định rằng đi theo con đường khó khăn như vậy là một quyết định đúng đắn. Giờ đây chúng tôi có cơ hội để mở ra một chương mới trong ngành”.

Các cơ quan chính phủ Mỹ giám sát việc điều tiết và thực thi luật pháp đối với ngành tiền ảo không muốn ngành công nghiệp này quên đi hai tấm gương xấu FBS và Zhao. “Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Bộ Tư pháp đã truy tố thành công CEO của hai trong số những sàn tiền ảo lớn nhất thế giới trong hai vụ án hình sự riêng biệt. Thông điệp ở đây là rõ ràng: sử dụng công nghệ mới để vi phạm pháp luật không làm cho bạn trở thành một nhà sáng tạo, mà khiến bạn trở thành một kẻ phạm tội”, Tổng chưởng lý Mỹ Merrick Garland phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba.

Một số thông tin cùng ngày nói rằng thoả thuận giữa Zhao với Bộ Tư pháp Mỹ có thể cho phép Zhao giữ cổ phần chính trong Binance. Đây là lý do khiến giới đầu tư tiền ảo giữ được sự lạc quan và giá tiền ảo không có nhiều biến động sau khi Zhao bị nhà chức trách xử lý. Nhìn chung, năm 2023 vẫn là một năm tốt đối với thị trường tiền ảo, khi giá hai đồng lớn nhất là bitcoin và ethereum đã tăng tương ứng 120% và 70% từ đầu năm đến nay.

Thoả thuận mà Binance đạt được với Chính phủ Mỹ yêu cầu sàn giao dịch này dừng hoạt động tại Mỹ. Sau khi Zhao nhận tội với nhà chức trách, trang Binance.com đã ngừng cung cấp dịch vụ ở Mỹ. Tuy nhiên, trang Binance.US – một công ty con của Binance được thành lập vào năm 2019 – vẫn tiếp tục hoạt động. Thông tin đăng trên website Binance.US nói rằng trang này “phục vụ khách hàng Mỹ và tuân thủ các quy định của Mỹ”.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết Binance.US không bị ảnh hưởng bởi phán quyết từ Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ án của Zhao, vì công ty này đăng ký là một dịch vụ tiền tệ. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư ở Mỹ vẫn có thể mua và bán tiền ảo trên nền tảng do Binance tạo ra.

Cuộc chiến của cả Chính phủ Mỹ

Động thái vừa rồi của Bộ Tư pháp Mỹ là một bằng chứng sống động về lập trường cứng rắn của Chính phủ Mỹ đối với các hoạt động phi pháp liên quan đến tiền ảo. Nói cách khác, các cơ quan chức năng liên bang như Uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch (SEC) hay Bộ Tài chính Mỹ sẽ không nhắm mắt làm ngơ cho những hành vi như vậy.

Cũng trong tuần này, SEC đâm đơn kiện một sàn tiền ảo khác là Kraken, cho rằng công ty này hoạt động như một sàn giao dịch chứng khoán không phép và trộn lẫn tài sản của khách hàng với tài sản công ty. Đây không phải là lần đầu tiên SEC kiện Kraken. Trên thực tế, đây là một trong số những vụ kiện mà SEC đâm đơn trong năm nay nằm vào các công ty tiền ảo như Bittrex và Coinbase. Vụ kiện của SEC cáo buộc Binance vi phạm luật bảo vệ nhà đầu tư vẫn đang được tiến hành.

Một số phán quyết của toà án đưa ra trong năm nay không đứng về phía SEC, nhưng cơ quan này được cho là sẽ tiếp tục mạnh tay với các công ty tiền ảo bằng cách đưa họ ra toà. Tuyên bố ngày thứ Ba tuần này của Bộ Tư pháp Mỹ nói lên một điều rằng không chỉ SEC mà toàn bộ Chính phủ liên bang Mỹ đều đang cố gắng ngăn chặn các hoạt động phi pháp trong ngành tiền ảo, trong đó có Bộ Tư pháp, Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai (CFTC), và Bộ Tài chính Mỹ. Thậm chí, Mỹ còn thành lập một Nhóm chấp pháp tiền ảo Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp để chủ động nhận diện và điều tra các vụ án hình sự liên quan đến tiền ảo.

“Khi các động thái chấp pháp về hình sự và dân sự là đối tượng của các tiêu chuẩn luật pháp khác nhau, nỗ lực tập thể này cho thấy phương pháp tiếp cận toàn chính phủ mà chúng tôi đang theo đuổi để chống lại tội phạm doanh nghiệp”, ông Garland nói.

Giới chức Mỹ cũng có sẵn trong tay nhiều quy chế giám sát mà họ có thể áp dụng để xử lý tội phạm tài chính, bao gồm luật hình sự hoá hoạt động rửa tiền và gian lận ngân hàng. Chính nhờ những công cụ như vậy mà chính phủ liên bang Mỹ đạt được thoả thuận xử lý hình sự doanh nghiệp đầu tiên với một sàn tiền ảo.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng cho rằng họ vẫn cần có thêm các quy định giám sát mới và làm rõ hơn quy giám sát để cả nhà đầu tư và cơ quan thực thi pháp luật phân biệt được những sản phẩm tiền số hợp pháp với những sản phẩm phi pháp. Dù vậy, hiện chưa rõ đến khi nào và như thế nào Mỹ mới có được một hệ thống quy chế và luật pháp toàn diện về tiền ảo. Một cách để đi tới một hệ thống như vậy là soạn thảo quy định tại các cơ quan như SEC hay CFTC, nhưng con đường này có thể gặp trở ngại ở toà án. Một cách khác không kém phần khó khăn là đi qua Quốc hội Mỹ.

Theo An Huy/Vneconomy

Có thể bạn quan tâm