Nhu cầu tài nguyên của ChatGPT đang ngày càng trở nên quá tải.
Theo Digital Trends, một nghiên cứu mới cho thấy chatbot AI nổi tiếng ChatGPT của OpenAI đang tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên nước và điện, đặt ra những lo ngại về tác động môi trường của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo nghiên cứu, lượng nước cần thiết để ChatGPT soạn một email 100 từ có thể lên tới 1,4 lít, tùy thuộc vào vị trí địa lý của trung tâm dữ liệu. Điều này là do nhiều trung tâm dữ liệu AI hiện nay sử dụng hệ thống làm mát bằng chất lỏng, đòi hỏi lượng nước lớn để vận hành.
Ngoài ra, việc sử dụng ChatGPT cũng tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể. Nếu chỉ 1/10 dân số Mỹ sử dụng ChatGPT để viết một email 100 từ mỗi tuần, lượng điện tiêu thụ sẽ tương đương với toàn bộ hộ gia đình ở thủ đô Washington (Mỹ) trong 20 ngày.
Đây không phải là vấn đề riêng của ChatGPT. Các mô hình AI khác như Llama 3.1 của Meta hay siêu máy tính của xAI cũng đòi hỏi lượng nước và điện khổng lồ để huấn luyện và vận hành.
Gần đây, cũng đã có báo cáo về việc AI tạo sinh có thể khiến lượng khí thải carbon phát ra môi trường tăng gấp ba lần, nguyên nhân cũng chính từ các trung tâm dữ liệu. Cụ thể, báo cáo của Morgan Stanley dự đoán ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu có thể thải ra tới 2,5 tỉ tấn khí nhà kính vào năm 2030, gấp ba lần so với dự đoán nếu không có sự xuất hiện của AI tạo sinh.
Từ những con số của nghiên cứu trên cho thấy sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh đang đặt ra những thách thức lớn về tài nguyên và môi trường. Mục tiêu tiên quyết của những công ty công nghệ lớn là cần tìm kiếm các giải pháp bền vững hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ này đến tài nguyên môi trường.