Về trang chủ Xu hướng CEO Nón Sơn bức xúc vì mũ bảo hiểm liên tục bị làm giả!

CEO Nón Sơn bức xúc vì mũ bảo hiểm liên tục bị làm giả!

Trong thời gian gần đây, mũ bảo hiểm của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn liên tục bị làm giả. Mong rằng cơ quan chức năng sẽ tìm ra những biện pháp thật sự hiệu quả và đủ nghiêm khắc để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái đang hoành hành trên cả nước.

Ngày 25-26/3/2021, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra 3 điểm kinh doanh mũ bảo hiểm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết, (Bình Thuận). Tại thời điểm kinh doanh, Đoàn kiểm tra phát hiện địa điểm 93 Hải Thượng Lãn Ông đang kinh doanh lô hàng 2.102 chiếc mũ bảo hiểm gắn nhãn hiệu Nón Sơn, chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên; Điểm 105 kinh doanh 470 chiếc mũ bảo hiểm và Điểm 101 kinh doanh 140 chiếc mũ bảo hiểm gắn nhãn hiệu Nón Sơn.

Trên 2.700 mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn bị thu giữ

Qua kiểm tra về giấy tờ, chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Toàn bộ số hàng trên có tổng trị giá 87.460.000 đồng, có dấu hiệu giả mạo nhãn nhiệu Nón Sơn của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 26/1/2021, Công an phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 (TPHCM) kiểm tra căn nhà số 945/8 Nguyễn Ảnh Thủ, tổ 1, khu phố 8, phường Tân Chánh Hiệp, do Ninh Thiện Thạch (quê Lâm Đồng, trú tại địa chỉ trên) thuê để làm nơi ở và kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, bên trong căn nhà 3 tầng lầu chứa đầy mũ bảo hiểm, một số đã được đóng gói cẩn thận. Đáng nói, tổ công tác phát hiện Thạch đang kinh doanh nón bảo hiểm có gắn tem hợp quy chuẩn, cụm logo, đuôi da, nhãn giấy, và khóa có biểu tượng giống nhãn hiệu “Nón Sơn”.

Ngoài ra, ngày 9/12/2020, lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng đã phát hiện và tịch thu trên 400 mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Ngày 5/1/2017, trong đợt ra quân cuối năm, Đội QLTT cơ động số 1, Chi cục quản lý thị trưởng tỉnh An Giang đã đồng loạt kiểm tra các cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên địa bàn và phát hiện mũ bảo hiểm làm giả thương hiệu Nón Sơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn

Trao đổi về việc liên tục bị làm giả mũ bảo hiểm Nón Sơn, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn bức xúc: “Mặc dù chúng tôi đã cùng với cơ quan chức năng phối hợp thực hiện kiểm tra và có nhiều động thái quyết liệt để xử lý các cơ sở, cá nhân sản xuất hàng giả, thế nhưng với chế tài xử phạt hành chính thôi là chưa đủ. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và kinh doanh của đơn vị bị làm giả sản phẩm”.

Một cơ sở làm giả phải xây dựng nhà xưởng quy mô, số lượng nhân công lớn, đóng tại địa bàn có đầy đủ ban ngành quản lý mà vẫn sản xuất, tung ra thị trường ngang nhiên. Vậy có sự bao che hay dung túng ở đây không? Tôi nghĩ rằng, đến lúc cơ quan chức năng, các địa phương cấp giấy phép cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn phải phối hợp với nhau để xử lý triệt để hành vi sản xuất hàng giả. Biện pháp xử phạt về hành chính chỉ “như muối bỏ biển” đối với các cơ sở này, bởi sản xuất hàng giả thu siêu lợi nhuận, cần thiết phải có biện pháp xử lý hình sự”, ông Tý gay gắt.

Dù doanh nghiệp đã có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông giải thích để người tiêu dùng phân biệt hàng thật – hàng giả, nhưng tại TPHCM nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đang là “thiên đường” của hàng gian, hàng giả, ngành chức năng liên tục xử lý nhưng lại không triệt để. Khi kiểm tra và phát hiện các cơ sở làm giả mũ bảo hiểm Nón Sơn ở Phan Thiết, Kiên Giang, Đà Nẵng… đa phần họ đều nhập hàng từ TPHCM về bán. Đặc biệt, tại TPHCM, các quận 6, Tân Phú và huyện Bình Chánh là địa bàn làm giả Nón Sơn nhiều nhất”, ông Tý nói.

Hiện tại Nón Sơn đang khó khăn vì những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khó khăn hơn nữa khi hàng giả vẫn luôn hoành hành”, ông Tý chia sẻ.

Nói thêm về những giải pháp về để giải quyết tình trạng sản xuất hàng giả, ông Tý cho biết, hiện Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các cấp cần bổ sung thêm đội ngũ báo chí để kịp thời tuyên truyền, cập nhật thông tin các cơ sở làm hàng giả đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, các đơn vị, thương hiệu sản xuất phải cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Theo (Hoàng Hùng TTV)

Có thể bạn quan tâm