Bàng – loài cây bình dị, có mặt ở hầu khắp các con phố, đường làng, lại trở thành “chứng nhân lịch sử”, chứng kiến bao cảnh sống gian khổ và những cuộc đấu tranh hào hùng của tù chính trị Hỏa Lò năm xưa. Giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng nơi đảo xa, Di tích nhà tù Hoả Lò thực hiện trưng bày chuyên đề “Bàng ơi..”.
Với thiết kế bảng màu chủ đạo là sắc xanh – vàng, lấy cảm hứng từ những gam màu của lá bàng. Điểm nhấn trong trưng bày là những cây bàng được minh hoạ theo sắc bàng bốn mùa trong năm: Mùa xuân mơn mởn, mùa hè xanh mát, mùa thu ngả vàng, mùa đông chuyển đỏ. Trưng bày được chia làm 2 phần: Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò và Bàng ơi!
Trong phần “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò”, người dân được tìm hiểu những câu chuyện ý nghĩa về sự gắn kết giữa các cựu tù chính trị với cây bàng như: gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật của tù nhân, nơi giấu đồ tiếp tế, bánh, kẹo, thuốc lào…) từ bên ngoài vào; cành bàng rụng xuống lại được các cựu tù đẽo thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, nhạc cụ; lá bàng là nguồn dược liệu quý còn quả bàng là “thần dược”, “thuốc bổ hồi sinh”.
Nhớ lại giai đoạn khó khăn khi bị địch giam giữ trong tù, ông Nguyễn Hà Long, cựu tù chính trị cho biết: “Đã là tù thì khỏ và thiếu thốn, thiếu thốn trở thành bệnh tật. Bệnh tật đầu tiên thì có thể đi ngoài, đi kiết lỵ rồi lao, rồi rất nhiều bệnh tật. Chúng tôi cũng đã từng nếm trải rồi, với những lúc ốm đau, có cây bàng lấy được, anh em vớt được một lá bàng hay quả bàng cũng đem vào chia sẻ giúp những người ốm đau, có thể cứu cánh sống lại được”.
Không chỉ biết đến công dụng của cây bàng trong nhà tù thời ấy, người dân còn có thể hình dung những tháng ngày gian khổ và thiếu thốn của các cựu tù chính trị thông qua trưng bày “Bàng ơi”.
Bạn Phương Anh, sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền và Lưu Thuỳ Trang, sinh viên Trường Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Qua ngày trưng bày chuyên đề “Bàng ơi” mình nhận ra cây bàng không chỉ là một cây đơn thuần mà còn là một nhân chứng lịch sử đã đồng hành với người tù chính trị trong những giai đoạn khốc liệt của lịch sử Việt Nam. Việc đi tham quan chuyên đề “Bàng ơi” sẽ giúp ích rất nhiều với mình. Đây không chỉ là việc tiếp thu những kiến thức về lịch sử, dân tộc mình mà còn thấy được sự sáng tạo của anh chị nhân viên tại nhà tù Hỏa Lò khi trang trí chuyên đề này rất đẹp mắt và rất khoa học giúp chúng tôi tiếp cận thông tin chi tiết và cặn kẽ hơn, mở mang kiến thức rất nhiều”.
“Trong không khí 70 năm giải phóng thủ đô, đến với trưng bày “Bàng ơi” của nhà tù Hỏa Lò thì đầu tiên là sự tự hào, rất cảm phục ý chí tinh thần của những nhà tù chính trị. Cây bàng như người bạn tinh thần kết nối giữa những người thân với cả những người tù chính trị ở đây, như ở kia có thấy ở dưới gốc cây bàng, nơi giấu những món đồ của các nữ tù binh”.