“Vốn là người mê đọc và dịch các cuốn sách hay nên khi nghe về khái niệm VIP – First Class này, tôi chợt nảy ra ý tưởng rằng nếu sau này có mở công ty riêng thì tôi sẽ đặt tên cho nó là First News – nghĩa là Những thông tin hàng đầu, hạng sang”, ông Nguyễn Văn Phước, CEO First News – Trí Việt, chia sẻ.
Dù nền tảng của tôi là về ngành điện tử nhưng vào những ngày đầu mùa hè 1992, tôi đã có cơ hội cầm cuốn hộ chiếu có đóng dấu nhập cảnh Vương Quốc Thái Lan để theo học khoá Thạc sĩ Khoa học máy tính (Master of Computer Science) kéo dài 2 năm tại Học Viện Kỹ Thuật Châu Á – AIT. Khi ấy, để đạt được học bổng Thuỵ Sĩ – Switzeland trị giá khoảng 26.000 USD không phải là chuyện dễ dàng. Sau khi trở thành 6 trên 100 người đạt điểm thi TOEFL đúng tiêu chuẩn, tôi phải trải qua cuộc thi Kiểm tra chỉ số thông minh (Intelligent Test) khá hóc búa dù trước đó tôi đã học tiếng Nga, tiếng Pháp ở trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật. Thời điểm đó, đi học AIT ở Thái Lan được ví như du học Mỹ thời bây giờ vậy.
Chuyện chưa kể của công ty xuất bản First News
Lần đầu tiên được lên máy bay ra nước ngoài, cảm xúc của tôi rất mới lạ. Vé của tôi được sắp ngồi ở hàng ghế sát khoang Hạng Thương gia. Sau khi thắt dây an toàn, tôi nhìn quanh và bắt đầu để ý mọi thứ ở khoang trên đó có vẻ rất sang trọng: ghế ngồi rộng rãi hơn, đồ ăn thức uống cũng khác hẳn so với khoang Hạng Phổ thông (Economy) mà tôi đang ngồi. Tôi hỏi tiếp viên thì mới biết đó là khoang đặc biệt dành cho hành khách VIP – First Class.
Hồi ấy, vốn là người mê đọc và dịch các cuốn sách hay nên khi nghe về khái niệm VIP – First Class này, tôi chợt nảy ra ý tưởng rằng nếu sau này có mở công ty riêng thì tôi sẽ đặt tên cho nó là First News – nghĩa là “Những thông tin hàng đầu, hạng sang”.
Với hoài bão đó, sau khi tốt nghiệp AIT tôi đã không học tiếp Ph.D. ở Viện Risc-Linz Cộng hoà Áo mà trở về thành lập công ty xuất bản First News, tên tiếng Việt là Trí Việt, bởi lúc đó Sở Kế hoạch và Đầu tư không cho phép bất kỳ doanh nghiệp nào đặt tên bằng tiếng Anh. Tôi đã kiên định và phải mất cả tháng trời thuyết phục bằng mọi cách mới đặt được tên First News trên giấy phép theo ý tưởng từ chuyến bay đó
Quay lại với câu chuyện du học của mình, khi qua tới học viện AIT cách Bangkok 40 km, khung cảnh bình yên và rất học thuật, hoàn toàn khác biệt với sự náo nhiệt đặc trưng của Bangkok, tôi vào lớp CS92 với sinh viên quốc tế đến từ đủ các nước châu Á, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan,… Áp lực lớn nhất đối với những du học sinh như tôi là ngoại ngữ, dù đã chuẩn bị kỹ vốn tiếng Anh thông qua nhiều khoá học như New Concepts, Streamlines, TOEFL, các tài liệu tự học Reading Comprehension của Mỹ, hay nghe VOA Special English nhưng cũng rất khó để theo kịp sự giảng dạy của các Giáo sư đến từ Nhật Bản, châu Âu, châu Á, đặc biệt là Ấn Độ.
Vào lớp, giáo sư chỉ nói về các vấn đề liên quan rồi ghi lên bảng chủ đề buổi học, và vài điểm chính của bài giảng, kèm với 5-7 cuốn sách tham khảo để sinh viên có thể lên thư viện tìm đọc. Điểm thi các học kỳ là “điểm tương đối”, không phải “điểm tuyệt đối” như ở Việt Nam. Nghĩa là bài thi có 5 câu, lớp có 30 người, bạn trả lời đúng 4 câu mà 29 người khác trả lời đúng 5 câu đạt điểm A, bạn vẫn bị điểm B, nên trong lớp rất khó để mọi người chia sẻ thông tin.
Ba học kỳ đầu tiên mà điểm thấp là buộc phải về nước, nên lúc đó, tôi nhận thức đây là cuộc chơi danh dự không chỉ của cá nhân mà còn là của quốc thể nên bất kỳ sinh viên nào cũng phải tự cố gắng hết sức. Ăn tối xong là chúng tôi lên ngay thư viện, phòng Lab đọc sách, học đến 2-3 giờ sáng mới về ngủ, kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật. Cũng may, trong lớp tôi có vài người bạn đến từ Paskitan, Nepan, Miến Điện rất thông minh và quí Việt Nam, nên chúng tôi hay trao đổi và chia sẻ rất cặn kẽ về bài giảng.
Đặc biệt tôi nhớ những người bạn Trung Quốc thường chơi riêng với nhau rất cục bộ và tỏ ra khép kín chứ không thoải mái chia sẻ thông tin hay đi ăn uống với các sinh viên các quốc gia khác. Những người bạn Đài Loan thì cởi mở hơn rất nhiều. Mãi sau này tôi mới hiểu rõ văn hoá riêng của dân tộc họ là vậy.
Vô phòng thi thì chắc chắn là có làm cách nào cũng không có bất cứ ai hé lộ thông tin, hướng dẫn khi mình hỏi. Lúc đó mới thấy sự hiểu biết thực sự về ngoại ngữ ở các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là vô cùng quan trọng. Nếu trình độ không ở một mức độ nhất định nào đó thì rất khó tồn tại được với cơ chế học hành áp lực như vậy. Cũng may là khi còn ở Việt Nam tôi rất thích tiếng Anh, nên cứ cố gắng bắt chuyện với người nước ngoài, nghe nhạc tiếng Anh (sau này tôi đã xuất bản “Most Favourie English Song Book 1997” sau khi First News – Trí Việt thành lập) nên sau 2 học kỳ đầu tập trung cao độ, tôi đã trụ được ở AIT.
Ở học kỳ thứ 5, tôi hoàn thành luận án tốt nghiệp cao học loại xuất sắc với đề tài “Di chuyển vật thể dùng Toán Máy tính trong Không gian 3 chiều”. Điều hạnh phúc nhất của tôi là ở học kỳ cuối đã có thể mời Cha Mẹ lần đầu tiên rời Việt Nam qua Thái Lan ở cùng tôi một tháng để dự lễ tốt nghiệp. Đây có lẽ cũng là lần tôi trả hiếu cho cha mẹ vì đã sinh thành, nuôi dưỡng tôi khôn lớn nên khi ấy, tôi đã rất vui.
….
Tốt nghiệp AIT, vì quá nhớ Việt Nam nên tôi không học tiếp Ph.D. theo lời mời bên Áo mà trở về lập First News như dự định, từ đó mới lập nên tủ sách lan toả tư duy sống Hạt Giống Tâm Hồn và có nhân duyên tiếp cận để xuất bản bộ sách quí của GS. John Vu – Nguyên Phong, từ “Hành trình về phương Đông” đến 2 tập sách nhân quả nổi tiếng “Muôn kiếp nhân sinh”. Ngay từ đầu tôi đã rất chú trọng xuất bản các sách tự học tiếng Anh, các sách luyện thi TOEFL, GRE, GMAT, TOEIC… cho sinh viên học sinh Việt Nam. Với khả năng tiếng Anh của mình, tôi đã trực tiếp liên hệ hợp tác xuất bản với các NXB lớn ở Mỹ, châu Âu và cùng các bạn First News chọn sách, dịch thuật, biên tập ngay từ các tác phẩm nổi tiếng của Simon Schuter, Random House, Happer Collines… Ngoài xuất bản tủ sách nổi tiếng “Chicken Soup for The Soul”, First News đã tổ chức làm các cuốn sách có giá trị cao khác như “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử”, “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng Nick Vujicic”, “Hiểu về trái tim”,… và thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa về bảo vệ biển đảo, tặng sách cho các phạm nhân tại các trại giam, các bạn nhỏ tại trại mồ côi, mời các tác giả nước ngoài về Việt Nam cùng hàng trăm chương trình thiện nguyện nhân văn khác.
Tiếng Anh – Kỹ năng không thể thiếu trong thời đại hội nhập
Học tiếng Anh có nhiều cách, quan trọng nhất là cần phải có động cơ yêu thích tiếng Anh để có thể chủ động tự khám phá học hỏi hiệu quả mọi lúc mọi nơi, và tốt nhất là nên học tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Thời gian gần đây, tôi nhận thấy một số chương trình học tiếng Anh cho học sinh tiểu học do người Việt thực hiện đã có những sáng tạo hiệu quả như Edupia.
Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, thì quan trọng nhất là bạn cần có một động cơ, niềm yêu thích được học, khám phá và nói tiếng Anh lưu loát. Như những năm học cấp 3, khi đến giờ học tiếng Anh, các học sinh từ miền Bắc vào được ra ngoài chơi, không phải học, tôi cũng ra ngoài được vài lần nhưng sau đó thấy tại sao mình không cố học chung cùng các bạn trong lớp dù tiếng Anh của các bạn vượt tôi khá xa. Hiện nay, các bạn trẻ có nhiều lựa chọn để bổ trợ cho việc học ngoại ngữ nhưng theo kinh nghiệm cá nhân, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ thông dụng và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay và về sau. Sau lần đi học đó, hơn 20 năm sau, tôi được phía AITAA Việt Nam bình chọn để AIT mời về trường trao giải thưởng “Tận tâm cống hiến cho cộng đồng” cùng với cựu sinh viên ở 30 quốc gia Châu Á khác. Sự kiện này đặc biệt còn có sự tham dự của Công chúa Vương quốc Thái Lan danh tiếng Maha Chakri Sirindhorn.
Gian nan vất vả là vậy nhưng những kỷ niệm đáng nhớ ở AIT đến giờ không một ai quên được dù năm tháng có trôi qua…
Gia Vũ (Ghi)