Về trang chủ Xã hội Giáo dục Câu chuyện cuộc sống: Nghề KOL, KOC – Con đường không ‘trải hoa hồng’

Câu chuyện cuộc sống: Nghề KOL, KOC – Con đường không ‘trải hoa hồng’

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Xây dựng giá trị bản thân từ những điều nhỏ nhất; Có nên định hướng nghề nghiệp thông qua mạng xã hội; Nghề KOL, KOC – Con đường không “trải hoa hồng”.

Xây dựng giá trị bản thân từ những điều nhỏ nhất

Giá trị bản thân được xem là điều cốt lõi của một người, chúng ta hầu như ai cũng muốn phát huy và ngày càng nâng cao giá trị của bản thân để thành công hơn trong công việc và cuộc sống. Biết được giá trị bản thân sẽ khiến con đường đi đến thành công của mỗi người được rút ngắn hơn. Vậy giá trị bản thân là gì? Làm gì để nâng cao giá trị của bản thân?

Em H.P (tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Thật sự thì em cũng đang hoài nghi về điều đó, em sinh ra trong gia đình khó khăn, thành tích học tập cũng có phần yếu kém, có cố gắng nhưng không cải thiện và em không biết giá trị của mình ở đâu”.

Chị H.P (TP. HCM) chia sẻ: “Mình cũng ngoài 30, công việc chưa ổn định, mình cũng chưa lập gia đình. Mình cũng hoài nghi giá trị của mình”.

 

Chị Trần Kim Thảo (TP.HCM) chia sẻ: “Lúc trước mình cũng mơ những điều to lớn để được mọi người nhìn nhận. Rồi mình chạy theo những giá trị ảo mà đánh mất bản thân”.

TS Trịnh Viết Then (Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho biết: “Giá trị cốt lõi của một cá nhân có thể là trung thực, tôn trọng, trách nhiệm và cống hiến. Những giá trị quá thiên về cá nhân mà không tạo ra sự tốt đẹp cho mối quan hệ xã hội và cộng đồng thì sớm muộn cũng bị loại bỏ. Chính vì vậy, mỗi cá nhân xác định cho mình những cái giá trị tích cực, tốt đẹp và cốt lõi. Sau đó cần phải luôn luôn thực hành đem đến những cái giá trị cho cộng đồng và xã hội”.

Con đường đi đến thành công chưa bao giờ là dễ dàng, chính quá trình vượt qua khó khăn ấy chúng ta mới bộc lộ phẩm chất và giá trị bản thân mình. Vì vậy hãy đầu tư một cách nghiêm túc vào việc phát triển và nâng cao giá trị bản thân.

Clip Xây dựng giá trị bản thân từ những điều nhỏ nhất:
https://youtu.be/q3GMIGVjx_I

Có nên định hướng nghề nghiệp thông qua mạng xã hội?

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội dần trở thành một trong những kênh thông tin ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí là chi phối sự lựa chọn ngành nghề của các giới trẻ. Tuy nhiên điều này cũng trở thành con dao hai lưỡi bởi vì có những mặt trái mà mạng xã hội luôn tiềm ẩn. Có nhiều bạn trẻ quá phụ thuộc vào mạng xã hội để định hướng cho nghề nghiệp của chính bản thân. Vậy thì có nên thông qua mạng xã hội để định hướng nghề nghiệp cho bản thân hay không

Em Hoàng Thùy Linh (TP.HCM) chia sẻ: “Em có tìm hiểu trên mạng xã hội thì thấy mọi người cho rằng đây là một ngành nghề đang rất cần nhân lực nên là em quyết định theo đuổi ngành này và em cũng nghĩ ngành này có nhiều cơ hội để phát triển trong thời đại 4.0”.

ThS Nguyễn Tiến Lập (Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Hoa Sen) cho biết: “Sử dụng các trang mạng xã hội để cung cấp thông tin định hướng nghề nghiệp có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, nó cung cấp rất nhiều thông tin đa dạng, nhiều đối tượng khác nhau, ví dụ như thông tin từ các chuyên gia, lĩnh vực khác nhau. Tiếp theo là nó kịp thời, bất kỳ lúc nào người dùng cũng có được các thông tin cụ thể mà mình cần. Tuy nhiên khuyết điểm của thông tin mạng là chưa được kiểm chứng, có nhiều thông tin không chính xác, nó làm cho định hướng của giới trẻ bị sai lệch hơn”.

 

Anh Nguyễn Quang Huy (Phó Tổng Giám đốc Hệ sinh thái Khởi nghiệp Thực tế Dgroup Holdings) chia sẻ: “Kỹ năng đầu tiên mà các bạn trẻ nên trang bị đó chính là tính đa chiều. Trong mối quan hệ của chúng ta có rất nhiều người có thể tham vấn được, ngoài cha mẹ, phụ huynh, thì chúng ta có những người bạn. Các thông tin trên mạng xã hội nghe có vẻ logic, hợp lý nhưng đó chỉ là quan điểm riêng của họ thôi, chưa chắc là nó sẽ đúng với tất cả mọi người”.

Lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân là điều quan trọng thiết yếu, chính vì vậy những bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa của việc chọn ngành nghề phải thật sáng suốt, cân nhắc kĩ càng trong việc lựa chọn này.

Clip Có nên định hướng nghề nghiệp thông qua mạng xã hội?: https://youtu.be/1j-0f87Z_NE

Nghề KOL, KOC – Con đường không ‘trải hoa hồng’

Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, nghề KOL tức người nổi tiếng sở hữu chuyên môn và tầm ảnh hưởng nhất định trong một lĩnh vực nào đó. Họ là người trực tiếp trải nghiệm sản phẩm và đưa ra đánh giá. Nhưng liệu nghề này có dễ dàng nổi tiếng và giàu có như những gì chúng ta thường thấy hay không.

Chị Trần Thị Tuyết Mai (TP.HCM) chia sẻ: “Trước khi tôi tới với công việc KOL thì tôi nghĩ nghề này rất hào nhoáng, có nhiều cơ hội. Khi dấn thân vào làm thì khó khăn lớn nhất với mình là vấn đề truyền thông. Nếu khách hàng đang gặp phải vấn đề về sản phẩm mình đang quảng bá thì việc xử lý khủng hoảng cũng rất quan trọng”.

Chị Nguyễn Thị Đỗ Quyên (Tiktok KOC All – in – on) chia sẻ: “Trước khi mình đưa sản phẩm ra thì bản thân mình phải trải nghiệm nó thật nhiều. Thời gian vàng của sản phẩm này là trong mùa hè, nhưng không thể nào giữ mãi được cái đỉnh điểm như thế này mãi được. Cái khó khăn ở đây chính là làm sao mình đẩy năng lượng của mình lên để mình tiếp cận khách hàng, tiếp cận những người yêu quý mình ở trên những nền tảng”.

Thạc sĩ Đặng Tuấn Tiến chia sẻ: “Rất nhiều bạn cho rằng nghề KOC là một nghề nổi tiếng nhanh, có nhiều tiền trong thời gian ngắn. Chỉ cần một clip thôi viral thì sẽ được nổi tiếng, đăng bài là có tiền, hoặc cho rằng nghề này không phải học nhiều, chỉ cần làm theo xu hướng, bắt trend là được”.

Ông Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp) cho biết: “Những video clip, những chia sẻ của các KOC thổi phồng quá khiến các bạn cảm thấy đây là một cơ hội rất tốt, có tâm lý đây là việc nhẹ lương cao, muốn làm buổi sáng là buổi chiều có được kết quả liền, rồi muốn làm nhanh thật nhanh để thành công nhanh. Khi các bạn không đạt được mục tiêu, các bạn mất đi niềm tin vào chính bản thân mình, buồn rầu, lo âu, không muốn làm gì cả”.

Để thành công, chúng ta cần hiểu rõ bản thân, phải thật sự kiên trì. Ngoài ra chúng ta cần được trang bị kiến thức kỹ năng và cả sự tỉnh táo trước những hào nhoáng của sự nổi tiếng, đồng thời cần biết cách xây dựng hình ảnh chân thực để có thể gắn bó lâu dài với nghề.

 

Clip Nghề KOL, KOC – Con đường không ‘trải hoa hồng’:
https://youtu.be/fuVrJ20Vyfg

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

 

Gia Huy  (Theo TTV)

 

Có thể bạn quan tâm