Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Khoảng trống tình thương của trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa; Có nên nghỉ việc vì muốn tìm cơ hội mới?; Một trải nghiệm là một bài học.
Khoảng trống tình thương của trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa
Vì áp lực mưu sinh, nhiều bậc cha mẹ buộc phải gửi con nhỏ cho người thân chăm sóc để đi làm ăn xa. Trong nhiều trường hợp, dù kinh tế gia đình có cải thiện, nhưng vẫn tồn tại một khoảng trống về tình thương. Nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng vòng tay của cha mẹ, thiếu đi những lời dạy dỗ, quan tâm… khiến tâm lý dễ tổn thương và thiếu sự kết nối với gia đình.
Em Trần Quốc Minh (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Nhiều lúc thấy bạn bè có cha mẹ đưa đón thì em rất buồn, nhưng em cũng hiểu ba mẹ phải đi làm ăn xa để kiếm tiền nuôi anh em tụi em ăn học, nên em phải cố gắng học”.
Em Nguyễn Tường Vy (tỉnh Bến Tre) nói: “Ba mẹ em đi làm ở Bình Dương được 5 năm rồi. Tuy em rất nhớ ba mẹ, nhưng em phải chịu đựng vì ba mẹ đi làm để kiếm tiền. Em rất muốn có được một bữa cơm gia đình”.
Chị Nguyễn Ngọc Thy (tỉnh Bến Tre), một phụ huynh đi làm ăn xa tâm sự: “Làm cha làm mẹ, ai cũng muốn được gần con, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, mình buộc phải đi làm xa. Mỗi khi gọi điện về thăm con, lúc nào con cũng hỏi ‘Khi nào ba mẹ về?’ nghe vậy lòng mình đau lắm”.
Anh T.L.K (tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Dù thương con đến đâu, khi cha mẹ không ở gần thì cũng không thể theo sát và uốn nắn con kịp thời. Nhiều lần con ham chơi, không lo học hành, khiến tình trạng học tập sa sút. Cuối cùng, vợ tôi phải về quê để chăm sóc con. Vì vậy, khi đi làm ăn xa để con ở nhà là điều rất khó khăn”
Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên (Tiến sĩ Tâm lý học) chia sẻ: “Cha mẹ cứ mãi bận rộn với công việc, cơm áo gạo tiền, dẫn đến ít trò chuyện và trao đổi với con cái. Dần dần, bầu không khí gia đình trở nên lạnh lẽo và có nguy cơ rạn nứt. Chúng ta không nên ngụy biện rằng vì bận rộn hay áp lực mà không thể thay đổi. Trên hết, cần đặt sự gắn bó, yêu thương và trách nhiệm lên hàng đầu — cho chính mình và từng thành viên trong gia đình”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu (Chuyên gia Tâm lý) nhận định: “Khi cha mẹ quyết định để con lại cho ông bà hoặc người thân chăm sóc, họ cũng cần tính đến việc đáp ứng các nhu cầu chính đáng của con như thế nào. Trong nhiều hoàn cảnh, việc gửi con cho ông bà là lựa chọn tốt nhất mà cha mẹ có được tại thời điểm đó, là cách họ dành điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, trong tình huống này, việc giải thích rõ ràng và thường xuyên là điều rất quan trọng”.
Để con cảm nhận được tình yêu thương dù cha mẹ đi làm ăn xa, điều cần thiết là phải duy trì sự kết nối và quan tâm thường xuyên. Dù bận rộn đến mấy, cha mẹ cũng nên gọi điện mỗi ngày để hỏi han con. Những món quà nhỏ, những lời yêu thương cũng có thể giúp con cảm thấy được quan tâm. Khi có dịp về thăm nhà, cha mẹ nên ưu tiên dành thời gian chất lượng bên con. Quan trọng hơn hết, là cha mẹ cần luôn lắng nghe, động viên và an ủi để con hiểu rằng tình yêu thương của ba mẹ vẫn luôn ở bên con, dù ở bất kỳ đâu.
Clip Khoảng trống tình thương của trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa:
https://www.youtube.com/watch?v=Hu7CQ1UqqWs
Có nên nghỉ việc vì muốn tìm cơ hội mới?
Trong cuộc sống hiện đại, khi cơ hội nghề nghiệp không ngừng thay đổi và những thử thách ngày càng đa dạng, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Có nên nghỉ việc để tìm cơ hội mới hay không?”. Đây là một quyết định không hề dễ dàng, bởi mỗi bước đi đều có thể làm thay đổi cả sự nghiệp và tương lai. Liệu việc rời bỏ công việc hiện tại để bước vào một hành trình mới có phải là lựa chọn sáng suốt hay là một sự mạo hiểm?
Chị Hồ Mỹ Duyên (Quận 2, TP. HCM) chia sẻ: “Mình cảm thấy bản thân đang bị chững lại, muốn phát triển ở vị trí cao hơn, có cơ hội bứt phá mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều khiến mình lo lắng là không biết công việc mới liệu có phù hợp với bản thân hay không”.
Chị Nguyễn Lan Anh (Quận 3, TP. HCM) nói: “Tôi vẫn mong muốn tìm được một công việc mới để có thể phát huy những ý tưởng sáng tạo của mình. Tuy nhiên, tôi cũng không phủ nhận rằng sự ổn định và mức lương hàng tháng là rất quan trọng. Hiện tại, tôi khá lo sợ nếu thay đổi công việc mà chưa tìm được chỗ làm mới, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước mắt”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM) nhận định: “Việc nhảy việc trước hết là một cơ hội để chúng ta phát triển bản thân. Tuy vậy, khi bắt đầu một công việc mới, bạn sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức. Trước tiên là khó khăn về tài chính nếu không còn nguồn thu nhập ổn định như trước. Thứ hai là yêu cầu về trình độ chuyên môn và đặc biệt là kỹ năng mềm – những yếu tố cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi quyết định chuyển việc. Nếu bạn vượt qua được những rào cản này thì nhảy việc sẽ không còn là thách thức, mà là cơ hội”.
Ông Nguyễn Kim Quân (Trưởng phòng Tuyển dụng Cấp cao, Công ty HR2B) chia sẻ: “Việc chuyển việc nên được cân nhắc kỹ lưỡng, tùy theo đặc thù công việc. Ví dụ như trong các lĩnh vực marketing, digital, sáng tạo hay thiết kế, ứng viên có thể tận dụng khả năng cá nhân để tạo dấu ấn trong hồ sơ dù có sự thay đổi công việc liên tục. Tuy nhiên, người lao động cần xác định rõ ba yếu tố: Tại sao mình lại muốn chuyển việc ở thời điểm này? Môi trường doanh nghiệp mới có phù hợp với mong muốn của bản thân không? Bản thân có đủ năng lực để đáp ứng kỳ vọng và tạo giá trị trong tổ chức mới hay không?”.
Mỗi người sẽ có những lý do và dự tính riêng. Điều quan trọng là trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc, chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, tài chính và năng lực chuyên môn. Cơ hội mới có thể mang đến nhiều thách thức, nhưng nếu quyết định được đưa ra một cách cân nhắc và thấu đáo, thì đó có thể là bước ngoặt tích cực trong sự nghiệp.
Clip Có nên nghỉ việc vì muốn tìm cơ hội mới?: https://www.youtube.com/watch?v=6uBQh0lRYlc
Một trải nghiệm là một bài học
Mỗi trải nghiệm đều mang đến cho chúng ta một bài học quý giá – dù là thành công hay thất bại, tất cả đều giúp ta học hỏi và trưởng thành. Mỗi nơi ta đi qua, mỗi người ta gặp, mỗi việc ta làm đều để lại những suy nghĩ và bài học nhất định. Trải nghiệm chính là hành trang giúp mỗi người ngày càng hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
Em Trần Ngọc Anh (TP. HCM) chia sẻ: “Em vốn là người rất nhút nhát. Sau những giờ học, em cùng nhóm bạn tham gia câu lạc bộ Công tác xã hội của Khoa Anh – Trường Đại học Sư phạm. Những trải nghiệm tại đây đã giúp em cải thiện bản thân rất nhiều: từ kỹ năng giao tiếp, khả năng quản lý đến chuyên môn thiết kế. Những gì em học được từ câu lạc bộ thật sự rất hữu ích trong cuộc sống”.
Chị Nguyễn Thị Yến Ngọc (tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Sau một thời gian dài làm nhân viên tại công ty, mình đã thực sự tìm thấy niềm đam mê của bản thân – dù công việc hiện tại là trái ngành. Ban đầu, mọi thứ rất khó khăn, mình phải học từ cơ bản đến nâng cao đến mức nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng mình luôn tin rằng mỗi trải nghiệm đều mang lại những bài học vô giá, vì vậy mình quyết tâm cố gắng đến cùng”.
Em Lê An (TP. HCM) chia sẻ: “Bên cạnh việc học, những hoạt động ngoại khóa và các hoạt động bên ngoài lớp học là những trải nghiệm vô cùng quý giá. Chúng không chỉ giúp ích cho cuộc sống cá nhân mà còn tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội”.
TS Trịnh Viết Then (Trưởng Bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) nhấn mạnh: “Khi tham gia vào một hoạt động nào đó, nếu chúng ta có tri thức và kinh nghiệm, thì kết quả mang lại sẽ rất tích cực. Trải nghiệm giúp ta rút ngắn quá trình phát triển kỹ năng, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả. Những hoạt động trong đời sống chính là hành trang quý báu hỗ trợ chúng ta thuận lợi hơn trong hành trình phát triển bản thân”.
ThS Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Kỹ năng sống) cho biết: “Để trải nghiệm mang lại hiệu quả, trước hết chúng ta cần có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Khi có kế hoạch, ta sẽ có cái nhìn tổng quan và xác định được hướng đi đúng đắn cho trải nghiệm đó.
Thứ hai, cần chủ động tham gia và nỗ lực không ngừng. Khi ấy, ta sẽ nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để từ đó phát triển toàn diện hơn. Thứ ba, hãy quan sát và đánh giá các yếu tố xung quanh để kịp thời điều chỉnh kế hoạch khi có vấn đề phát sinh”.
Trải nghiệm là một phần thiết yếu của cuộc sống, bởi mỗi lần thử sức là một lần học hỏi và tiến bộ. Vì vậy, hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, dám trải nghiệm để khám phá giới hạn và phát huy hết tiềm năng bản thân. Quan trọng hơn cả, là sau mỗi trải nghiệm, ta biết đúc kết bài học cho riêng mình để không ngừng hoàn thiện trong tương lai.
Clip Một trải nghiệm là một bài học: https://www.youtube.com/watch?v=S9HvjN1GXqw
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Gia Anh (theo TTV)