Về trang chủ Chưa được phân loại Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Chỉ dừng ở số lượng là chưa đủ

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Chỉ dừng ở số lượng là chưa đủ

3.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc sửa đổi, nhưng có trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, thậm chí là “bỏ cũ thêm mới”…

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, danh mục 26 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được đề nghị bãi bỏ tại Dự thảo này được giới chuyên gia đánh giá cao. Nhưng có quan điểm rằng, những đề xuất này thể hiện rõ sự thay đổi trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Có ý kiến khẳng định, hàng loạt điều kiện kinh doanh cần được bãi bỏ mà không cần tranh cãi.

Nhìn lại năm 2018 – được coi là năm của cải cách điều kiện kinh doanh, tính đến cuối năm qua, đã có 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 Nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành -với hơn 50% số điều kiện, tương ứng hơn 3.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc sửa đổi, thay thế. Cùng với đơn giản hóa các thủ tục hành chính, việc cắt giảm bớt, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết đã giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, được cộng đồng đánh giá cao.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh có trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức. (Ảnh: VnEconomy)

Tuy nhiên, số liệu tại “Dòng chảy pháp luật kinh doanh” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, vẫn còn những trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, thậm chí là “bỏ cũ thêm mới”… dẫn đến chất lượng chưa được như kỳ vọng.

Câu hỏi của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, liệu chúng ta có nên tiếp tục kiến nghị cắt giảm đi 50% hay là một tỷ lệ nào đó số điều kiện kinh doanh nữa hay không? Câu hỏi thật đáng suy ngẫm, cho dù lý do ngay sau đó đã được ông đưa ra “bởi vì nhiều khi số lượng bãi bỏ chưa nói lên được gì nhiều”…

Còn ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ví dụ, Nghị định 107 (ban hành vào tháng 8 năm 2018) thay thế cho Nghị định số 109 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo “cho dù Nghị định mới đã tháo gỡ, đơn giản hóa khá nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, nhưng nhiều rào cản không cần thiết vẫn còn”. Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch Đầu tư mạnh dạn đưa “xuất khẩu gạo” vào danh mục 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần cắt giảm.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, nhiều ngành nghề khác trong danh mục này cũng được viện dẫn lý do cắt giảm ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện – là bởi – “đã được quy định cụ thể tại các văn bản Luật, có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng rồi, không cần phải áp thêm pháp luật về điều kiện kinh doanh nữa”!

Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm 2019 đã nhấn mạnh việc “Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018”.

Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành phải “rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi… Đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện trong năm 2018…”.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư – trong quý 4 năm 2019. Điều 33 của Hiến pháp đã minh định rằng: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Quyền của doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” cũng được quy định rất rõ tại Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Vì vậy, cắt giảm đi những “điều kiện” không còn phù hợp là yêu cầu đặt ra và buộc phải thực hiện, để không chỉ dỡ bỏ những rào cản gây khó cho doanh nghiệp mà còn là tôn trọng và tuân thủ trong thực thi pháp luật của Nhà nước.
Theo VOV

Condotel: 6 câu hỏi cần giải đáp trước khi quyết định đầu tư

Condotel: 6 câu hỏi cần giải đáp trước khi quyết định đầu tư

Condotel: 6 câu hỏi cần giải đáp trước khi quyết định đầu tư

Tổng bí thư-Chủ tịch nước: Gửi thư tới Thượng hoàng Nhật Bản Akihito

Có thể bạn quan tâm