Về trang chủ Chưa được phân loại Cắt giảm điều kiện kinh doanh cần thực chất hơn

Cắt giảm điều kiện kinh doanh cần thực chất hơn

Năm 2019 là năm bản lề quan trọng của doanh nghiệp, việc cắt giảm thủ tục kinh doanh, thủ tục hành chính, cần được thực hiện triệt để hơn, thực chất hơn.

Doanh nghiệp vẫn khổ vì điều kiện kinh doanh
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, thuộc các lĩnh vực: Giao thông vận tải, xây dựng, lao động, tài nguyên môi trường, công thương, nông nghiệp… Mặc dù hầu hết các bộ ngành đều thực hiện nhiệm vụ này và có những con số cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng.

Theo kết quả điều tra PCI 2017, tình trạng giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến. Có tới 58% doanh nghiệp phản hồi vẫn phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

Để hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, doanh nghiệp cần có môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở hơn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về tình trạng bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên/năm vẫn chiếm gần 40%. Điều đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành. Các cơ quan chức năng vẫn đi riêng, kiểm tra riêng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian…

Anh Trần Hữu Tín, chủ một doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ Hữu Tín trên địa bàn Hà Nội cho hay, doanh nghiệp hoạt động được 5 năm thì trung bình mỗi năm anh phải tiếp 3-4 đoàn kiểm tra. Mỗi lần như vậy, ngoài việc mất thời gian tiếp đoàn, anh còn phải mất chi phí “quà cáp”. Với tần suất kiểm tra khá “dày”, bản thân anh rất bức xúc và mệt mỏi.

Có chung tình trạng như vậy, chị Phạm Thị Hồng, chủ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh kẹo ở quận Long Biên chia sẻ: Hàng năm, doanh nghiệp của chị phải tiếp ít nhất 3 đoàn kiểm tra với cùng nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua thông tin trên các phương tiện truyền thông, chị Hồng cũng biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhưng tình trạng này vẫn diễn ra tại doanh nghiệp của chị nói riêng và nhiều doanh nghiệp khác nói chung…

Ngoài ra, thủ tục hành chính vẫn rườm rà, thiếu minh bạch, thái độ của công chức chưa đúng mực, thiếu khách quan… khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh cũng là vấn đề gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Đưa ra đánh giá về cải cách hành chính trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, kết quả cải cách thực chất không nhiều, chiếm khoảng 40% và con số này vẫn cao hơn so với thực tế:

“Quá trình cải cách còn chậm làm tốn quá nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Chỉ riêng Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, khi ban hành, có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí được 3.700 tỷ đồng/năm, nhưng sau 5 năm mới thay đổi, tính ra quá chậm chạp và gây lãng phí rất lớn”.

Cần thực chất hơn
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã có 542 ĐKKD được sửa đổi, 771 ĐKKD được bãi bỏ, 111 ĐKKD được thay thế. Trung bình khoảng hơn 30% số ĐKKD đã được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Rút ngắn yêu cầu về thời gian. Giảm các yêu cầu về số lượng. Cắt bỏ và đơn giản hóa ĐKKD về địa điểm và cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, nhiều nội dung sửa đổi ĐKKD với mục đích tránh gây sự chú ý, chứ không phải thực chất, mức độ cải thiện về môi trường kinh doanh, chỉ đạt 40-50%. Rất ít doanh nghiệp đánh giá mức độ cải thiện đạt 70-80% và hầu như không có doanh nghiệp nào đánh giá các cải thiện đạt 90-100%.

Theo VCCI, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn nằm ở vị trí 123/190 quốc gia. Đây là điểm rất đáng lo ngại. Việt Nam cần một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, năm 2019 là năm bản lề và rất quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 10, Nghị quyết 35 của Chính phủ đều đặt ra mục tiêu đến 2020 Việt Nam phải có được 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tốc độ thành lập doanh nghiệp mới chưa nhanh như kỳ vọng đang là thách thức rất lớn đối với mục tiêu này.

Theo ông Tuấn, hơn bao giờ hết, việc cắt giảm thủ tục kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp cần phải được thực hiện triệt để hơn, thực chất hơn. Có như vậy rào cản về giấy tờ, thuế, phí, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mới được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và vươn tới mục tiêu cao cả mà Chính phủ đề ra.

Năm 2018 đã qua đi, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp của Chính phủ trong năm 2018. Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần sự nỗ lực hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. Rất nhiều cải cách đã được đưa ra nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có thể tác động trực tiếp tới doanh nghiệp.

Đưa ra khuyến nghị trong việc cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

“Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo, bắt buộc các Bộ, ngành phải kết nối qua Cơ chế một cửa quốc gia; Đồng thời, cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về đăng ký kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi”, ông Nguyễn Đình Cung cho biết.
Theo VOV

Sản xuất nông sản sạch: Để “người sản xuất tử tế” không bị thua thiệt

Nam Phi: 1.800 công nhân mắc kẹt dưới mỏ bạch kim, chưa thể giải cứu

Bất động sản nghỉ dưỡng: Bùng nổ nguồn cung, có khủng hoảng thừa ?

Trung Quốc: Sẽ phát hành phiên bản mới của đồng nhân dân tệ

Có thể bạn quan tâm