Chương trình nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, góp phần đưa Đề án 06 của Chính phủ thiết thực hơn với đời sống của nhân dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đăng ký quản lý cư trú và chia sẻ sự vất vả, hy sinh của các cán bộ tại trung tâm.
Có mặt từ sáng sớm để thực hiện thủ tục, ông Phạm Văn Quất cho biết, ông được lực lượng công an được giúp đỡ, hướng dẫn chi tiết, tận tình.
Ông Quất rất vui mừng khi sắp có thẻ căn cước: “Nếu có được giấy tờ ở đây, nhất là căn cước sẽ thể hiện được mình là một người dân trong một đất nước độc lập tự do. Mình có mã số định danh cá nhân rất tiện cho các công việc và làm giấy tờ sau này”.
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu – Đội trưởng Đội 2 (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) – Công an TP.HCM) cho hay, những người có hoàn cảnh đặc biệt thường không chỉ gặp khó khăn khi di chuyển mà còn những trường hợp không có người chăm sóc, nuôi dưỡng, thậm chí có những người không giấy tờ tùy thân.
Bởi vậy, quá trình thu thập thông tin cơ bản của người những người có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều trở ngại. Lực lượng chức năng quyết tâm hoàn thành việc cấp thẻ căn cước để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Sau 1 năm triển khai thu thập thông tin dân cư phục vụ công tác xác minh thông tin, đến nay, công an TP đã hoàn thành cấp giấy khai sinh, căn cước công dân cho hơn 2.000 nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn.
“Chúng tôi thực hiện mọi biện pháp phối hợp với lực lượng công an trong và ngoài TP.HCM cũng như lực lượng tư pháp để lấy được thông tin tư pháp, hỗ trợ để cấp giấy khai sinh. Sau đó công an TP tiến hành thu thập thông tin dân cư. Đến thời điểm này, khi Luật căn cước 2023 có hiệu lực thì những người dân nếu không có chỗ ở thường trú, tạm trú thì vẫn được cấp căn cước”- Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu nói.
Thời gian tới, công an TP.HCM sẽ tiếp tục cùng các đơn vị có liên quan tổ chức cấp thẻ căn cước đối với các nhân khẩu đặc biệt đang cư trú tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ khác trên địa bàn.