Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 800.000 ca tự tử. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm hơn 26% và trẻ cố gắng tự tử lên đến gần 6%. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tới nay hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ có rất ít cơ sở chuyên khoa dành riêng cho sức khỏe vị thành niên.
Khoảng trống về chăm sóc sức khỏe tâm thần của lứa tuổi vị thành niên hiện nay là gì? Cần những chính sách nào để khắc phục. Đó cũng chính là chủ đề của chuyên mục Vấn đề chính sách với khách mời là PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Chuyên gia tâm lý thanh thiếu niên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo báo cáo của UNICEF, đại dịch COVID-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo số liệu ước tính cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.
Tại Việt Nam, hiện có tới 13,5 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Riêng với trẻ vị thành niên, một khảo sát về sức khỏe tâm thần mới đây nhất của Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ sàng lọc trầm cảm là 26%, stress là 33% và có rối loạn lo âu tới 38%.
Con số này thực sự rất đáng lưu tâm. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, để khám tâm lý trẻ phải xếp lịch chờ một tháng. Nguyên nhân là do số trẻ cần khám tăng cao trong khi các chuyên gia hạn chế, thời gian khám lại thường kéo dài.