Theo kết quả nghiên cứu của CBRE, tính đến cuối quý III/2018 đã có 90% căn hộ condotel đã được tiêu thụ. Sắp tới là thời điểm bàn giao căn hộ, dự báo sẽ có một số tranh chấp có thể xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp.
Ngành du lịch tăng trưởng tốt, condotel hút hàng
Trí Thức Trẻ dẫn nhận định của CBRE, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế bình quân đạt 27% trong 2 năm vừa qua, nằm trong những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á.
Đà tăng trưởng ấn tượng vừa rồi được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng, sự phổ biến của những hãng hàng không giá rẻ (như VietJet, AirAsia…), chương trình đăng ký thị thực điện tử cho 40 quốc gia và miễn thị thực cho 5 quốc gia Châu Âu, tiêu dùng nội địa và những động thái của Chính phủ nhằm khuyến khích và thúc đẩy nền du lịch quốc gia.
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư hấp dẫn và là một sản phẩm thể hiện phong cách sống của tầng lớp khá giả trong những năm gần đây. Bất chấp việc nguồn cung tăng mạnh tại các phân khúc khác nhau trên cả nước, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt.
Theo thống kê của CBRE, hiện nay nguồn cung căn hộ nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang ở mức trên 30.000 căn hộ, trong đó tỷ lệ hấp thụ đạt trên 90%. So sánh những điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á (như Phuket), tổng số sản phẩm của bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn còn thấp và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rất lớn.
Dồn dập ra hàng, dồn dập bàn giao = Cạnh tranh khốc liệt
Nhiều chủ đầu tư cũng có cái nhìn lạc quan về tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Lê Minh Dũng -Phó giám đốc điều hành BIM Group, cho biết “Tổ chức Du lịch Thế giới vừa qua đã xếp Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất trên thế giới, và du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về lượng và chất. Chúng tôi nhìn thấy tín hiệu tích cực về thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và các điểm đến mới như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt, Quảng Bình, Sapa, Ninh Thuận, Hải Phòng”.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cảnh báo một lượng lớn các sản phẩm sẽ sớm được bàn giao và sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn với các nhà đầu tư cho thuê. Các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng chiến lược marketing và chính sách bán hàng phù hợp nhằm tăng sức hút của sản phẩm đối với khách hàng, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo tính bền vững trong mô hình kinh doanh của họ.
“Mặc dù các chương trình cam kết lợi nhuận gần đây được xem là một trong những công cụ bán hàng hiệu quả để thu hút giới người mua, các chủ đầu tư đang thể hiện sự cẩn trọng trong việc áp dụng các chương trình này”, đại diện Bimgroup cho biết.
Còn theo ông Robert McIntosh -Giám Đốc Điều Hành của CBRE Hotels Châu Á-Thái Bình Dương, một số tranh chấp đã xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư về hiệu quả lợi nhuận của các chương trình tương tự ở các thị trường phát triển hơn như ở Thái Lan và Úc. Các dự án có chất lượng tốt, được xây tại vị trí phù hợp, có tiềm năng hút khách du lịch khi đi vào hoạt động thì khả năng thu hút khách sẽ vẫn cao nếu không có các chương trình này.
Căn hộ condotel: Cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng đừng lơ là trước những cạm bẫy
“Song song đó, các yếu tố kích cầu vĩ mô vẫn khả quan kết hợp với chiến lược marketing phù hợp của các chủ đầu tư, và sự đa dạng hóa trong sản phẩm của các dự án sẽ giúp duy trì được sự tăng trưởng cho thị trường bất động nghỉ dưỡng Việt Nam”, ông Robert McIntosh nhấn mạnh.
Trước đó, ông Lee Pearce -đại diện Tập đoàn Accor Hotel cũng từng cảnh báo, loại hình condotel là tích cực, bùng nổ tại Mỹ những năm 2002 đến năm 2006. Tuy nhiên người mua cũng cần ý thức được một số cạm bẫy từng xảy ra trong lịch sử để tránh rủi ro.
Theo ông Lee Pearce, cạm bẫy đầu tiên là không ít chủ đầu tư condotel chỉ tập trung vào việc “kiếm được tiền rồi chạy”. Ông lý giải, chủ đầu tư dạng này chỉ tập trung tính chuyện huy động được vốn, xây dựng công trình và bàn giao cho đơn vị quản lý, nhưng khi dự án đi vào vận hành không đáp ứng đầy đủ những hứa hẹn cam kết với khách hàng.
Bên cạnh đó là những rủi ro do chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, dư thừa nguồn cung hoặc không nghiên cứu kỹ thị trường. Về pháp lý, Cafeland cho biết, hiện luật chưa nêu cụ thể định nghĩa condotel là gì, do chưa quy định rõ ràng khiến việc kinh doanh mua bán trong thực tế gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do ở “lửng lơ” giữa chức năng ở và lưu trú thương mại nên nhiều người mua dễ nhầm lẫn condotel là nhà ở dân cư hay căn hộ chung cư.
“Có thể khi nghiên cứu, chủ đầu tư tính toán giá thuê khoảng 400USD, nhưng thực tế giá thị trường chỉ bằng một nửa dẫn đến đổ vỡ tài chính. Tuy tình trạng này cũng không phải xảy ra với tất cả các chủ đầu tư, song ông Lee Pearce cho rằng cơ quan quản lý cần phải có biện pháp khắc phục những điểm bất lợi đó một cách càng sớm càng tốt”, vị này nhấn mạnh.
Ngọc Champa (tổng hợp)