Về trang chủ Chưa được phân loại Cải cách điều kiện kinh doanh: Thành công và tồn tại

Cải cách điều kiện kinh doanh: Thành công và tồn tại

Năm 2019, Nghị quyết 02 của Chính phủ về việc thực hiện giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành đã nhấn mạnh: “Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; Thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018”.

Năm 2018: Năm cải cách điều kiện kinh doanh
Năm 2018 được coi là năm của cải cách điều kiện kinh doanh. 25 Nghị định về sửa đổi-cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, góp phần sửa đổi cho 80 Nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ-ngành với hơn 50% số điều kiện, tương ứng hơn 3.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc sửa đổi, thay thế. Việc cắt giảm, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết đã giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN).

Để đánh giá kết quả đạt được, Nghị quyết 02 yêu cầu các bộ-ngành phải “rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi… Đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với DN của những cải cách, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ-ngành thực hiện trong năm 2018”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa “xuất khẩu gạo” vào danh mục 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần cắt giảm.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Điều 33 của Hiến pháp đã nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Điều này lần nữa được thể hiện tại Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Vì vậy, cắt giảm đi những “điều kiện” không còn phù hợp là yêu cầu đặt ra và buộc phải thực hiện, để không chỉ dỡ bỏ những rào cản gây khó cho DN, mà còn là tôn trọng và tuân thủ trong thực thi pháp luật.

Theo nội dung thể hiện trong “Dòng chảy pháp luật kinh doanh” của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, vẫn còn những trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, thậm chí là “bỏ cũ thêm mới”… dẫn đến chất lượng chưa được như kỳ vọng. Ông Phan Đức Hiếu -Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), băn khoăn:  Chúng ta có nên tiếp tục kiến nghị cắt giảm đi 50% hay là một tỷ lệ nào đó nữa hay không, vì nhiều khi số lượng chưa nói lên được gì nhiều.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi-bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, danh mục 26 ngành nghề đầu tư-kinh doanh có điều kiện được đề nghị bãi bỏ được giới chuyên gia đánh giá cao. Ông Đậu Anh Tuấn -Trưởng ban Pháp chế VCCI, nêu đánh giá: Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư mạnh dạn đưa “xuất khẩu gạo” vào danh mục 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần cắt giảm là rất hay.

Tuy nhiên, Nghị định 107 (ban hành tháng 8/2018) thay thế cho Nghị định số 109 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho dù đã tháo gỡ, đơn giản hóa khá nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, nhưng nhiều rào cản không cần thiết vẫn còn.

Cán bộ chuyển và quên, doanh nghiệp lãnh đủ
Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM ghi nhận: “Nhiều thủ tục, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thường có động tác hỏi ý kiến cấp trên hoặc hỏi các sở, ban ngành khác trước khi giải quyết hoặc trình lên cấp trên. Đây được xem là hình thức chia trách nhiệm cho người khác và quy trình này thường kéo dài 5-10 ngày. Một số thủ tục cần Hội đồng thẩm định liên ngành thì mất rất nhiều thời gian”.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện có khoảng 178.000 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, có 337 văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành và 804 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ. Với số lượng văn bản khổng lồ như vậy, không  ai có thể nhớ hết nội dung văn bản nên nhiều cán bộ quản lý “có quyền” được “quên”, và thường quên theo hướng bất lợi cho DN.

Theo VCCI, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người thấp nhất thế giới, chỉ số khởi sự kinh doanh nằm ở vị trí 123/190 quốc gia. Việt Nam cần một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các DN dễ dàng gia nhập thị trường. Ông Nguyễn Quốc Anh -Chủ tịch Hội cao su-nhựa TP.HCM, nêu cụ thể: “Năm 2016, TP.HCM có khoảng 110 DN khởi nghiệp đăng ký giấy phép nhưng chỉ có 40% DN được đăng ký. Các DN sản xuất xin giấy phép xây dựng nhà xưởng, văn phòng cũng phải qua rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian”.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, năm 2019 là năm bản lề rất quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 10, Nghị quyết 35 của Chính phủ đều đặt ra mục tiêu đến 2020 Việt Nam phải có được 1 triệu DN. Với tốc độ thành lập DN mới chưa nhanh như kỳ vọng đang là thách thức rất lớn đối với mục tiêu này.

Việc cắt giảm thủ tục kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho DN cần phải được thực hiện triệt để hơn, thực chất hơn. Có như vậy rào cản về giấy tờ, thuế, phí, thanh tra, kiểm tra… mới được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho DN phát triển và vươn tới mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Góp ý việc cải cách môi trường kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung -Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, nêu rõ: Chuyển đổi cách thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Xóa bỏ tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Các bộ-ngành phải kết nối qua Cơ chế một cửa quốc gia. Bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về đăng ký kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn

Sản xuất nông sản sạch: Để “người sản xuất tử tế” không bị thua thiệt

Trịnh Sướng: 19,5 triệu lít xăng giả ra thị trường, nhiều câu hỏi chờ lời đáp

Chia sẻ kinh nghiệm chế biến sản phẩm nhãn-vải

Có thể bạn quan tâm