Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra tại nhiều quốc gia phát triển với rất nhiều điều hứa hẹn. Tuy nhiên, nó cũng mang lại vô vàn những khó khăn và thách thức.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì?
Cuộc CMCN đầu tiên trên thế giới diễn ra vào thế kỷ 18, khi những người công nhân sử dụng hơi nước và máy móc trong sản xuất để thay cho sức người.
Sau đó là điện ra đời, được sử dụng trong dây chuyên sản xuất và các mô hình sản xuất quy mô lớn, là khởi nguồn của cuộc cách mạng thứ 2.
Vào những năm 1970 là khi máy tính ra đời, điều này tạo ra một loạt thay đổi trong cách con người xử lý thông tin, tự động hoá bằng robot, đây chính là cuộc cách mạng thứ 3.
Hiện tại, chúng ta đang tham gia vào cuộc CMCN lần thứ 4, hay còn gọi là CMCN 4.0 (Industry 4.0). Cuộc cách mạng này tạo ra môi trường mà máy tính, tự động hoá và con người sẽ làm việc cùng nhau theo những cách thức hoàn toàn mới. Tại đây, robot và các loại máy móc sẽ được kết nối vào những hệ thống máy tính, những hệ thống này sẽ sử dụng các thuật toán để điều khiển mà không cần sự can thiệp của con người.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra như thế nào?
CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.
Trong lĩnh vực Kỹ thuật số, những yếu tố cốt lõi sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối-Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, CMCN 4.0 tập trung nghiên cứu để tạo ra những đột phá trong nông nghiệp, thuỷ sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng hoá tái tạo, hoá học và vật liệu, cùng lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano.
Hiện tại, CMCN 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, trong quá trình thực hiện CMCN 4.0, các quốc gia cũng phải đối mặt với không ít những rào cản.
Cơ hội và thách thức khi thực hiện CMCN 4.0
Áp dụng những đổi mới về công nghệ sẽ giúp quá trình sản xuất nhanh hơn, tốn ít sức người và dữ liệu được thu thập đầy đủ hơn. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo do kiểm soát được từ khâu nguyên vật liệu cho đến khi thành hình và chuyển đến tay người tiêu dùng. Hơn nữa, con người sẽ không phải trực tiếp làm việc ở những môi trường làm việc nguy hiểm, giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật trong quá trình lao động.
Tuy nhiên, nhiều lao động sẽ mất việc làm do bị máy móc thay thế. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của công việc. Điều này có thể dẫn tới sự bất bình đẳng, thậm chí là phá vỡ thị trường lao động. Ngoài ra, CMCN 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi. Muốn tồn tại và phát triển, họ phải đầu tư và nâng cấp công nghệ, cùng lúc nâng cao chất lượng nhân sự.
Những bất ổn về kinh tế sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống, thậm chí là chính trị. Công nghệ mới sẽ gây ra sự thay đổi về quyền lực, mối lo ngại về an ninh, làm tăng khoảng cách giàu nghèo.
Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt ra thách thức về bảo mật thông tin cho cả các hệ thống và cá nhân con người. Chúng ta phải làm gì để bảo mật khi dữ liệu có ở khắp mọi nơi và được trao đổi thường xuyên giữa các hệ thống.
Nói tóm lại, CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế của một quốc gia, mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thách thức và khó khăn.
Tổng hợp