Vốn rót vào các quỹ đầu tư có trách nhiệm và bền vững, chú trọng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trên toàn cầu giảm mạnh trong năm 2023, chỉ còn khoảng 1/3 so với năm 2022 và 1/10 so với năm 2021.
Sức hút của các quỹ này suy giảm trong bối cảnh vướng vào tranh cãi chính trị và mối lo ngại “tẩy rửa xanh” (các công ty đưa ra tuyên bố sai lệch hoặc lừa đảo về lợi ích môi trường của sản phẩm, dịch vụ hoặc chính sách của họ).
Đầu tư theo chủ đề ESG bùng nổ vào năm 2020 và 2021 trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi giá dầu thấp thúc đẩy nhiều nhà đầu tư đa dạng hóa hơn bên ngoài lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và khi các nhà quản lý quỹ tỏ ra chú trọng hơn về khí hậu. Nhưng chủ đề này bắt đầu không còn được ưa chuộng vào năm 2022 khi giá năng lượng truyền thống tăng vọt.
Phản ứng chính trị chống lại ESG do các nhà chính trị đảng Cộng hóa ở Mỹ dẫn đầu cũng như những nghi ngờ về “tẩy rửa xanh” cũng đã làm tổn hại điến danh tiếng của các quỹ ESG.
Trên toàn cầu, các quỹ được phân loại là “đầu tư có trách nhiệm” nhận được 68 tỉ đô la Mỹ tiền gửi mới ròng trong năm 2023, tính đến ngày 30-11, theo dữ liệu của LSEG Lipper. Con số giảm mạnh từ 158 tỉ đô la trong năm 2022 và từ 558 tỉ đô la trong năm 2021.
Trong năm nay, các lãnh đạo chính trị thuộc đảng Cộng hòa ở một số bang ở Mỹ đã rút hàng tỉ đô la tiền đầu tư của nhà nước từ các quỹ bền vững của các công ty quản lý tài sản hàng đầu như BlackRock . Đồng thời, họ cũng đề xuất nhiều dự luật nhằm hạn chế việc sử dụng các tiêu chí ESG trong đầu tư,
Hiệu quả hoạt động của các quỹ bền vững thường vượt trội so với thị trường rộng lớn hơn, nhờ mua nhiều cổ phiếu công nghệ của các công ty như như Apple và Alphabet, vốn tăng giá mạnh trong vài tháng qua khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu kết thúc tăng lãi suất.
Tính đến đầu tuần qua, Chỉ số Thế giới bền vững Dow Jones (Dow Jones Sustainability World Index) có mức sinh lời 21,7%, cao hơn mức tăng 17% của chỉ số S&P 500, theo dõi 500 công ty có vốn hóa lớn ở Mỹ. Vào năm 2022, chỉ số bền vững này cũng hoạt động tốt hơn so với thị trường rộng lớn hơn, ngay cả khi thua lỗ. Chỉ số này có lợi nhuận âm 15,6% trong khi chỉ số S&P 500 có lợi nhuận âm 20%.
“Dù trải hai năm khó khăn, nhưng có dấu hiệu cho thấy bối cảnh thị trường đang trở nên thuận lợi hơn cho các chiến lược bền vững”, Iain Snedden, chuyên gia đầu tư cấp cao của Aegon Asset Management, nói và cho biết thêm, với lợi suất trái phiếu và lạm phát đang giảm, một số cổ phiếu tăng trưởng thuộc lĩnh vực bền vững đang được định giá rẻ “một cách vô lý”.
Theo LSEG Lipper, tính đến ngày 30-11, tổng tài sản quỹ đầu tư “có trách nhiệm” trên toàn cầu là 2,56 nghìn tỉ đô la, tăng từ 2,35 nghìn tỉ đô la vào cuối năm 2022. Dữ liệu của LSEG Lipper cho thấy trong năm nay, các quỹ này vẫn vượt xa các quỹ khác về mức tăng trưởng tiền gửi mới so với tổng tài sản.
Robert Jenkins, người đứng đầu toàn cầu về đầu tư và tài sản của LSEG Lipper, cho biết, nhiều quỹ ESG cũng được hưởng lợi từ việc ít nắm cổ phiếu năng lượng truyền thống, vốn hoạt động kém hiệu quả trong nửa cuối năm do giá dầu giảm.
Với tổng lợi nhuận là 31,66% tính đến ngày 19 -12, quỹ FTSE Social Index Fund, trị giá 16,5 tỉ đô la của Vanguard đánh bại 96% các quỹ ngang hàng trong năm, Các cổ phiếu hàng đầu mà quỹ này đang năm giữ gồm Apple, Microsoft và Amazon (những công ty được đánh giá cao về các tiêu chí liên quan đến xã hội và quản trị).
Trong năm qua, dòng vốn chảy vào các quỹ đầu tư có trách nhiệm ở châu Âu, nơi chiếm khoảng 80% tài sản bền vững trên toàn cầu, khá khiêm tốn. Theo dữ liệu của Morningstar, các quỹ bền vững của Mỹ chứng kiến vốn bị rút ròng 10 tỉ đô la chỉ trong tháng 11. Trong khi đó, các quỹ bền vững thuần túy có một năm khó khăn hơn khi các công ty năng lượng sạch chịu sức ép lớn do lãi suất và lạm phát tăng. Trong năm nay, tài sản của quỹ Invesco Solar Energy ETF (theo dõi cổ phiếu của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời), giảm 27%.
Luật sư Cal Smith của hãng luật King & Spalding, người tư vấn cho hội đồng quản trị của các công ty lớn, dự báo các cuộc công kích của đảng Cộng hòa nhằm vào chủ đề đầu tư ESG sẽ tiếp tục. Nhưng ông cho rằng, sau khi đầu tư vào tính đa dạng lực lượng lao động hoặc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhiều công ty lớn sẽ không thay đổi các hoạt động của họ. Ông lưu ý, các công ty sẽ ít lên tiếng hơn về các vấn đề ESG. “Họ lo ngại về việc bị lôi kéo vào vấn đề chính trị này”, ông nói.
Theo Viện Đầu tư bền vững, có trụ sở ở Washington, trong năm nay, các nhà quản lý tài sản hàng đầu BlackRock và Vanguard đã rút lại sự ủng hộ đối với các nghị quyết của đại hội cổ đông liên quan đến ESG.