Do quý 1 vừa qua, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên từ quý 2, các chính sách trợ lực cho thị trường này sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn.
Cùng với lượng giao dịch suy giảm, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn như khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, khó phát hành trái phiếu và huy động vốn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án mới, giảm đến 50% lực lượng lao động.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, từ quý 2, các chính sách trợ lực cho thị trường này sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn. Trong cuộc họp, đại diện Bộ Xây dựng đã có những thông tin mới nhất về hoạt động của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: “Tổ công tác đang rất tích cực làm việc với các địa phương, bước đầu đã nhận diện những khó khăn, vướng mắc để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung nào chưa rõ thì tổ công tác giải đáp ngay cho các địa phương. Như chúng ta đã thấy, rất nhiều dự án đã phải dừng thi công, nếu được sớm đưa vào khai thác trong thời gian tới thì có lẽ vấn đề liên quan đến nguồn cung, liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ tốt hơn”.
Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33. Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần có giải pháp thúc đẩy tiến độ cho từng dự án cụ thể, cả ở phân khúc nhà ở và các dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn, có tác động tới phát triển du lịch hạ tầng của các địa phương. Nếu không được xử lý, các dự án này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới hàng loạt ngành nghề khác.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định: “Điều này kéo theo thiệt hại của khá đông nhà đầu tư và một lượng lớn nguồn vốn đã đưa vào hoạt động, vào các dự án. Theo tôi cần phải thực sự quan tâm tới các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng khá rộng tới thị trường, tới các nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp thoát qua sự khủng hoảng sẽ lấy lại cân bằng và niềm tin cho cả thị trường”.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam, cho biết: “Tôi nghĩ phía cơ quan Nhà nước cần đẩy nhanh hơn tốc độ, tiến độ thực thi các văn bản ban hành Chính phủ, để đẩy nguồn cung ra thị trường. Thứ 2 về lãi suất, làm sao để hạ lãi suất thấp hơn bây giờ, cho vay trên 10% thì rất khó cho các nhà đầu tư”.
Ngoài ra, để thúc đẩy nhanh gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã xin Thủ tướng ủy quyền cho UBND các tỉnh chủ động công bố danh mục này. Đây sẽ cách nhanh nhất để giải ngân gói ưu đãi.