Từ câu chuyện con cá tra Việt Nam (VN) liên tục bị nói xấu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ hình ảnh, uy tín thương hiệu của hàng xuất khẩu VN tại thị trường nước ngoài.
Cạnh tranh không lành mạnh
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết thời gian gần đây tại Rumania, trên nhiều tờ báo mạng như Realitate.net, Ziuanews.ro, Bzi.ro, Adevarul.ro, Puppe.ro, Secretulsanatatii.net… đăng tải những thông tin sai lệch về ngành cá tra VN. Thậm chí truyền thông nước này còn khuyến nghị người dân không ăn, tẩy chay cá tra và cả những nhà hàng đưa món cá này vào thực đơn. Điều này gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra VN.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết: “Hiện có trên 10 thị trường xuất hiện thông tin mang tính bôi nhọ một chiều, thông tin không chính xác về thủy sản VN”.
Đáng lo là đây không phải lần đầu tiên con cá tra bị bôi nhọ trên thị trường quốc tế. Trong hơn 10 năm qua, cá tra VN luôn phải chiến đấu với những chiêu thức bôi nhọ, cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử đầu năm ngoái, một chương trình của đài truyền hình Cuatro TV tại Tây Ban Nha phát sóng thông tin không chính xác về cá tra VN được nuôi trên sông Mekong. Theo đoạn phim này, cá tra được nuôi trong những lồng bè không sạch, thức ăn không được chế biến theo quy chuẩn công nghiệp mà từ cá chết và các loại phế phẩm khác.
Ông Hòe cho rằng thông tin bôi nhọ không chỉ ảnh hưởng tới một mặt hàng và ở một thị trường mà còn ảnh hưởng tới uy tín của ngành thủy sản VN ở nhiều nước khác. Ví dụ, sau khi một đài truyền hình tại Tây Ban Nha phát sóng thông tin sai lệch, nhập khẩu cá tra từ châu Âu giảm 20%. Thậm chí có thời điểm tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu là Carrefour quyết định không tiêu thụ sản phẩm cá tra VN trong hệ thống của tập đoàn này.
Một số công ty xuất khẩu cho rằng đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Cụ thể như cá tra VN đang cạnh tranh mạnh mẽ nhờ giá rẻ, chất lượng, dinh dưỡng cao khiến ngành nuôi trồng, chế biến cá thịt trắng ở các nước châu Âu gặp khó khăn. Vì vậy, không loại trừ đây là những chiến dịch truyền thông chơi xấu nhằm hạ uy tín cá tra VN.
Xử lý khủng hoảng
Để bảo vệ hàng trong nước trước việc bị bôi nhọ, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho hay: Trước mắt đã kiến nghị trực tiếp đến các cơ quan truyền thông yêu cầu đính chính thông tin. Đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng và chính xác về tình hình chế biến và xuất khẩu cá tra VN cho các đối tác châu Âu. Sau đó nhờ các tổ chức chứng chận tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, về bảo vệ môi trường lên tiếng.
“Chúng tôi cũng đang phối hợp với các DN xuất khẩu cá tra vào EU cùng thực hiện chiến lược quảng bá và các hoạt động khác nhằm giúp xây dựng hình ảnh cho sản phẩm cá tra tại thị trường này. Trong đó sẽ thông qua truyền thông để đưa những thông tin chính xác nhất về quy trình nuôi trồng, chế biến cá tra VN hiện nay nhằm gây dựng lại niềm tin cho người tiêu dùng EU” – đại diện VASEP chia sẻ.
Để tránh bị chơi xấu, ăn cắp, làm giả thương hiệu…, luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Luật BROSS & Partners, gợi ý các công ty VN nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Ngoài phương thức đăng ký quốc gia, tức là nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đến từng quốc gia, tốn nhiều chi phí thì DN có thể chọn đăng ký quốc tế để tiết kiệm. Cụ thể, DN chỉ cần nộp một đơn đăng ký nhãn hiệu cho nhiều nước theo Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Đây là một công cụ bảo vệ thương hiệu cho DN tại các quốc gia khác.
“Chỉ có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở những thị trường có xuất khẩu thì khi bị làm nhái, làm giả… chúng ta mới có cơ sở pháp lý để khởi kiện” – luật sư Vinh nói.
Bên cạnh đó, đại diện VASEP cũng cho rằng cần có sự trao đổi thông tin hai chiều giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương với các tham tán thương mại để liên tục đấu tranh trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bôi nhọ các sản phẩm của VN.
Dưới góc độ DN, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phước, cho rằng ngành thủy sản nói chung và các DN của VN nói riêng cần tương tác nhiều hơn nữa với khách hàng nước ngoài để có thể phản hồi và cung cấp thông tin chính xác về chất lượng sản phẩm. “Thương vụ VN tại các nước cần phối hợp với các đối tác sở tại như Hiệp hội Ngoại thương châu Âu, Hiệp hội Các nhà bán buôn và bán lẻ châu Âu, phòng thương mại… Qua đó chuyển tải những thông tin cập nhật và khách quan, mang tính đại diện tới các DN và người tiêu dùng tại các nước này” – ông Lĩnh nói.
Tán đồng với quan điểm này, một chuyên gia cho rằng để đối phó với thông tin bôi nhọ một cách chuyên nghiệp thì cần xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng quốc tế. Đặc biệt, cần phải chủ động hơn việc kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu. Đồng thời những DN bị ảnh hưởng bởi việc bôi nhọ có thể phối hợp khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, dù việc khiếu kiện ở nước ngoài không phải là điều dễ dàng và tốn kém.
Tổ chức quốc tế lên tiếng
Trước những thông tin bôi nhọ cá tra tại thị trường châu Âu, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) đã có thông báo nhấn mạnh: Cá tra được nuôi theo phương thức có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe. Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra.
GAA cho rằng các nhà sản xuất cá tra được chứng nhận BAP phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm và xem xét mức độ liên quan tới môi trường nghiêm ngặt. Những nhà sản xuất này luôn chú trọng đến việc tuân thủ các yêu cầu này. GAA cũng chỉ ra rằng các chiến dịch chống cá tra thường bắt nguồn từ các nhóm lợi ích cạnh tranh, rất dễ bóp méo sự thật.
“VN hiện nay có rất nhiều DN, cơ sở nuôi đã đạt được các chứng nhận quốc tế ở mức cao như BAP của Mỹ, hoặc tiêu chuẩn ASC của châu Âu, GlobalG.A.P…” – GAA khẳng định
Theo QUANG HUY/PL TP>HCM