Tăng tốc mạnh mẽ cùng chuyển đổi số, toàn ngành tài chính đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong tiến trình chuyển đổi, thách thức về kết nối, chia sẻ dữ liệu hay nguy cơ mất an toàn, an ninh dữ liệu vẫn tiếp tục tồn tại và gây nhiều khó khăn cho các đơn vị…
Ngày 20/9/2024, Cục Tin học và Thống kê Tài chính cùng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) đồng tổ chức Hội thảo – Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2024 (Vietnam Digital Finance 2024, viết tắt là VDF-2024) với chủ đề “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành tài chính trong kỷ nguyên số”.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện nhiều bộ, ngành làm rõ những kết quả nổi bật trong quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính, từ việc kết nối chia sẻ, khai thác dữ liệu; hiện đại hóa hạ tầng thông tin đến việc quản lý rủi ro giám sát và phát hiện các mối đe dọa an ninh mạng nói chung và trong ngành tài chính nói riêng.
CHUYỂN ĐỔI SỐ DỰA TRÊN 03 NHÂN TỐ CỐT LÕI
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào ba vấn đề là thể chế, công nghệ và con người.
“Thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển”, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ.
Toàn cảnh hội thảo – triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2024.
Thứ trưởng Bùi Văn Khắng chỉ rõ một là, về thể chế tập trung vào việc rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trong các lĩnh vực trọng tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để làm cơ sở cho việc chuyển đổi số tại Bộ Tài chính.
Theo đó, ngày 4/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 793/QĐ BTC về chương trình hành động thực hiện Đề án đổi mới quy trình nghiệp vụ ngành tài chính để thực hiện chuyển đổi số.
Hai là, về công nghệ, ngành tài chính đã tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, hoàn thiện dữ liệu số, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ số, an toàn, an ninh mạng; tăng cường triển khai, thử nghiệm các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)… nhằm phục vụ các hoạt động chuyên ngành cốt lõi như: tài chính nhà nước, thuế, hải quan, thị trường tài chính…
Đồng thời, phục vụ các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp như: nâng cao năng lực dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh các ứng dụng có tương tác với người dân, doanh nghiệp…
Ba là, đối với nhân lực, chú trọng vào việc nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định trong thời gian vừa qua, ngành tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán… giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Những kết này quả này là động lực rất lớn để Việt Nam tham gia mạnh hơn vào xu hướng chung của thế giới.
THÁCH THỨC BẢO VỆ DỮ LIỆU
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý ngân sách nhà nước và kho bạc, ông Đoàn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, cho biết để triển khai mục tiêu 03 không “không tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy”, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân sách nhà nước và kho bạc.
Cụ thể, về mục tiêu không tiền mặt, Bộ Tài chính đã giảm chi bằng tiền mặt, tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm mạnh.
“Số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt chỉ còn chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu ngân sách nhà nước”, ông Tùng nêu rõ.
Về mục tiêu không giao dịch trực tiếp, Bộ Tài chính đã điện tử hóa 100% công tác thu ngân sách nhà nước thông qua việc phối hợp với các ngân hàng thương mại, tận dụng mạng lưới của ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ thu nộp ngân sách nhà nước qua kênh điện tử 24/7.
Trong lĩnh vực chi, Kho bạc Nhà nước cung cấp 100% thủ tục hành chính liên quan đến một số lĩnh vực như kiểm soát chi ngân sách nhà nước, hoàn thu… thông qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trong đó đã phối hợp với 17 hệ thống ngân hàng thương mại.
Đến cuối năm 2023, tổng số đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước tham gia dịch vụ công trực tuyến toàn trình của liên quan đến lĩnh vực kho bạc của Bộ Tài chính là 98.000 đơn vị.
Về mục tiêu không chứng từ giấy, Bộ Tài chính đã thực hiện điện tử hóa các hệ thống thông tin do vậy hầu hết các giao dịch của Kho bạc Nhà nước không cần chứng từ giấy mà thực hiện trực tiếp trên các hệ thống thông tin.
Về lĩnh vực chứng khoán, về nhiệm vụ đối soát xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ làm sạch dữ liệu nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán, tính đến ngày 09/8/2024 đã có 54.722/7.120.254 tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã cập nhật, điều chỉnh thông tin, đạt tỷ lệ chưa đầy 1%.
Về nhiệm vụ đối soát xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ làm sạch dữ liệu dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, Bộ Tài chính đã hoàn thành đối soát dữ liệu 13.366 chứng chỉ hành nghề chứng khoán với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã cập nhật số định danh vào cơ sở dữ liệu, đảm bảo toàn vẹn dữ liệu để phục vụ công tác nghiệp vụ ngành chứng khoán.
Ngoài ra, còn nhiều kết quả nổi bật về chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, thuế. Thời gian tới, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06 như làm sạch dữ liệu liệu thuế; dữ liệu người tham gia thị trường chứng khoán; dữ liệu về hải quan.
Cùng với đó, triển khai trên phạm vi toàn quốc giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư…
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Tin học và Thống kê tài chính cho rằng quá trình chuyển đổi trong ngành tài chính cũng gặp nhiều thách thức. “Đến nay, kinh phí triển khai Đề án 06 và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2024 cho các đơn vị trong ngành tài chính chưa được giao nên chưa có cơ sở để triển khai”, ông Tùng nêu rõ.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành tài chính cũng phải đối mặt với những thách thức khi kết nối dữ liệu hay phải xử lý các cuộc tấn công trên không gian mạng, số lượng cuộc tấn công có chủ đích ngày càng gia tăng.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), so với nhiều quốc gia láng giềng, nguy cơ Việt Nam bị các hacker để mắt nhiều hơn. Đặc biệt là sau vụ việc một công ty chứng khoán lớn bị tấn công và tê liệt toàn bộ website và ứng dụng giao dịch, sau đó, có đơn vị trả tiền chuộc cho hacker và gây nguy cơ gia tăng các vụ tấn công.
Cũng theo ông Tuấn, trong cuộc thanh tra đột xuất một công ty chứng khoán mới đây thấy còn nhiều lỗ hổng, ảnh hưởng đến người dùng.
Để làm rõ hơn về các vấn đề nêu trên, tại hội thảo, các chuyên gia cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính. Đồng thời, chia sẻ nhiều xu hướng về chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực tài chính nói riêng, từ đó đề xuất ứng dụng công nghệ mới như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật vào các lĩnh vực hoạt động quản lý và chỉ đạo điều hành của ngành tài chính.