Về trang chủ Khỏe-Đẹp Bụi phổi “gặm nhấm”, công nhân mỏi mòn chờ… giám định

Bụi phổi “gặm nhấm”, công nhân mỏi mòn chờ… giám định

Sức khỏe sụt giảm rõ từng ngày, song nhiều công nhân mắc bệnh bụi phổi silic vẫn đang phải mòn mỏi chờ đợi giám định bệnh nghề nghiệp để được hưởng các chế độ, giảm bớt gánh nặng điều trị cho gia đình.
Kiệt quệ sức khỏe, tiền bạc

Cầm túi thuốc đủ loại trong tay, anh Dương Văn Chính – 34 tuổi, trú xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An – cho biết, để cầm cự với căn bệnh bụi phổi silic, mỗi tháng anh phải tốn hơn 10 triệu đồng tiền thuốc điều trị. Anh Chính là 1 trong 14 công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến (đóng tại khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) mắc bệnh bụi phổi silic và các bệnh liên quan đến phổi.

“Sức khỏe ngày một yếu, chỉ cần làm việc nặng một chút là thở không được nên tôi chỉ có thể ở nhà. Không có việc, bảo hiểm cũng không nên chi phí thuốc thang rất tốn kém” – anh Chính rầu rĩ nói.

Năm 2017, anh Chính vào làm việc ở bộ phận vận hành máy quang phổ, tách hạt của công ty. “Giờ xem lại hình ảnh chỗ tôi làm việc bụi mù mịt mà kinh hãi. Cùng làm việc trong xưởng nhưng do bụi mù nên mọi người không thể nhìn thấy mặt nhau dù chỉ đứng cách nhau hơn 10m” – anh Chính kể. Năm 2022, khi nhiều đồng nghiệp phát hiện bị bụi phổi, anh đi khám và mới biết mình cũng mắc bệnh. May mắn, anh Chính vẫn còn cơ hội rửa phổi tại Bệnh viện Phổi Trung Ương. Tuy nhiên, do sức khỏe giảm sút, anh phải nghỉ việc ở nhà.

Các công nhân đã, đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến được khám sức khỏe để xác định bệnh nghề nghiệp – Ảnh: Khánh Trung

Anh Hoàng Văn Sơn – 47 tuổi, trú xã Nghi Hưng – thì đang phải sống dựa vào bình ô xy từ nhiều tháng qua, dù mới phát hiện mắc bụi phổi hơn 1 năm trước. Do phát hiện bệnh khi đã quá nặng, sức khỏe anh Sơn “tụt dốc không phanh”, chỉ sau ít tháng đã không còn tự đi lại được. Thương chồng, vợ anh là chị Nguyễn Thị Bình phải nghỉ việc ở công ty, đưa anh đi khắp nơi chữa trị. Song đi đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Tài sản trong nhà cũng cứ thế lần lượt ra đi.

Không còn cách nào khác, chị Bình phải mỗi ngày vượt hơn 10km đi mua bình ô xy về nhằm kéo dài sự sống cho chồng. Chị nói: “Phổi hỏng hết rồi nên phải sống dựa vào ô xy thôi. Chỉ vài phút không có ô xy thì anh ấy không chịu nổi”. Chị Bình phải xoay xở đủ cách, nhận làm thuê công việc vặt gần nhà để vừa tiện chăm chồng, vừa có tiền mua ô xy duy trì sự sống cho chồng.

Đến nay, 5 người mắc bệnh bụi phổi silic từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến đã tử vong. Mới nhất là anh Trần Ngọc Hoa – 45 tuổi, trú xã Nghi Hưng – tử vong hôm 6/10, sau hơn 1 năm phát hiện bệnh. Chị Bùi Thị Hương – vợ anh Hoa – cho biết, từ khi chồng nhập viện điều trị, những đồng tiền tích góp của gia đình cũng “không cánh mà bay”. Con gái đầu lòng trúng tuyển 4 trường đại học cũng đành gác lại giấc mơ, đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Bao giờ được hưởng quyền lợi?

UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao các cơ quan liên quan điều tra bệnh nghề nghiệp đối với những lao động đã mất vì bệnh bụi phổi silic, xác định bệnh nghề nghiệp cho những công nhân còn đang điều trị. Tuy nhiên đến nay, những công nhân mắc bệnh này vẫn chưa được xác định là mắc bệnh nghề nghiệp để hưởng các chế độ.

Ông Lê Tuấn Anh – Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An – cho biết: kết quả phân tích mẫu nguyên liệu (đầu vào, đầu ra) được lấy tại Công ty TNHH Châu Tiến cho thấy hàm lượng silic tự do trong nguyên liệu và thành phẩm cao trên 99%. Với môi trường này thì nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic cấp tính rất cao nếu trang bị bảo hộ lao động không đảm bảo. Bụi phổi có nhiều loại, song chỉ khi công nhân được xác định mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp thì mới được bảo hiểm xã hội chi trả chế độ.

“Những công nhân làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi silic thì rõ ràng rồi vì đã có hồ sơ, bệnh án của bệnh viện. Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung để làm rõ bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp để làm chế độ cho họ” – ông Lê Tuấn Anh nói.

Ông Thái Đình Lâm – Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An – thông tin, Sở Y tế Nghệ An phối hợp với Bệnh viện Phổi Nghệ An và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế tổ chức khám sức khỏe cho hơn 30 công nhân đã, đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến để điều tra bệnh nghề nghiệp cho các công nhân. Công nhân được chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp, kiểm tra mạch, huyết áp, xét nghiệm đờm… Hồ sơ khám sức khỏe sẽ được gửi ra Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường để hội đồng chuyên môn xác định công nhân có bị bụi phổi silic hay không. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác nhận bệnh nghề nghiệp cho các công nhân.

Theo ông Thái Đình Lâm, bệnh bụi phổi silic rất khó phát hiện, các trường hợp khi đã xuất hiện triệu chứng như ho khan, khó thở… đi khám thì thường đã quá muộn. “Khi đó chỉ còn cách thay phổi chứ không còn khả năng điều trị. Do đó, công nhân làm trong môi trường khai thác, chế biến khoáng sản nên đi khám sức khỏe 6 tháng 1 lần để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời” – ông Thái Đình Lâm khuyến cáo.

Theo Phan Ngọc/phunuonline

Có thể bạn quan tâm